Khánh biết chồng có người khác đã được gần 2 năm nay nhưng vì không có việc làm, không tiền bạc, lại đang nuôi con nhỏ nên vẫn chỉ biết ngậm ngùi chịu đựng mà không dám ký vào đơn li hôn.

So với bạn bè cùng lứa, số phận của Khánh có phần hơi nhiều điều thua thiệt. Kinh tế gia đình thuộc loại trung bình nhưng đông anh em, Khánh là con cả nên sớm phải gồng gánh cùng bố mẹ nuôi các em ăn học. 

Học xong cấp 3, cô không một lần nghĩ đến cánh cửa trường Đại học vì biết rằng đó sẽ là ước vọng xa vời, dù muốn nhưng nhà sẽ không có tiền cho cô theo học. Cứ vậy, Khánh giống một con thuyền, nước đến đâu trôi theo đến đấy, hàng ngày tần tảo buôn bán trong sạp hàng nhỏ của mẹ trên chợ.

Đến khi cô em út vào Đại học, cũng là khi Khánh lên xe hoa về nhà chồng. Hùng – chồng Khánh là một anh chàng không có gì đặc biệt, ngoại trừ đã tốt nghiệp Đại học, hiện đang là nhân viên ngân hàng và gia thế cơ bản. Hai người lấy nhau qua mai mối của hai bà mẹ, vốn từng là bạn bè cũ. Cả tìm hiểu lẫn cưới chỉ vẻn vẹn 2 tháng trời.

Bố mẹ Khánh nói rằng nếu cưới Hùng, cuộc sống của cô sau này sẽ bớt đi phần nào vất vả vì Hùng tuy lương không cao nhưng thu nhập ổn định, Khánh sẽ không còn phải chịu cảnh buôn thúng bán bưng cùng bố mẹ như trước. 

Sở dĩ cha mẹ Hùng đồng ý cho con trai cưới Khánh là bởi tin tưởng rằng cô gái hiền lành này sẽ là một sự lựa chọn bớt rủi ro, một hậu phương yên ả cho con trai, sẽ không thể có trường hợp sau này Khánh bỏ Hùng dù bất cứ lý do gì, đơn giản vì cô đã quen sống cam chịu.

Hơn nữa, Khánh không có bằng cấp, việc Hùng – một người được ăn học đàng hoàng chịu đồng ý cưới cô cũng được nhiều người cho là một sự may mắn. “Kiếm đâu ra một người tử tế như nó bây giờ để lấy làm chồng hả con?”, mẹ Khánh thường nỉ non bên con gái như thế.

{keywords}

Bi kịch của Khánh, cô không tài nào thoát ra được.

Tặc lưỡi đón nhận “diễm phúc trên trời rơi xuống”, Khánh bước vào cuộc sống hôn nhân bên người chồng “hoàn hảo toàn diện” trong một tâm thế khó tả: niềm vui giả tạo, chỉ có sự choáng ngợp là nhiều và có thực. Cô và Hùng đều biết rằng cả hai người đến với nhau không vì tình yêu… Đêm tân hôn, cô một mình gặm nhấm nỗi buồn khi thấy chồng bỏ ra ngoài cho đến gần sáng mới về, người nồng nặc mùi rượu và đâu đó xen lẫn cả mùi hương nước hoa phụ nữ.

Bắt đầu từ sau đám cưới, Khánh sống một cuộc sống bình lặng của một người vợ hiền, dâu thảo. Thường ngày, cô dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, chuẩn bị quần áo cho chồng đi làm, cả ngày quanh quẩn với đủ thứ việc không tên. Buổi tối, khi cả nhà đã chuẩn bị đi ngủ, Khánh vẫn ngồi chờ chồng bên mâm cơm nguội ngắt, đau đáu nhìn đồng hồ rồi có hôm lên giường đi ngủ với cái bụng rỗng mà cảm giác đói thì đã rơi rớt mất đâu đó ở dọc đường. Thường là vậy… 

Từ ngày có con, Khánh bớt lặng lẽ đi một chút, vì ngoài thời gian chờ đợi, cô đã không còn quá cô đơn khi phải ở một mình. Ngoài việc nhà, chăm con và bỉm sữa cũng khiến cuộc sống của Khánh sôi nổi và bận rộn hơn. Cô không có nhiều thời gian dành cho nỗi buồn.

Từ ngày làm vợ, làm mẹ, Khánh thường chỉ biết cho đi. Nhận lại một thứ gì đó từ chồng dường như là một điều xa xỉ. Đó cũng là tâm thế của cô khi đón nhận tin Hùng có người khác. Thực ra, điều này đã được Khánh liên tưởng đến từ lâu, nếu không muốn nói là ngay từ lần đầu tiên cô bước chân về nhà Hùng làm dâu. Ở bên cạnh một người đàn ông không có tình cảm với mình, đôi khi lại khiến người đàn bà trở nên nhạy cảm và tỉnh táo.

Lần đầu tiên Hùng đối diện với câu hỏi của vợ, anh ta bình thản xác nhận sự nghi ngờ đó là đúng, gương mặt không chút biến sắc hay mảy may bối rối. Khánh hơi ngỡ ngàng về thái độ đó của chồng, nhưng rồi sau khi trấn tĩnh, cô tự nhủ: dù có người đàn bà khác hay không, dù Hùng có yêu ai đó thì chắc chắn cũng không thể là mình, vậy thì tại sao cô phải xót xa vì điều đó. Khánh biết đó đều là những lời tự an ủi bản thân, bản chất cô vẫn không thể chấp nhận được sự thật rằng cô không thể ghen với người thứ ba vì trong trái tim Hùng, cô mãi mãi chẳng là gì cả.

Mối nghi ngờ này dần dần cũng bay đến tai hai bên nội ngoại. Cơ bản thì “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, dù người trong cuộc có cố tình che giấu kỹ đến đâu đi nữa. Không ai vội bình luận nhưng Khánh biết, bố mẹ đẻ và bố mẹ bên chồng đều thương cô nhưng tất cả đều không mong gia đình cô tan vỡ. Còn một chuyện nữa Khánh cũng biết: đó là vì thể diện, họ không thể tung hê tất cả và cổ vũ con dâu, con gái mình làm điều dại dột.

Nhiều đêm Khánh nằm bên con, vắt tay lên trán và nghĩ ngợi về cuộc sống nhàm chán của một người vợ mang tiếng bị chồng lừa dối. Nhiều đêm cô cũng từng băn khoăn với những ý định hơi điên rồ và khác với cô thường ngày một chút: bỏ chồng và làm lại cuộc đời ở một nơi hoàn toàn mới. 

Nhưng sau phút bốc đồng đó, Khánh lại vội nguôi đi vì ngẫm lại thì cô chẳng có gì trong tay cả, một chút cơ sở để cổ vũ cô làm điều đó cũng không hề có: Nhan sắc trung bình, tính nết hiền lành chắc chắn không thể chống chọi với xã hội đầy tiểu xảo ngoài kia, học thức không, nghề nghiệp không. Hơn thế nữa, Khánh còn con. Con bé không thể sống một ngày thiếu sữa, sống mà không có bố bên cạnh vỗ về, rồi còn tiếng “con không cha” ác nghiệt sẽ bám dính lấy cuộc sống con sau này.

2 năm trôi qua, Khánh vẫn âm thầm với cuộc sống của một bù nhìn trong mắt chồng. Hùng vẫn vui vẻ với những cuộc vui, làm ngơ trước những bất hạnh của vợ. Lá đơn li hôn, Khánh xé đi viết lại không biết bao lần và thê thảm ở chỗ, Hùng còn chưa từng một lần biết tới sự tồn tại của chúng. Bi kịch của Khánh, cô không tài nào thoát ra được. Cũng có thể rằng Khánh không hề còn ý định thoát ra, điều này có lẽ không ai đoán biết được…

(Theo Tri thức trẻ)