Có một nghịch lý đó là, hầu hết các ông bố bà mẹ, thường dồn ép cho trẻ ăn thật nhiều để trẻ tăng cân nhanh mà không biết rằng, khi trẻ tăng cân quá nhanh thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường của trẻ càng cao …

Nhiều trẻ em mắc bệnh đái tháo đường

Từ các số liệu điều tra mới nhất của bệnh viện Nội tiết Trung Ương được công bố tại Hội nghị quốc gia về phòng chống bệnh đái tháo đường mới đây, có thể thấy số lượng bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng rất nhanh, và có hiện tượng trẻ hóa theo tuổi.

Cụ thể, năm 2002 cả nước chỉ có 2,7% dân số mắc bệnh đái tháo đường, nhưng đến nay tỷ lệ này đã tăng lên gần 5,7%.

Đáng chú ý hơn, trong tổng số các ca bệnh đái tháo đường, thì số lượng bệnh nhân đang có xu hướng trẻ hóa. Đặc biệt các bác sĩ đã gặp trẻ em dưới 10 tuổi mắc bệnh Đái tháo đường Tuyp 2.

{keywords}
TS Trần Thị Thanh Hóa, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương

  Trực tiếp gặp và điều trị cho nhiều bệnh nhân nhi mắc bệnh đái tháo đường, Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Thị Thanh Hóa - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, gần đây nhất, Tiến sỹ, Bác sỹ vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi mới 20 tháng tuổi.

Bệnh nhi này, sau khi bố mẹ phát hiện ra các dấu hiệu bất thường như, bỗng dưng trẻ đòi uống nước nhiều, đi tiểu nhiều, và tiểu ở đâu ruồi bâu, kiến đậu ở đó nên đã đưa trẻ đến viện để làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm của trẻ cho thấy, đường huyết cao, chỉ số HbA1c là 10,8%, nồng độ c-peptid là 0,002 nmol/l. Trẻ được xác định là mắc bệnh đái tháo đường tuyp1. Tức là các tế bào beta của tuyến tụy không còn sản xuất được insulin của chính bản thân mình để điều chỉnh nồng độ glucose trong máu. Do đó bệnh nhân cần được điều trị insulin, cung cấp insulin hằng ngày.

“Tuy nhiên, vì trẻ còn quá nhỏ, nên khi bắt đầu điều trị, trẻ phải được tư vấn về chế độ ăn dinh dưỡng. Đó là, bữa ăn phải đầy đủ các chất dinh dưỡng, và chỉ kiêng những đồ quá ngọt. Bởi nếu cho trẻ ăn kiêng như chế độ ăn kiêng của người lớn thì trẻ sẽ không đủ dinh dưỡng để phát triển.

Sau đó, các bác sĩ cũng phải hướng dẫn cho bố mẹ theo dõi những triệu chứng hạ đường huyết. Ví dụ, sau khi cho trẻ dùng insulin, thấy cháu mệt mỏi, vã mồ hôi, ngủ mê mệt, lay không dậy, đó là hiện tượng hạ đường huyết ....” – Tiến sỹ Thanh Hóa nói.

Theo Tiến sỹ Thanh Hóa, những bệnh nhân đái tháo đường tuyp 1 thường là bệnh lý tự miễn dịch, có yếu tố về gen, di truyền và chủ yếu gặp ở người trẻ tuổi. Triệu chứng lâm sàng rất rầm rộ như, ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhanh.

Trong khi đó, đối với căn bệnh đái tháo đường tuyp 2, bệnh nhân thậm chí có lúc không hề xuất hiện triệu chứng nào mà chỉ khi đi kiểm tra sức khỏe, hoặc mắc các bệnh khác rồi đi xét nghiệm máu mới phát hiện ra bệnh đái tháo đường.

Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu cho thấy, bệnh đái tháo đường tuyp 2 có mối tương quan trực tiếp với bệnh béo phì.

Trẻ mắc bệnh béo phì vì ăn quá nhiều ?

Nếu như trước kia căn bệnh đái tháo đường tuyp 2 được cho là căn bệnh “độc quyền” của lứa tuổi trên 40, thì nay, tại bệnh viện Nội tiết Trung ương, các bác sĩ đã phát hiện ra những ca bệnh đái tháo đường tuyp 2 ở trẻ em.

{keywords}
Ảnh minh họa

Tiến sỹ Hóa kể, đó là trường hợp của một bé 9 tuổi, thừa cân, béo phì, tình cờ được bố mẹ đưa đến bệnh viện để khám vì mắc hội chứng gai đen, da bị tổn thương, . Tuy nhiên, sau khi làm các xét nghiệm máu để chuẩn đoán xác định, các bác sĩ đã phát hiện bé bị mắc bệnh Đái tháo đường tuyp 2.

Nghiên cứu trên 700 trẻ em ở độ tuổi từ 10-17 của Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) cho thấy, chỉ trong vòng bốn năm sau khi được chẩn đoán bệnh đái tháo đường type 2, tỉ lệ trẻ bị cao huyết áp tăng từ 12% lên 34%, dấu hiệu tổn thương thận tăng gần gấp ba lần (từ 6,3% lên 17%), tỉ lệ tổn thương các tế bào sản xuất insulin cũng cao hơn gấp bốn lần khi so với người lớn.

“Điều này là khá nguy hiểm, bởi khi mắc bệnh ở tuổi càng trẻ nguy cơ lâu dài từ 5 đến 10 năm đã mắc các biến chứng như bệnh thận, võng mạc , biến chứng tim...” – Tiến sỹ Hóa nói.

Vì vậy, đối với trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ không nên cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt, những đồ ăn có chứa nhiều chất béo. Thấy trẻ ăn nhiều, tăng cân nhanh, lười vận động so với trẻ cùng trang lứa, bố mẹ của trẻ phải lập tức đưa trẻ đến gặp bác sĩ dinh dưỡng, bác sỹ chuyên khoa Nội tiết để hướng dẫn cho trẻ có chế độ ăn, uống, tập luyện hợp lý.

“Ngoài ra, việc trong nhà có người mắc bệnh đái tháo đường cũng sẽ là gợi ý cho các bậc cha mẹ có sự quan sát, và phát hiện bệnh cho trẻ. Đặc biệt, nếu thấy trẻ uống nước nhiều, tiểu nhiều, gầy nhanh thì cần phải đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra sớm để tránh những biến chứng khó lường khi bệnh trở nên nặng, đặc biệt tránh tình trạng hôn mê do nhiễm toan xeton” – Tiến Hóa nói thêm.

Vũ Lụa