Chiều 17/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với báo cáo của Hội đồng Dân tộc về việc phân định miền núi, vùng cao.

Kết quả phân định miền núi, vùng cao là các căn cứ quan trọng để Nhà nước ban hành một số cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ đầu tư nhằm phát triển kinh tế, xã hội các địa phương miền núi, ổn định và nâng cao đời sống cho đồng bào miền núi, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, từ năm 1996 đã hình thành hai phân định là miền núi, vùng cao và phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, Chính phủ đã ban hành thêm một số hình thức phân loại: Phân định địa bàn khu vực biên giới trên đất liền và trên biển; phân loại xã bãi ngang ven biển và hải đảo; phân loại đơn vị hành chính cấp xã vùng khó khăn; phân loại đơn vị hành chính cấp xã/phường/thị trấn. Mỗi phân định, phân loại có các tiêu chí khác nhau, mục đích, phạm vi, đối tượng để ban hành chính sách trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau.

{keywords}
Ảnh minh họa

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Y Thanh Hà Niê K’đăm nêu rõ, căn cứ để phân định miền núi, vùng cao gồm: Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị khóa VI; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị khóa XII; Điều 36, Hiến pháp 1992 (Điều 58 Hiến pháp 2013); Điều 39 Hiến pháp 1992 (Điều 61 Hiến pháp 2013) quy định về nhiệm vụ của Nhà nước thực hiện chính sách ưu tiên về giáo dục, y tế đối với “vùng miền núi, dân tộc thiểu số”; Hiến pháp 2013 bổ sung thêm đối tượng “ vùng đặc biệt khó khăn”; Khoản 3, Điều 94 Hiến pháp 1992 (Khoản 2, Điều 75 Hiến pháp 2013) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐDT về lĩnh vực dân tộc, miền núi,...

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, việc phân định dựa trên các tiêu chí về mức độ phát triển về kinh tế, xã hội của các đối tượng; sau dần mở rộng để áp dụng thực hiện các chính sách về giáo dục, y tế, văn hóa và giảm nghèo, an sinh xã hội cũng như đầu tư phát triển. Việc phân định sẽ làm căn cứ thực hiện chế độ, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giảm sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng trong cả nước. Bộ tiêu chí phân loại gồm tiêu chí chung và các tiêu chí đặc thù.

Ông Y Thanh Hà Niê K’đăm nhấn mạnh, việc phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao là cần thiết, để làm cơ sở, căn cứ cho việc tổ chức các giải pháp quản lý nhà nước và xây dựng một số chính sách phù hợp về đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội nhằm ổn định đời sống cho người dân. Kết quả phân định đã được thể hiện bằng quyết định công nhận xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao; đã và đang là các căn cứ quan trọng phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước và xây dựng cơ chế, pháp luật, chính sách, tổ chức thực hiện chính sách trên địa bàn xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao.

Tuy nhiên, tiêu chí phân định miền núi, vùng cao hiện chưa thực sự bảo đảm tính khoa học, tính thực tiễn, tính phù hợp và tính đồng bộ giữa một số phân định; Các tiêu chí chính để xác định miền núi, vùng cao còn quá đơn giản, chỉ căn cứ yếu tố độ cao so với mặt nước biển và tiêu chí số đơn vị hành chính để xác định là là tỉnh, huyện, xã là miền núi, vùng cao; Các tiêu chí liên quan đến yếu tố tự nhiên như độ dốc, độ phân cắt, đất đai sản xuất nông nghiệp, là những yếu tố bất biến tạo nên tính đặc thù của từng vùng chưa được thể hiện.

Bên cạnh đó, nhiều văn bản pháp luật hiện hành quy định phạm vi quá rộng cho nhiều vùng và chưa thống nhất về nội hàm các khái niệm dẫn đến việc quy định đối tượng chính sách chưa cụ thể theo tính chất chính sách, đôi khi chồng lấn, khó cụ thể hóa và tổ chức thực hiện làm giảm hiệu quả chính sách. Công tác tổng kết, kiểm tra, đánh giá việc phân định chưa được thực hiện kịp thời, việc phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao được thực hiện từ năm 1993 đến nay đã 28 năm nhưng các cơ quan quản lý, chủ trì chưa có hoạt động tổng kết, đánh giá; cơ sở pháp lý của văn bản quy định tiêu chí miền núi, vùng cao chưa bảo đảm.

Từ những tồn tại hạn chế trên, ông Y Thanh Hà Niê K’đăm đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ tổng kết đánh giá toàn diện hiệu quả của việc phân định miền núi, vùng cao; phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; cùng với việc xem xét các hình thức phân định khác. Trong đó, xác định một cơ quan đầu mối quản lý chủ trì theo dõi chung về vấn đề phân định. Đồng thời tiến hành nghiên cứu, xây dựng và ban hành tiêu chí phân định miền núi, vùng cao; rà soát phân định, bảo đảm cơ sở pháp lý cũng như tính thống nhất, đồng bộ để thực hiện chính sách, pháp luật. Đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát lại các văn bản chính sách, pháp luật có liên quan đến việc điều chỉnh đối tượng là miền núi, vùng cao.

{keywords}
Ảnh minh họa

Giải trình một số nội dung tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, sau khi có Nghị quyết số 22/NQ-TW của Bộ Chính trị, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 72. Từ thời điểm ban hành đến năm 2009 đã có 9 lần công nhận tiêu chí miền núi và vùng cao như trong báo cáo của Hội đồng Dân tộc đã nêu. Bộ tiêu chí này được công nhận theo từng giai đoạn vừa qua là cơ sở để hoạch định các chính sách của Đảng và Nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng cao.

Từ năm 1996 đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo chủ yếu phân định và bổ sung thêm một số tiêu chí mới, ngoài tiêu chí vùng cao còn có tiêu chí phân định theo trình độ phát triển của các dân tộc, trong đó có bổ sung thêm nội hàm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó ngoài miền núi vùng cao có thêm vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng các chính sách chủ trương của Đảng trong thời gian gần đây. Sau một thời gian thực hiện, đến năm 2014, tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ với Hội đồng Dân tộc và Uỷ ban Dân tộc đã thống nhất và có thông báo Kết luận số 286/TB-VPCP. Từ đó đã thống nhất các bộ, ngành, địa phương thực hiện thống nhất các chính sách đối với thôn, bản, xã, vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo tiêu chí quy định tại Quyết định 30/2012/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó đến nay thực hiện theo tiêu chí phân định là theo trình độ phát triển.

Trong bộ tiêu chí phân định này đã bao gồm những xã, thôn nằm trong vùng cao và miền núi đã được phân định trước đây. Vừa qua, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 88/2019/QH14, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 33/2020/QĐ-TTg, trong đó đã xác định rất rõ ràng các tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển. Có thể nói, bộ tiêu chí đã bao hàm hết tất cả tuy nhiên về mặt pháp lý, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng có Nghị quyết của Quốc hội, có Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhưng khi ban hành bộ tiêu chí mới để cập nhật tích hợp thì chưa có Nghị quyết thay thế và chưa có đánh giá một cách toàn diện.

Trên cơ sở đó, ông Hầu A Lềnh đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Hội đồng Dân tộc phối hợp với Uỷ ban Dân tộc cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đánh giá kĩ hơn để kiến nghị với các cấp có thẩm quyền nhằm tích hợp, điều chỉnh, bổ sung đánh giá toàn diện hơn ngoài việc phân định các xã theo trình độ phát triển còn có các hình thức phân định khác không, sau khi đánh giá sẽ có báo cáo cụ thể.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, xuất phát từ vấn đề thực tiễn đặt ra trong Nghị quyết của Quốc hội và kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV về yêu cầu thực hiện phân định miền núi, vùng cao nhưng đến nay, việc triển khai thực hiện chưa đạt yêu cầu. Do đó, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị Hội đồng Dân tộc tiếp tục phối hợp với Uỷ ban Dân tộc tiến hành tổng kết đánh giá toàn diện hiệu quả của việc phân định miền núi, vùng cao cùng với việc xem xét các hình thức phân định khác; rà soát các văn bản chính sách pháp luật có liên quan đến miền núi, vùng cao, đảm bảo tính thống nhất đồng bộ với các quy định trong hệ thống chính sách pháp luật hiện hành. Đồng thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung tiêu chí và thực hiện phân định miền núi, vùng cao làm cơ sở thống nhất, đồng bộ để thực hiện chính sách pháp luật trong giai đoạn tiếp theo.

Hữu Khôi
Ảnh: Đức Yên