“Người Việt Nam không bao giờ từ bỏ những gì thuộc về truyền thống, và càng ngày người ta càng có xu hướng quay về với truyền thống. Sản phẩm của chúng tôi là mứt dân tộc và chúng tôi vẫn luôn gìn giữ, tôn vinh, quyết không để mất...” - Ông Vương Trọng Tuấn - Phó Giám đốc Xí nghiệp bánh mứt kẹo Hà Nội cho biết.

Hương vị của sum họp

Nhắc đến Tết của người Việt, nhất định không thể thiếu mứt Tết. Giống như “miếng trầu là đầu câu chuyện”, mứt là món được bày trang trọng trên bàn trà của mọi gia đình, là món “khai vị” cho mọi cuộc viếng thăm, chúc tụng, cũng là thức quà đặc biệt ngày xuân để cả gia đình cùng quây quần bên nhau thưởng thức.

Không phải là món ăn cao sang cầu kì, mứt của người Việt là món ăn được làm từ các loại củ, quả tươi có sẵn như bí xanh, quất, gừng, dừa, táo, lạc, khoai lang…mang đi rim hoặc sao khô với đường và một số gia vị đặc biệt để tạo thành một món ăn có hương vị thơm ngon khó cưỡng.

{keywords}
Mứt truyền thống với màu sắc bắt mắt được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên


Nhưng không đơn thuần chỉ có vậy, mứt Tết còn là nét đẹp văn hóa lâu đời của người Hà Nội, gắn liền với những hồi ức khó phai về một thời cuộc sống còn chưa được sung túc nhưng rất đỗi bình dị, an yên, người người sống với nhau chân thành, gần gũi.

Mứt gắn với Tết cổ truyền của người Hà Nội từ cách đây khoảng vài chục năm, còn được gọi là “thời bao cấp”. Ngày đó, mỗi khi Tết đến xuân về, nhân viên Nhà nước hay các gia đình ở thành thị sẽ xếp hàng để được mua phân phối một hộp mứt trong túi quà Tết (gồm chai rượu, gói chè, bao thuốc lá, mứt…).

Hộp mứt được làm bằng giấy các tông mỏng, trang trí vô cùng đơn giản, trọng lượng chỉ vỏn vẹn chừng 250gr với vài hương vị không thể “giản dị” hơn: bí xanh, cà rốt, hạt sen, vài hạt “trứng chim” làm từ lạc,chút ít mứt dừa và đôi quả táo Tàu màu nâu sậm. Ấy vậy mà chỉ cần cầm được túi quà đó trên tay là mặt ai cũng đều “vui như Tết”.

{keywords}
Hộp mứt tết thời bao cấp tuy giản dị nhưng nhà nhà đều “mong” có


Hành trình gìn giữ hương vị Tết

Nhắc đến mứt Tết, người ta không thể không nhắc đến mứt của Xí nghiệp bánh mứt kẹo Hà Nội. Ra đời từ năm 1964, từ hơn 50 năm về trước, xí nghiệp bánh mứt kẹo Hà Nội khi đó hoạt động với nhiệm vụ sản xuất, cung cấp bánh kẹo cho nhân dân Thủ đô và lương khô cho bộ đội.

Thời điểm ấy, miền bắc chỉ có một vài xí nghiệp thuộc nhà nước quản lý và Bánh mứt kẹo Hà Nội là đơn vị duy nhất sản xuất bánh kẹo, tức nơi "tập trung tinh hoa" trong ngành bánh kẹo truyền thống của Việt Nam và cũng là nơi duy nhất bán mứt Tết ra thị trường.

{keywords}
Mứt tết của Bánh kẹo Hà Nội đã gắn bó với người dân được hơn 50 năm


Năm nay 70 tuổi, cụ Mậu (phố Hàng Đường), người đã gắn bó với Hà Nội rất nhiều năm chia sẻ: “Hồi xưa, cuộc sống khó khăn hơn bây giờ nhiều nhưng cứ gần Tết là nhà nhà cùng tạm gác công việc lại, í ới mang cho nhau cái này cái kia. Đám trẻ thì vui mừng được may áo mới, háo hức bóc gói mứt mà cả năm chỉ có Tết mới được ăn rồi giành nhau chí chóe... ấy vậy mà vui, vui lắm...”

Còn bác Phương (quận Ba Đình) cho hay: “Nhớ nhất là đêm 30 vừa quây quần bên nồi bánh chưng trong khói bếp cay xè vừa chờ đợi thời khắc bước sang một năm mới, với từng câu chúc, từng lời mừng tuổi ông, bà, bố mẹ. Những năm gần đây đã quen với Tết nơi phố thị vừa náo nhiệt, vừa lộng lẫy đèn hoa, cần là có các thứ: nào bánh trái, hoa quả, đủ các loại. Chỉ việc cầm tiền ra cửa hàng, hay chợ Tết thế là xong. Thèm biết chừng nào cái Tết của ngày xưa, cái Tết mà chỉ với bánh chưng, chè mạn và vài hộp mứt bánh kẹo Hà Nội là đã thật trọn vẹn"

Giữa cuộc cạnh tranh như vũ bão của thị trường, Bánh mứt kẹo Hà Nội vẫn lựa chọn việc đi chậm để gìn giữ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là hương vị truyền thống.
Ông Vương Trọng Tuấn - Phó Giám đốc công ty cho biết, 50 năm qua, doanh nghiệp này vẫn chỉ tin tưởng một con đường, đó là mang đến món mứt được làm từ những nguyên liệu tự nhiên của người Việt, theo đúng công thức của các nghệ nhân ẩm thực Tràng An xưa.

"Người Việt Nam không bao giờ từ bỏ những gì thuộc về truyền thống, và càng ngày người ta càng có xu hướng quay về với truyền thống. Sản phẩm của chúng tôi là mứt dân tộc và chúng tôi vẫn luôn gìn giữ, tôn vinh, quyết không để mất", ông Vương Trọng Tuấn chia sẻ.

{keywords}
Tuy bao bì được cải tiến đẹp mắt hơn, sản phẩm của Bánh mứt kẹo Hà Nội vẫn vẹn nguyên hương vị tự nhiên, truyền thống.


Theo tín ngưỡng dân gian, mứt Tết sẽ đem lại may mắn, tài lộc dồi dào, thịnh vượng cả năm cho gia chủ. Món mứt cổ truyền không đơn thuần chỉ là một món để đãi khách lúc “trà dư tửu hậu”, nó còn mãi mãi là một sản phẩm mang nét đẹp của truyền thống văn hóa có tự bao đời nay.

Doãn Phong