Vì chịu nhiều thua thiệt mà người phụ nữ gần 40 tuổi vẫn chưa có được tấm chồng. Mong muốn có đứa con nhờ cậy lúc về già, chị nhắm mắt kết hôn dù hai người mới biết mặt được vài ngày, để rồi nhận ra chồng mình chẳng khác gì một đứa trẻ, chỉ biết ăn và ngủ. Sau vài năm vợ chồng lục đục, lại chẳng có được mụn con, hai người chia tay chóng vánh. Ngày dắt nhau ra tòa, người chồng nằng nặc đòi lại chỉ vàng để làm vốn đi lấy vợ khác...

Lỡ thì, nhắm mắt đưa chân

Đó là bi kịch của chị Bùi Thị Mai (SN 1972, xã Nhơn Khánh, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Chị Mai là con gái út trong gia đình làm nông nghèo, chẳng biết có phải vì đói khổ hay không mà ngay từ bé Mai đã còi cọc, ốm yếu, đến bây giờ chị vẫn nhỏ thó như đứa trẻ 11-12 tuổi. Lúc chưa kịp lớn, Mai lại phải chịu cảnh mồ côi khi bố mẹ lần lượt đổ bệnh rồi qua đời. Từ những năm tháng đó, Mai sống nhờ sự cưu mang đùm bọc của người chị gái đầu trong nhà.

{keywords}

Ảnh minh họa

“Vì ốm yếu nên lúc 19-20 tuổi gì đấy, tôi được chị gái cho đi học may, mong muốn có công việc nhẹ nhàng. Hồi đó học được thời gian rồi ra nghề đi làm trầy trật, nay chỗ này mai chỗ kia. Đến ngoài 30 tuổi, tôi đi làm công nhân may ở TP.Quy Nhơn. Tôi xấu xí, lại bệnh tật nên không ai ưng, rồi ở vậy với chị gái đến mãi sau này...”, chị Mai thở dài.

Tiếp tục câu chuyện của người em gái út, bà Bùi Thị Cẩm (SN 1948) cũng không giấu được nỗi buồn. “Đó là vào tháng 9 Âm lịch năm 2010, trong một lần lên Gia Lai hái cà phê thuê cho người ta, tôi gặp anh Trần Văn Tuấn (SN 1977) là người xã bên. Tuấn nhà nghèo, người nhỏ con, ngoại hình cũng khó coi nên chẳng kiếm được vợ. Những lúc trò chuyện, tôi nói tôi cũng có đứa em gái lớn tuổi mà chưa chồng. Tuấn nghe vậy thì nằng nặc đòi làm mối cho cậu ta. Tôi nghĩ là giúp em gái có tấm chồng, chứ đâu có ngờ Tuấn lại tệ bạc như vậy!”, bà Cẩm lặng lẽ quay sang nhìn em chua xót.

“Lần đó chị gái hỏi tôi có muốn lấy chồng không? Tôi nghĩ mình quá lứa lỡ thì, có người chịu ưng thì thôi nhận lời luôn cho rồi, sau này về già nhờ con đỡ đần. Tôi nghĩ đơn giản vậy thôi, nên biết mặt anh ấy được 1 tuần là cưới chứ mấy”, chị Mai tâm sự.

Nhà trai nghèo, nhà gái cũng chẳng khấm khá gì hơn nên hai bên quyết định làm đám cưới nho nhỏ với vài mâm cơm. Lúc đón dâu, nhà trai cho hai vợ chồng 2 chỉ vàng làm của hồi môn. Thế là chị Mai, anh Tuấn kẻ nên đôi nên cặp. Nhìn hai người đến với nhau, mọi người ai cũng nghĩ họ sẽ tìm được hạnh phúc. Thế nhưng mọi chuyện lại không được như vậy...

Sau đám cưới “siêu tốc”, hai người chung sống cùng với gia đình nhà chồng. Để lo cuộc sống, chị Mai tiếp tục đi làm công nhân may, còn anh Tuấn thì quanh quẩn ở nhà làm ruộng. Chung sống được thời gian ngắn, chị Mai mới dần nhận ra mình đã lấy phải một người chồng vô tích sự. Chị ốm yếu nhưng ngày ngày chạy xe máy mấy chục cây số đi làm, trong khi anh ta thì như kẻ vô công rồi nghề. Ngoài vài mảnh ruộng làm không đủ gạo ăn, người chồng suốt ngày chỉ biết ăn và ngủ. Biết mình đã chọn nhầm “bến đục” nhưng vì chuyện đã rồi, chị Mai cam chịu bao tủi cực, thiệt thòi.

{keywords}

Bà Cẩm trò chuyện với PV

Thời gian sống tại nhà chồng, giữa chị Mai và gia đình chồng cũng không tránh khỏi những bất đồng. Điều đáng nói là bố mẹ chồng lại bênh con trai mà không thấu hiểu cho những nỗi khổ của con dâu. Theo thời gian, mâu thuẫn mỗi ngày một nhiều khi hai vợ chồng lấy nhau đã lâu mà không thể sinh con trong khi anh Tuấn là con trai độc trong nhà. Thế là chỉ sau gần một năm chung sống, mâu thuẫn gay gắt, vợ chồng chị Mai phải dọn sang nhà chị vợ để tá túc. Khi về nhà vợ, anh Tuấn cũng chỉ như một đứa trẻ to xác, ngày ngày ở nhà nằm chơi không, đến bữa vợ gọi mới dậy, ăn rồi lại ngủ.

“Ổng (ý nói anh Tuấn-PV) có biết làm gì đâu, đi xe máy cũng không biết đường, toàn tôi chở. Tối ổng ở phía bên này, sáng ra tôi chở qua thả ở phía nhà chồng trước khi xuống Quy Nhơn làm việc. Ổng chẳng làm gì nên hồn cả, tôi nhẫn nhịn động viên đi làm nhưng cũng chỉ được vài bữa. Ổng chỉ thích ở nhà làm lặt vặt, uống rượu rồi ngủ. Gắng gượng được hơn 3 năm, cuối cùng tôi chịu không được đành xin ly hôn”, chị Mai ngán ngẩm khi kể về người chồng cũ.

Đòi lại vàng để “cưới vợ khác”

Những tưởng vợ chồng sống với nhau vài năm, chẳng có tài sản lẫn con cái thì việc ly hôn sẽ dễ dàng, không ngờ lại phát sinh rắc rối. Vì đôi co 2 chỉ vàng cưới mà vợ chồng phải dắt nhau ra tòa 2 lần. Chuyện là đầu năm 2014, trong buổi xét xử vụ việc lỵ hôn của vợ chồng tại TAND thị xã An Nhơn, anh Tuấn cứ nằng nặc buộc vợ trả lại cho mình 1 chỉ vàng. Chị Mai không đồng ý, bởi 2 chỉ vàng mà gia đình nhà chồng cho khi về làm dâu, chị đã dùng cho việc chi tiêu chung trong thời gian ở nhà chồng.

“Trong thời gian làm dâu nhà chồng, khi bố chồng bị tai nạn, tôi đã bán vàng để lo thuốc thang cho ông. Tôi không hề có dùng số vàng chi tiêu cho bản thân, giờ bắt tôi trả lại thì tội cho tôi lắm. Tôi nói hết lời mà anh ta không chịu, cứ bắt tôi phải trả lại chỉ vàng”, chị L giãi bày. Lần đó, tòa tuyên xử chị Mai phải hoàn trả lại một chỉ vàng cưới, chị không chấp nhận và làm đơn kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào cuối năm 2014, HĐXX TAND tỉnh Bình Định đã phân tích thiệt hơn, khuyên anh Tuấn không nên đòi lại 1 chỉ vàng cưới kia, vì tình nghĩa vợ chồng, vì người phụ nữ sẽ chịu thiệt thòi hơn khi ly hôn. Nhưng dẫu tòa nói sao thì anh ta vẫn khăng khăng: “Giờ tôi phải lấy lại vàng để nay mai còn lấy vốn cưới vợ khác nữa chứ...”. Lời nói của người chồng khiến mọi người đều lắc đầu ngán ngẩm. Lần đó, tòa tuyên chị Mai phải trả lại cho chồng nửa chỉ vàng cưới, tức đã giảm bớt nửa chỉ so với bản án sơ thẩm.

Trò chuyện một hồi, chị Mai lặng lẽ xuống bếp, lúc này bà Cẩm nhìn dáng hình khắc khổ của em mà không khỏi thương xót. Rồi bà chỉ lên tấm hình cưới của em gái treo trên tường giờ đã phủ lớp bụi mờ, trong đó, chị Mai trong trang phục cô dâu, khuôn mặt nở nụ cười hạnh phúc. “Ngày mặc áo cưới, Mai hạnh phúc ghê lắm. Thế mà sau này mọi chuyện dang dở, nó đi sớm về khuya một mình. Phận đàn bà mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu...”, bà Cẩm buồn rầu kể.

(Tên một số nhân vật đã được thay đổi)

(Theo PLVN)