Tham gia buổi lễ có sự góp mặt của ông Samdech Pichey Sena Tea Banh – Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia và ông Tea Seiha, Chủ tịch tỉnh Xiêm Riệp.

Sự kiện Dharma Yatra là chuyến hành hương của 53 nhà sư tới từ 5 quốc gia gồm Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia được khởi hành từ ngày 14/10 tại Thái Lan.

{keywords}
Chuyến hành hương kéo dài 18 ngày xuất phát từ Thái Lan và kết thúc ở Campuchia.

Chuyến hành hương dài 2.400 km đường bộ bắt đầu từ chùa Prathatphangau tỉnh Chiang Rai (Thái Lan), qua cửa khẩu tới thị trấn Tachileik (Myanmar), sau đó đi qua Lào tới tỉnh Điện Biên (Việt Nam) rồi trở lại Luang Prabang và Viêng-chăn (Lào). Hành trình kết thúc tại Xiêm Riệp (Campuchia).

Đây là lần thứ 2 chương trình được tổ chức tiếp nối thành công của sự kiện lần đầu tiên vào năm 2017. Các hoạt động tôn giáo xuyên suốt sự kiện nhằm mục đích kết nối, tăng cường giao lưu văn hoá Phật giáo giữa 5 quốc gia lưu vực sông Mê Kông.

Trong suốt chuyến đi, 53 nhà sư cùng các chư tăng địa phương đã thực hiện nhiều nghi lễ truyền thống của Phật giáo nguyên thuỷ tại các ngôi chùa ở mỗi địa phương bên cạnh hoạt động trồng cây, cầu nguyện, rước nến…

Chia sẻ về hành trình dài 18 ngày, Đại đức Thích Pháp Hảo – một trong số 3 nhà sư Việt Nam tham gia chuyến hành hương, cho biết: ‘Năm 2017, khi hành trình Dharma Yatra được tổ chức lần đầu tiên, tôi đã được đón đoàn tại chùa Thiên Trúc (thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Năm nay, tôi rất vinh hạnh khi được mời tham gia chuyến đi này. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được giao lưu với các nhà sư 5 quốc gia trong cộng đồng Phật giáo nguyên thuỷ. Mặc dù Phật giáo nguyên thuỷ có những sự khác biệt ở mỗi quốc gia về cách sinh hoạt, nhưng điểm chung là đều hướng con người tới sự hoà hợp, rộng hơn là sự hoà bình giữa con người, các dân tộc với nhau’.

{keywords}
Chuyến khất thực ngắn trước cửa đền Preah Ang Chek và Preah Ang Chorm - 2 ngôi đền nổi tiếng khu vực Angkor, Xiêm Riệp, Campuchia.

‘Điều gây ấn tượng với tôi nhất trong chuyến đi này là sự chào đón hoan hỉ của người dân ở mỗi quốc gia mà chúng tôi đi qua. Không phân biệt người giàu, người nghèo, tất cả đều nở nụ cười ấm áp, thân thiện. Mặc dù do khác biệt ngôn ngữ, chúng tôi không giao tiếp được nhiều với nhau, nhưng sự hoan hỉ đó là hình ảnh của tình yêu thương, của hoà bình giống như Đức Phật đã từng dạy rằng hoà bình là ở chính con người, chứ không phải tới từ thần linh’.

‘Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi mình có duyên là đệ tử của Đức Phật, khi được góp phần vào sự kiện này’.

Đồng cảm với những chia sẻ này, anh Bounfaeng Phaymanivong, phóng viên tờ Vientiane Times (Lào) chia sẻ: ‘18 ngày hành hương qua 5 quốc gia là những trải nghiệm mới mẻ đối với tôi, ngay cả khi tôi đặt chân tới những vùng đất mới ở quê hương mình. Tôi nhìn thấy những khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ giữa chúng ta, nhưng tôi cũng nhìn thấy một điểm chung, đó là việc chúng ta có cùng một niềm tin, cách chúng ta thể hiện sự tôn kính với Phật giáo’.

Hình ảnh gây ấn tượng nhất với anh Phaymanivong là hàng dài người dân đứng dọc bên đường để chào đón và cúng dường cho các nhà sư 5 nước khi đoàn hành hương qua biên giới Thái Lan - Myanmar. ‘Đó là hành động hoàn toàn tự nguyện và không dễ gì có được’.

{keywords}
Phóng viên các nước tác nghiệp tại sự kiện.

Phát biểu tại lễ bế mạc, Đức Tăng Hoàng Tep Vong - người có vai trò tái lập vị vua sau thời kỳ Pol Pot nhận định: ‘Hành hương là một trong những cách thức quan trọng nhất để lan toả Phật pháp tới những người trần thế, giúp họ hiểu biết tốt hơn về tầm quan trọng của việc thực hành Phật pháp trong cuộc sống hằng ngày’.

Ông nói, con người đã thực hành đạo Phật được hơn 2.000 năm, đạo Phật đã xây dựng được một nền móng vững chắc và trở thành văn hoá, thói quen, truyền thống của chúng ta. Tuy nhiên, dường như Phật pháp chưa thực sự đi vào trái tim của mọi người dân.

Giáo lý đạo Phật dạy con người biết yêu thương, trắc ẩn, đồng cảm và bình tâm. Để các quốc gia được sống trong hoà bình và thịnh vuợng, chúng ta cần thực hành Phật pháp và lan toả nó ở cả khu vực và trên toàn thế giới’.

{keywords}
Lễ trồng cây bồ đề tại chùa Tepphothivong, Xiêm Riệp, Campuchia ngày 30/10. 16 cây bồ đề đã được trồng ở cả 5 quốc gia trong suốt chuyến hành hương. 

Đại diện chính quyền Campuchia, Phó Thủ tướng Samdech Pichey Sena Tea Banh chia sẻ, Campuchia rất vinh dự được chọn làm điểm đến kết thúc và là nơi diễn ra lễ bế mạc sự kiện. Ông cũng bày tỏ sự biết ơn chân thành tới tất cả các nhà sư và Phật tử tham gia chuyến hành hương dài 18 ngày qua 5 quốc gia.

Ông cho rằng, chuyến đi đã góp phần kết nối và tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa cộng đồng chư tăng và Phật tử. ‘Hoạt động này cũng giúp quy tụ các ý tưởng chung nhằm tìm ra những giải pháp phù hợp góp phần giảm thiểu các hành động nguy hiểm và bạo lực trong xã hội. Nó góp phần mang lại hạnh phúc, hoà bình và sự phát triển của 5 quốc gia lưu vực sông Mê Kông.

Sự đóng góp hữu ích này là biểu tượng cho tinh thần trách nhiệm của các nhà lãnh đạo cộng đồng Phật giáo 5 nước. Đó cũng là mục tiêu của chính quyền hoàng gia Campuchia trong việc nỗ lực xây dựng một xã hội hoà bình, hoà hợp và phát triển bền vững'.

Tỷ phú theo đạo Phật: Tôi luôn làm gương cho các con

Tỷ phú theo đạo Phật: Tôi luôn làm gương cho các con

 Nếu không được giới thiệu, ít ai nghĩ rằng người đàn ông 57 tuổi ấy là một tỷ phú nổi tiếng ở Thái Lan.  

Nguyễn Thảo