- Không may mắn như những người khác, anh Mai Đình Liêm (sinh năm 1968) đã đối diện với sự bất hạnh từ rất sớm. 

Lúc anh chưa cất tiếng khóc chào đời thì bố anh, ông Mai Văn Dậu từ xứ sở nổi tiếng chiếu cói Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá lên đường chi viện vào chiến trường và được cử làm Phó ban an ninh đặc khu Quảng Đà.

Khi đất nước lặng im tiếng súng, ông trở về nhà mới biết Mai Đình Liêm lọt lòng được vài năm thì cơ thể chậm phát triển, xanh xao. Lúc bấy giờ ông đang công tác tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nên Liêm được ông đưa vào Đà Nẵng chăm sóc và chạy chữa khắp nơi nhưng anh vẫn bị teo cơ rồi chuyển sang vôi hóa cột sống, lưng gù, người bé xíu.

Tuy đi lại rất khó khăn nhưng Mai Đình Liêm vẫn kiên trì cắp sách đến trường. Dù gia đình vô cùng khó khăn nhưng cha mẹ vẫn cố gắng cho anh tới lớp với hi vọng con mình sau này có thể làm được việc gì đó giúp cho bản thân. 

Biết cha mẹ quá vất vả vì mình, nhiều lúc Liêm thầm khóc mà nước mắt chảy vào trong. Tốt nghiệp THPT, Liêm xin vào học nghề may tại các cơ sở tư nhân ở Đà Nẵng.

{keywords}
Không chịu đầu hàng số phận, anh Mai Đình Liêm luôn kiên trì học hỏi

Vốn thông minh, lại có tính kiên trì, chăm chỉ nên anh tiếp thu rất nhanh so với nhiều học viên trong lớp. Hoàn thành khóa học sau 2 năm, Liêm về mở tiệm may tại nhà. Thấy anh khuyết tật, không tin vào tay thợ nên tiệm anh chỉ lác đác khách hàng.

Quyết không chịu an bài với số phận, năm 1991, Liêm tạm xa gia đình, khăn gói đi tìm việc làm. Rong ruổi đây đó anh vào làm tại một công ty chuyên liên doanh may với các công ty nước ngoài, thiết kế thời trang cho các người mẫu, hoa hậu…

Vừa làm, lại khiêm tốn học hỏi, tay nghề anh từng bước được nâng cao. Chẳng bao lâu, Liêm trở thành một kỹ thuật viên cắt may giỏi của công ty, được nhiều người thương yêu, mến mộ.

Năm 1995, công ty đã chọn mẫu của anh để tham gia biểu diễn thời trang do Trung ương Đoàn tổ chức tại TP.HCM và được Ban tổ chức đánh giá cao. 

Sống xa nhà, cha mẹ lại già yếu, bệnh tật, đầu năm 2003, anh xin thôi hợp đồng với công ty về lại Đà Nẵng mở tiệm may và có điều kiện làm tròn chữ hiếu.

{keywords}

Sau quá trình cố gắng, nỗ lực anh đã nhận được giải thưởng “Bàn tay vàng”

Vốn vững vàng tay nghề, kỹ thuật lại sắc sảo, mẫu mã đẹp, hợp thời trang, giá cả phải chăng, thái độ phục vụ ân cần, vui vẻ nên tiệm may của Liêm dần dần có nhiều “thượng đế” khó tính tìm tới. 

Để tính chuyện làm ăn lớn hơn, anh thành lập công ty may mặc cho mình trực tiếp quản lý. Cơ sở sản xuất từng bước phát triển, Mai Đình Liêm bắt đầu tiếp nhận nhận nhiều em có hoàn cảnh nghèo khó, khuyết tật để dạy nghề miễn phí.

Sau thời gian học tập, đến nay đã có hàng chục học trò của Liêm ra mở tiệm riêng để tự lập cuộc sống. Cũng có không ít người tự nguyện xin được tiếp tục làm ở tiệm may của anh. 

Vinh hạnh nhất đối với anh là ngày 13/1/2013, Ban tổ chức Chương trình Truyền thông quảng bá thương hiệu và Hội chợ triển lãm sản phẩm, dịch vụ vì sắc đẹp cộng đồng do Hội người mẫu Việt Nam tổ chức đã trao giải thưởng “Bàn tay vàng” cho anh tại Hà Nội. Đó chính là sự ghi nhận những sản phẩm thời trang của Mai Đình Liêm sau thời gian dài anh miệt mài lao động sáng tạo.

Là người trong cuộc, anh thấu hiểu nỗi bất hạnh, sự mặc cảm, tự ti của những mảnh đời không may mắn, nhất là đối với trẻ em. Để sẻ chia với những số phận ấy, hàng tháng Liêm đều trích ít tiền từ khoản thu nhập của mình đóng góp vào quỹ từ thiện để giúp đỡ các em, đồng thời, ủng hộ “Nồi cháo tình thương” hàng tuần ở Bệnh viện Đà Nẵng.

Hiện tại, tiệm may mang thương hiệu riêng của anh Mai Đình Liêm tại quận Hải Châu, Đà Nẵng đang có hơn chục thợ lành nghề phục vụ may đo. Đã có rất nhiều khách hàng trong và ngoài thành phố tìm tới đây để may sắm những bộ vest, váy đầm, các kiểu quần tây, áo sơ mi…. 

Anh cho biết, thời gian tới anh sẽ đầu tư thêm cơ sở để nâng quy mô tiệm may của mình rộng hơn nhằm phục vụ khách hàng và tạo công ăn, việc làm cho những học trò của anh, những không có điều kiện tự lập phát huy tay nghề.

Bí mật của chàng trai tật nguyền khiến cư dân mạng 'dậy sóng'

Dù tật nguyền nhưng sáng nào chàng thanh niên ấy cũng đi lại quanh khu đô thị Nam Cường (đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội) để tìm khách đánh giầy.

Bài, ảnh: Thái Mỹ