- Toàn bộ tòa dinh thự chỉ còn hình dạng kiến trúc cơ bản. Cửa chính ra vào, quầy tiếp tân đã bị hư nát. Nhiều mảng tường trong nhà đã bong tróc trơ ra những hàng gạch.

Tòa dinh thự nằm trên đỉnh núi Thị (xã Suối Tre, TX Long Khánh, Đồng Nai) đã được công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật từ lâu. Tuy nhiên hiện tại, biệt thự ở núi Thị đang dần trở thành phế tích.

Tòa dinh thự được người dân trong vùng gọi là nhà Tây núi Thị. Dinh thự có kiến trúc một trệt một lầu, mặt tiền quay về hướng đông, tòa nhà có tổng diện tích lên đến 350 m2 trên diện tích đất 824 m2. 

Nhà Tây núi Thị ở độ cao 265 m so với mặt nước biển, cao 34m so với mặt đất. Tòa nhà dạng hình chiếc bát úp, xây dựng theo lối kiến trúc Pháp rất cầu kỳ.

Nhà Tây núi Thị (trong vòng tròn), ảnh chụp từ chân núi.

Chủ nhân tòa nhà là ông Ác-Chê (người Pháp), một trong những chủ chính của Công ty cao su SIPH (thời kỳ 1930-1937). 

Khu nhà chính với lối kiến trúc cân đối, hài hòa và sang trọng. Nhà có đầy đủ tiện nghi, quầy rượu, sàn nhảy. Đây là nơi vui chơi, sinh hoạt, làm việc của chủ Công ty SIPH và các vị khách mời vào những dịp lễ hay những ngày nghỉ cuối tuần.

Trong gần 100 năm đô hộ, thực dân Pháp đã xây dựng nhiều công trình đồ sộ mang nét kiến trúc biệt thự Pháp rất độc đáo, tiêu biểu cho dòng kiến trúc Pháp ở thuộc địa. Nhà Tây núi Thị nằm trong số đó và cũng là công trình độc nhất ở miền Đông Nam bộ. 

Di tích này nhắc nhở chúng ta nhớ đến sự hình thành và phát triển của lực lượng công nhân cao su Đồng Nai cũng như các sự kiện lịch sử quan trọng của quân và dân Long Khánh trong thời kỳ kháng chiến - nhất là trong chiến dịch giải phóng miền Nam năm 1975.

Bên ngoài tòa nhà phủ kín bởi rêu phong, cỏ dại.

Chúng tôi tìm đến một nhà dân ở chân núi Thị. Chủ nhà đã ngoài 70 tuổi cho biết, tòa nhà này bỏ hoang từ trước 1975. Từ đó tòa nhà xuống cấp dần. Đến năm 2012, UBND tỉnh Đồng Nai công nhận đây là di tích kịch sử - kiến trúc nghệ thuật. 

Cận cảnh nhà Tây núi Thị

Chúng tôi hỏi đường lên đỉnh núi. Có lẽ do không có người qua lại thường xuyên nên mặt đường vài chỗ đóng rêu. Tuy di tích đã được công nhận nhưng nơi đây không hề có biển chỉ dẫn, cổng ra vào và người trông coi. 

Trên đỉnh, trước mắt tôi là cảnh tượng hoang tàn đổ nát. Toàn bộ ngôi nhà to lớn như thế nhưng hiện nay chỉ còn hình dạng kiến trúc cơ bản. 

Cửa chính ra vào, quầy tiếp tân đã bị hư nát. Nhiều mảng tường trong nhà đã bong tróc trơ ra những hàng gạch. Cánh cửa, khuôn cửa, trang trí nội thất của tất cả các phòng trong ngôi nhà đều bị lấy mất. 

Tường rào bao quanh khuôn viên nhà bằng vật liệu đá ong và hệ thống đường hào thoát nước xây liền kề phía bên trong cũng đã không còn. Ngôi nhà đang có nguy cơ trở thành phế tích.

Bên trong tòa nhà là sự hoang tàn, đổ nát.

Tháng 5/2016, trả lời báo Đồng Nai, ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh, cho biết: "Nhà Tây núi Thị là biệt thự kiến trúc Pháp duy nhất ở Đồng Nai được công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật. Từ khi được công nhận đến nay, di tích chưa được trùng tu hay sửa chữa lần nào. 

Ban quản lý di tích và danh thắng đã tham mưu cho sở Văn hóa - thể thao và du lịch lập dự án trùng tu cải tạo trình lên UBND tỉnh nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử này”.

Hơn một năm trôi qua, di tích nhà Tây núi Thị vẫn chưa được quan tâm và ngày càng xuống cấp. Nếu không kịp thời sửa chữa chỉ một thời gian ngắn nữa thôi nơi đây sẽ là một đống đổ nát...

Tiếng hét ám ảnh của người phụ nữ trong biệt thự ven hồ

Tiếng hét ám ảnh của người phụ nữ trong biệt thự ven hồ

Trong căn biệt thự triệu đô, cô vợ hét lên đầy uất hận khi thấy chồng tay trong tay với người bạn gái thân của mình...

Chuyện về ngôi mộ tập thể và cảnh buôn bán tấp nập ở khu đền thờ

Chuyện về ngôi mộ tập thể và cảnh buôn bán tấp nập ở khu đền thờ

Tại khu đền thờ ông Đoàn Văn Cự người ra vào tấp nập với những quán nước, khu vực trưng bày hoa kiểng... Họ đến không phải để viếng đền mà giao dịch kinh doanh đã làm cho nét trang nghiêm của một nơi thờ tự bị giảm sút.

Trần Chánh Nghĩa