Mới đây, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở tỉnh Nam Định đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là Quyết định).

Xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn cũng như khoa học

Đề án được lập xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, của khoa học cũng như là sự thực hiện cam kết của Việt Nam với UNESCO.

Thứ nhất xuất phát từ những vấn đề cấp thiết đặt ra trong thực tiễn. Đó là sự thiếu đồng bộ trong các mô hình quản lý di sản gắn với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; Tính tự phát trong sinh hoạt thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (sinh hoạt Hát văn - Hầu đồng); Những phát sinh tiêu cực trong quản lý tiền công đức, phục dựng di tích; Sự phát sinh các sinh hoạt hướng theo mục đích thương mại hóa di sản; Sự thiếu đồng bộ trong cơ chế, chính sách quản lý văn hóa các cấp…

Đồng thời trong cộng đồng vẫn còn có sự nhận thức không đồng bộ về di sản, đặc biệt là nhận thức của chính chủ thể di sản gồm người thực hành di sản, cộng đồng nơi có di sản dẫn tới thực hành thiếu chuẩn mực.

Thứ 2 xuất phát từ những vấn đề đặt ra cấp thiết về mặt khoa học. Theo đó, cho đến nay, những cơ sở lý luận về bảo vệ và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nói riêng đã và đang được đặt ra trong khoa học chuyên ngành.

Tuy nhiên, trong quá trình tiếp cận nghiên cứu từng đối tượng cụ thể, như Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chẳng hạn, vẫn đã và đang hiện tồn những khoảng trống trong lý luận về quản lý và bảo tồn di sản thờ Mẫu, về vấn đề xây dựng mô hình ứng dụng trong bảo vệ di sản, về tiếp cận sự biến đổi hoặc tiếp biến trong quá trình giao lưu giữa các di sản, giữa các chủ nhân văn hóa, về vấn đề nghệ nhân và ứng xử nghệ nhân…

Thứ 3 là nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được Chính phủ Việt Nam cam kết với UNESCO sau khi di sản được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2016).

{keywords}
Lễ hội Phủ Dầy: Tôn vinh giá trị truyền thống tín ngưỡng thờ Mẫu 

Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng

Cũng trong Quyết định này, UBND Nam Định chỉ rõ quan điểm của Đề án.

Thứ nhất, di sản văn hóa phi vật thể nói chung và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói riêng là nguồn lực văn hóa, là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ phải được lồng ghép vào trong các chương trình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội tại tỉnh Nam Định. Bảo vệ và phát huy giá trị Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trong sự đa dạng văn hóa của cộng đồng người dân ở Nam Định, với các đặc trưng của nền văn hóa dân tộc, đảm bảo sự đối thoại và tôn trọng sự đa dạng văn hóa như UNESCO đã từng khuyến nghị.

Bảo vệ và phát huy giá trị của di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng, vì cuộc sống tinh thần và xã hội của cộng đồng, vì sự gắn kết xã hội, tạo ra nội lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ở địa phương.

Thứ 2, bảo vệ di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cần chú trọng đến trao truyền di sản tại cộng đồng, phát huy vai trò của các đồng thầy cùng các thế hệ nghệ nhân, những người thực hành và các thành viên gia đình trao truyền cho thế hệ trẻ trong các bản hội và cộng đồng.

Đảm bảo sự tham gia rộng rãi nhất của cộng đồng những nơi thực hành, gìn giữ, trao truyền di sản và khuyến khích họ tham gia một cách tích cực vào quản lý di sản.

Tăng cường và thúc đẩy đóng góp của hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng tại các trung tâm lớn (Phủ Dầy, Phủ Quảng Cung) trong việc tạo thu nhập và sinh kế bền vững cho cộng đồng, nhóm người và cá nhân.

Thứ 3, bảo vệ và phát huy giá trị Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói riêng và sinh hoạt văn hóa truyền thống nói chung là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, xã hội do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, cộng đồng làm chủ. Tăng cường vai trò của cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, sự chỉ đạo của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương là nhiệm vụ cấp bách đã và đang đặt ra hiện nay.

{keywords}
Hình ảnh từ Lễ đón bằng của UNESCO chứng nhận "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Phổ biến những giá trị nhân văn cho mai sau

Trên cơ sở căn cứ, quan điểm đặt ra, Quyết định xác định Mục tiêu chung của Đề án là:

Bảo vệ và phát huy giá trị của hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trong đời sống đương đại, đảm bảo sức sống của thực hành tín ngưỡng, phổ biến những giá trị nhân văn, những hành vi, nghĩa cử tốt đẹp cho thế hệ mai sau.

Nâng cao nhận thức và lòng tự hào của cộng đồng người dân, ý thức trách nhiệm của các thế hệ, nhất là các chủ thể trực tiếp thực hành di sản như thanh đồng, cung văn trong việc gìn giữ, thực hành và trao truyền di sản.

Từng bước phát huy giá trị của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa của người dân khu vực Nam Định, trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa đặc trưng, tạo không gian văn hóa thích hợp để trao đổi, giao lưu văn hóa, văn nghệ nhằm tăng cường khả năng đối thoại giữa các cộng đồng, phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Quyết định này cũng đề ra các mục tiêu cụ thể thao các mốc thời gian thực hiện.

Năm 2021, thành lập Hội những người bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Nam Định, quy tụ các câu lạc bộ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã có và thành lập các chi hội/câu lạc bộ ở các địa bàn chưa có tại tất cả các địa bàn đã và đang thực hành thuộc 10 huyện, thành phố trên địa bàn Nam Định.

Từ năm 2021-2022, xây dựng hệ thống các văn bản quản lý thống nhất đối với di sản mang tính đặc thù là Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại Nam Định. Tiến hành xây dựng Quy chế thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ áp dụng chung, thống nhất cho các địa bàn và thành lập các ban quản lý văn hóa các cấp; tổ chức tập huấn cho đại diện chủ thể của di sản về các văn bản pháp lý và giá trị của di sản.

Tổng kiểm kê và phân loại hệ thống di tích gắn với không gian thực hành di sản tại 10 huyện, thành phố; đồng thời kiểm kê nguồn lực thực hành di sản ở các địa phương (số lượng nghệ nhân cung văn, các thanh đồng và nguồn lực phụ trợ…), số lượng câu lạc bộ, bản hội cũng như hoạt động của công tác quản lý tại các di tích.

Trên cơ sở đó, đánh giá và đề xuất các dự án cụ thể để có kế hoạch đầu tư tu bổ, nâng cấp và bảo vệ, xây dựng kế hoạch mở lớp truyền dạy cung văn cũng như phát huy giá trị di sản văn hóa tại Nam Định nói chung và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng.

Đến năm 2023, hoàn thành việc nghiên cứu, sưu tầm bài bản, biên soạn tài liệu, sản xuất các ấn phẩm liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn toàn tỉnh, phục vụ nghiên cứu, quản lý văn hóa và trao truyền giá trị di sản. Hoàn thành việc đầu tư xây dựng Trung tâm thông tin giới thiệu giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở một trong hai trung tâm thuộc Vụ Bản và Ý Yên.

Hoàn thiện chính sách đãi ngộ nghệ nhân cho 50% người có công bảo vệ, gìn giữ, truyền dạy di sản được tôn vinh và hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định đưa ra trong đề án; phấn đấu đến năm 2030: 100% được tôn vinh và hưởng chế độ đãi ngộ.

Đến năm 2024: Tổ chức quảng bá 2 đợt di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại nước ngoài. Giai đoạn từ năm 2024-2030, tiếp tục thực hiện 03 đợt trình diễn giao lưu và quảng bá di sản ở các nước ASEAN và các nước khác.

Năm 2024-2030: Thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ nghiệp vụ về quản lý di sản văn hóa phi vật thể; Đầu tư nhân lực và nguồn lực tổ chức các lớp tập huấn và lớp truyền dạy cho các nghệ nhân các chủ nhiệm CLB, các đồng thầy phụ trách các bản hội về nâng cao kỹ năng truyền dạy và tổ chức sinh hoạt CLB, bản hội.

02 năm duy trì tổ chức Liên hoan Hát văn cấp tỉnh hoặc địa phương có khả năng đăng cai.

Thu Huyền

Ảnh: Anh Duy