Âm đạo là nơi chứa nhiều vi khuẩn thứ hai trong cơ thể, chỉ sau ruột.

Âm đạo là một ống rỗng, chạy từ cổ tử cung đến cửa âm đạo. Các cơ quan sinh dục bên ngoài được gọi là âm hộ, bao quanh cửa âm đạo. Việc chăm sóc sức khỏe hàng ngày ảnh hưởng nhiều đến trạng thái tốt hay xấu của âm đạo. Tiến sĩ Suzy Elneil (Trường Đại học Hospital, London), phát ngôn viên liên quan đến các vấn đề phúc lợi dành cho phụ nữ nhận định:“Sức khỏe âm đạo phụ thuộc vào sức khỏe chung của người phụ nữ bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên. Đặc biệt là các bài tập đảm bảo duy trì chức năng của âm đạo như chạy bộ (giúp phần xương chậu khỏe mạnh) và đảm bảo sức khỏe nói chung".



Tiết dịch

Dịch là chất màu trắng tiết ra từ âm đạo, sản phẩm “tự nhiên” của cổ tử cung. Cũng theo Tiến sĩ Elneil số lượng dịch tiết ra nhiều hay không phụ thuộc nhiều vào chu kỳ kinh nguyệt và số lượng dịch tiết ra từ âm đạo cũng thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt.

Vi khuẩn trong âm đạo

Đừng quên rằng việc chăm sóc cẩn thận "cô bé" cũng là một cách giúp hành trình "yêu" được thăng hoa. Một sự thật là có rất nhiều vi khuẩn “ẩn nấp” bên trong âm đạo. Giáo sư Ronnie Lamont (phát ngôn viên trường Cao đẳng Sản khoa và phụ khoa Hoàng gia Anh Quốc (RCOG) cho biết: “Âm đạo là nơi chứa nhiều vi khuẩn thứ 2 trong cơ thể, chỉ sau ruột”.

Tập đoàn vi khuẩn với số lượng đông đảo này sẽ bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền bằng cách ngăn chặn các vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào các mô âm đạo, cân bằng độ PH, giữ lại những yếu tố có lợi cho sức khỏe của âm đạo. Nếu sự cân bằng giữa các vi khuẩn bị xáo trộn sẽ dẫn tới nhiễm trùng và viêm nhiễm. Vi khuẩn Lactobacilli là yếu tố quan trọng giúp cân bằng độ PH trong âm đạo ở mức ít hơn pH 4.5, ngăn chặn sự phát triển của các sinh vật khác. Nếu độ PH của âm đạo tăng, chất lượng Lactobacilli giảm có thể dẫn đến một loạt nhiễm trùng như viêm âm đạo, ngứa, dị ứng…

Vệ sinh âm đạo bằng cách nào?

Nhiều chị em có thói quen dùng xà phòng thơm, chất khử vi trùng nhưng đây là một thói quen gây hại. Chúng làm mất sự cân bằng lành mạnh của vi khuẩn, ảnh hưởng đến độ pH. Hiện nay có rất nhiều loại dung dịch phục vụ cho việc vệ sinh âm đạo, chị em khi sử dụng nên lưu ý chỉ rửa các khu vực xung quanh âm đạo nhẹ nhàng mỗi ngày.

Sau khi quan hệ, việc vệ sinh âm đạo cũng vô cùng quan trọng. Trong thời gian “lâm trận”, đây là lúc các vi khuẩn và virus xâm nhập vào bên trong âm đạo một cách dễ dàng nhất. Chúng có thể gây ra bệnh lậu, giang mai, thậm chí là HIV. Dùng bao cao su là cách phòng tránh, bảo vệ âm đạo an toàn nhất khi "yêu".

(Theo NHS/Đẹp)