Hôm nay nhận được một bọc quà từ quê xa, tôi háo hức lần dở từng lớp ni lông, từng lớp giấy bọc. Và rồi... những thỏi chè lam hiện ra trước mặt. Vẫn cái mùi hương dịu ngọt, thân quen ấy chẳng thể lẫn vào đâu được. Tôi vội vàng chạm tay vào nó như để chắc chắn một điều rằng mình không đang mơ!

Ngày ấy, vào mỗi độ Tết đến Xuân về là mẹ tôi lại nấu chè lam. Các nguyên liệu dùng cho việc nấu chè, trừ mật mía phải mua, còn lại thì đều là “cây nhà lá vườn” cả. Nếp, gừng, lạc và vừng đều được mẹ chuẩn bị từ nhiều tháng trước đó.

Áp Tết, thấy mẹ lôi các thứ từ trong chum, trong hũ, chị em tôi vui lắm, cứ sắng sít cả lên. Trong khi mẹ rang nếp, giã thành bột trắng mịn, mấy chị em giúp mẹ cạo vỏ gừng, rửa sạch, thái sợi rồi băm nhỏ. Tiếng chày nện vào cối đá, tiếng dao thớt băm gừng, tiếng nói cười rộn ràng căn bếp nhỏ.

Bột nếp, gừng chuẩn bị xong xuôi thì đến lượt lạc, vừng được cho lên bếp rang vàng. Lạc rang chín giòn được mẹ tôi để riêng, chờ nguội mẹ dùng tay xát nhẹ cho lớp vỏ lụa bong ra, hạt nào hạt nấy béo mẩy vỡ làm đôi. Mùi nếp, gừng, mùi lạc, vừng thơm nức mũi, quyện hòa với nhau tạo nên một mùi hương đậm đà rất khó quên.

{keywords}
Chè lam - món quà quê bình dị

Khi mọi thứ đã qua sơ chế, mẹ tôi bắt đầu nấu chè lam. Trước tiên mẹ cho gừng vào mật đun sôi chừng 10 phút. Mẹ tôi bảo, trời lạnh nên thêm chút gừng vào nồi chè ăn cho ấm bụng, vừa tốt cho tiêu hóa. Dùng mật mía thay cho đường để màu chè ngả màu cánh gián trông bắt mắt.

Tiếp đến mẹ đổ bột vào khuấy, đây là công đoạn quan trọng đòi hỏi nhiều sức lực, nên người khỏe nhất nhà là bố sẽ vào bếp giúp mẹ. Bột đổ vào tới đâu, đôi bàn tay săn chắc của bố nhịp nhàng khuấy tới đó. Cứ như thế cho đến khi bột và mật quánh lại, mẹ tôi cho thêm vừng, lạc khuấy lẫn vào trong chè.

Sau đó chè được đổ ra mâm, mẹ tôi trải sẵn một lớp giấy, một lớp bột nếp trên đó rồi mới đổ chè lên. Mẹ tiếp tục rắc hết chỗ lạc, vừng còn lại lên chè, tưới thêm vào một chút dầu ăn rồi dùng cái muôi dặt cho mặt chè láng mịn. Cuối cùng mẹ tôi phủ lên chè một lớp bột nếp rồi cất đặt cẩn thận.

Ít chè còn lại trong nồi dĩ nhiên là phần của tụi trẻ con chúng tôi, đứa dùng đũa, đứa dùng thìa xúm xít lấy từng chút một cho vào miệng. Vị ngọt thanh của mật mía, thơm bùi của nếp, của lạc, vừng cùng hòa quyện và tan ra trên đầu lưỡi. Cái bụng lúc này đang đói mà chè lam thì chẳng có đủ, thế nên cái miệng cứ chóp chép, thòm thèm mãi. Chỉ mong sao Tết đến thật nhanh để được ăn chè!

Sau một ngày đêm chè ráo, mẹ tôi đem chè ra cắt thành từng thanh dài cỡ nửa gang tay. Ngày Tết chè được đặt lên bàn thờ tổ tiên cùng đôi câu đối đỏ, cặp bánh chưng xanh... Khách đến chơi nhà, bố hạ lễ mời mọi người cùng thưởng thức món ngon này.

Chè lúc này ăn vẫn còn mềm, lại có phần dẻo và dai hơn lúc mới nấu. Ăn một miếng chè, uống một ngụm chè xanh vị càng thêm đậm đà. Ai cũng tấm tắc khen món chè lam của mẹ.

Cứ như thế năm qua đi, tháng qua đi, mỗi độ Tết đến Xuân về mẹ tôi lại làm chè lam, cuộc sống đủ đầy hơn mẹ tôi vẫn còn làm món chè ấy. Hôm nay đây, ở một nơi rất xa, giữa một ngày thường gặp lại món quà ấy ngỡ như gặp ấu thơ... Ký ức xưa theo nhau ùa về, tôi như thấy mình thật giàu có biết bao!

(Theo Dân trí)