Những ngày này, khi các ứng dụng gọi xe chạy đua giảm giá, khuyến mại cho khách hàng để thu hút, lôi kéo người dùng và chiếm lĩnh thị phần, người vất vả nhất trong cuộc đua này có lẽ là tài xế.

Càng khuyến mãi, thu nhập càng giảm

Anh Minh là một tài xế chạy taxi công nghệ 3 năm nay, từ khi hãng gọi xe công nghệ đầu tiên có mặt ở Việt Nam. Sau khi hãng này rút khỏi thị trường, anh chuyển sang một hãng taxi công nghệ khác, rồi đăng ký thêm vài ứng dụng tương tự. Đây là công việc đem lại thu nhập duy nhất để anh chăm lo cho gia đình…

Hiện các hãng taxi công nghệ đang thu phí chiết khấu từ 15-28% từ tài xế, cùng với các nguồn thu khác giúp họ mạnh tay chi cho khuyến mại, giảm giá.

Anh Hoàng, một đối tác của xe ôm công nghệ cho biết, dù giá cước khuyến mại sẽ được công ty hoàn trả cho tài xế sau đó, nhưng thị trường đang có nhiều ứng dụng gọi xe nên cạnh tranh khốc liệt, không chỉ giá khuyến mại mà giá cước bình thường cũng ngày càng rẻ. Chưa kể, đủ thứ rủi ro mà bác tài gặp phải khi đón khách. Có khách hàng đặt cùng lúc 1-2 ứng dụng, đến khi tài xế gọi thì đã lên xe khác.

“Khách trả bằng ví điện tử cước sẽ thấp hơn trả tiền mặt, nên nhiều tài xế không mặn mà nhận cuốc này, nhưng từ chối nhiều cuốc nguy cơ bị liệt vào danh sách đen, có thể nhận được cuốc ít hơn, chặng ngắn hơn...

Nếu trước đây, chạy cả ngày trừ chi phí có thể thu về 300.000 đồng, nhưng giờ chạy được 200.000 đồng phải rất vất vả. Giá cước xe ôm công nghệ cũng rẻ hơn nhiều so với xe ôm truyền thống nên tài xế phải cố gắng nhiều hơn” - anh Hoàng chia sẻ.

{keywords}
 

Cần được coi là nghề chính thức

Thời gian qua, khi các ứng dụng gọi xe bùng nổ và hàng chục ngàn người gia nhập các công ty này, trở thành đối tác chở khách cho những ứng dụng này, một vấn đề khác được bàn luận, là tài xế thời công nghệ, cả xe ôm và taxi có phải một nghề chính thức?

Ở những thị trường khác, tài xế chạy cho các ứng dụng gọi xe chỉ làm thêm giờ để gia tăng thu nhập, bất cứ ai từ sinh viên, dân văn phòng, bảo vệ… cũng có thể trở thành tài xế công nghệ sau giờ hành chính. Công việc của họ là dạng “part time, freelancer” (làm thêm giờ, nghề tự do), bên cạnh công việc chính có thu nhập ổn định, có chế độ phúc lợi.

Ở Việt Nam, phần lớn tài xế xem việc chạy chở khách cho các ứng dụng công nghệ là một nghề đem lại nguồn thu nhập chính.

Nhiều người chạy cả ngày lẫn đêm, đầu tư vốn liếng, tiền của thậm chí vay mượn người thân, bạn bè và vay ngân hàng để mua xe chạy. Với những người chạy xe ôm công nghệ, nhiều người chuyển từ nghề khác, công việc khác sang, ăn ngủ, vui buồn cùng việc chở khách… Lúc này, theo một chuyên gia công nghệ, nên xem công việc tài xế chạy taxi công nghệ ở Việt Nam là một nghề chính thức, bởi đặc thù khác với các thị trường khác - không hẳn chỉ là đối tác của ứng dụng gọi xe, chạy thì có tiền, không chạy thì nghỉ.

Và hiện những người làm trong lĩnh vực này chưa được đối xử như một nghề chính thức, không có bảo hiểm, chế độ phúc lợi. Hàng chục ngàn người đang làm việc trong lĩnh vực này cần được quan tâm nghiêm túc, đào tạo bài bản để trở thành nghề nghiệp thật sự trong bối cảnh thói quen di chuyển mới của người Việt đang hình thành.

Phải chăng, đã đến lúc các doanh nghiệp bên cạnh xây dựng ứng dụng gọi xe công nghệ để thu hút khách hàng, chiếm lĩnh thị phần, cũng cần xem xét lại những tài xế người lao động của mình..

Ở góc độ của những người tài xế thời công nghệ, khi công việc của họ được trân trọng, được xem như một nghề chính thức, họ cũng ý thức được nghề nghiệp của mình và đầu tư cho chất lượng dịch vụ nhiều hơn là những cuốc xe nhất thời, thích thì chạy, không thích thì khoá ứng dụng… Trong khi đó, nếu doanh nghiệp thực sự quan tâm, đối xử tử tế và công nhận tài xế là 1 nghề như bao nghề khác sẽ được cả khách lẫn tài xế ủng hộ.

Doãn Phong