Khi đến tháng, nhiều người bị đau bụng, đau lưng và máu kinh ra dữ dội khiến cơ thể nhợt nhạt, chóng mặt... gây bực bội, khó chịu và ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt. Y học cổ truyền có món ăn bài thuốc giúp chị em phục hồi sức khỏe trong những ngày này.

Trứng vịt nấu với ngó sen, tô mộc: Trứng vịt 1 quả, tô mộc 6g, ngó sen 30g. bột ngọt, nước đủ đùng. Trứng vịt luộc chín, bóc vỏ. Tô mộc và ngó sen rửa sạch, thái miếng cho vào nồi đất hầm lấy nước đặc, sau đó cho quả trứng vịt vào đun sôi, nêm gia vị, bột canh là dùng được. Khi ăn cả nước. Ăn mỗi ngày 1 thang, ăn trong vòng 1 tuần trước khi thấy đèn đỏ. Món ăn có tác dụng bổ khí huyết cố xung, những người bị hành kinh ra nhiều, rong huyết nên sử dụng.

Cháo nhân sâm, đỗ tương: Nhân sâm 10g, đỗ tương 20g, đường đỏ và nước đủ dùng. Đỗ tương rửa sạch, ngâm nước khoảng 1 tiếng. Cho nhân sâm và đỗ tương vào nồi, đổ nước hầm tới khi đỗ tương chín nhừ, nêm đường đỏ vào là dùng được. Ăn mỗi ngày 1 thang, ăn trong vòng 3 ngày liên tục. Món ăn có tác dụng bổ máu, ích khí, những người hay bị mệt mỏi, mất máu nhiều khi có kinh nguyệt sử dụng rất thích hợp.

Cháo hạt sen, lệ chi (vải): Hạt sen 50g, cùi vải 10 quả, gạo tẻ 50g, đường đỏ, nước đủ dùng. Gạo, hạt sen vo sạch. Cho cả 3 thứ trên vào nồi, đổ nước hầm nhừ thành cháo, nêm đường đỏ vào đun sôi là dùng được. Mỗi ngày ăn 1 thang, ăn trong vòng 15 ngày. Món ăn có tác dụng bổ huyết, dưỡng huyết, thích hợp với những người bị rong huyết, mệt mỏi, chán ăn, thiếu máu.

Thịt nạc xào rau kim châm: Thịt lợn thăn 100g, rau kim châm 50g. Thịt nạc rửa sạch, thái miếng mỏng, ướp với gia vị, đường khoảng 10 phút. Rau kim châm ngâm nước nóng 10 phút. Cho dầu ăn vào đun sôi, cho rau kim châm vào xào tái rồi cho thịt lợn vào xào chín, nêm gia vị cho vừa. Những người có nhiều khí hư, khí hư màu vàng, kinh nguyệt không đều, đi tiểu nhiều nên ăn món này.

BS. Đào Sơn

(Theo Sức khỏe & Đời sống)