Trời nắng gắt. 5 ngôi mộ nằm im lìm dưới tán cây trong khu vườn hẹp sau căn nhà đơn sơ giản dị. Tôi đến và dừng lại trước ngôi mộ thứ 2. Đây rồi, tôi đã gặp được người tôi muốn tìm...

Bạch Công tử George Lê Công Phước ... chết không đất chôn

Người tôi muốn tìm là một người nổi tiếng. Ông sinh ra và lớn lên ở thành phố Mỹ Tho. Khi mất ông được an táng tại ấp Thạnh Khiết (xã An Thạnh Thủy – huyện Chợ Gạo, Tiền Giang).

Ông là Lê Công Phước hay còn gọi là George Phước (1901- 1950). Cuộc đời ngắn ngủi 49 năm đó, Bạch công tử - biệt danh dân gian thời bấy giờ đặt cho ông - đã để lại biết bao chuyện mà chúng ta cần chiêm nghiệm và suy gẫm.

Là con trai thứ 4 của Đốc phủ Lê Công Sủng, Bạch công tử sinh ra tại làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc phường 3 TP. Mỹ Tho). Đốc phủ Sủng vốn người Bình Định được chính quyền Pháp thuộc điều vào làm quận trưởng quận Châu Thành rồi sau đó làm quận trưởng quận Chợ Gạo.

Đốc phủ Sủng không giàu, có nhiều vợ trong đó có bà Đào Thị Linh quốc tịch Pháp là người giàu có trong vùng. Bà Linh sống với đốc phủ Sủng được một thời gian có một đứa con chung là Lê Công Phước thì bị bệnh lao. Bệnh này lúc bấy giờ là bệnh nan y nên không chữa được và bà chết sớm để lại một gia tài đồ sộ.

Nhờ vào thế lực và vốn liếng được thừa hưởng, đốc phủ Sủng đã lao vào làm ăn kinh doanh nên chẳng mấy chốc, gia tài đồ sộ của vợ để lại càng đồ sộ hơn. Mức giàu có của đốc phủ Sủng đứng vào hàng nhất nhì của khu vực Mỹ Tho - Gò Công lúc bấy giờ.

{keywords}

Mộ Bạch công tử thứ 2 từ ngoài vào. Trên bia chỉ vỏn vẹn mấy chữ :"Bạch công tử, George Lê Công Phước", không ngày sinh ngày mất và tên người lập mộ

Năm 1909, đốc phủ Sủng được đại diện cho tỉnh Mỹ Tho dự hội chợ ở Pháp. Tại kinh đô ánh sáng, đốc phủ Sủng đã tìm mọi cách để sau đó gởi gắm con trai Lê Công Phước sang Pháp du học.

Theo quan niệm của giới quan lại thời bấy giờ, có con qua Pháp du học là một vinh dự lớn. Ngày đi và ngày về luôn có những cuộc đưa đón rình rang long trọng. Vậy mà, trên đất Pháp, thay vì chuyên tâm học tập, George Phước lao vào ăn chơi trụy lạc. Sau mấy năm ở xứ người, Lê Công Phước trở về với bàn tay không khiến cho đốc phủ Sủng vô cùng thất vọng...

Hình phạt ông dành cho cậu quí tử là phải làm phụ hồ, gánh gạch khiêng đá cùng với nhóm thợ đang xây dựng căn nhà. Biết lỗi và chấp nhận hình phạt của cha, George Phước miệt mài lao động trong nhiều tháng cho đến khi xây dựng xong căn nhà. Nhờ vậy mà cha ông nguôi giận.

{keywords}

Đường đến mộ Bạch công tử ở ấp Thạnh Khiết (xã An Thạnh Thủy – huyện Chợ Gạo, Tiền Giang)

Ông đốc phủ Sủng không may qua đời khi cậu tư Phước còn quá trẻ. Tuổi đời chưa đến 20 với sản nghiệp quá lớn, sẵn máu ăn chơi trong người đã làm cho George Phước lao vào những cuộc chơi suốt sáng, trận cười thâu đêm. 

Cái kết cục của những cuộc chơi hoang phí vô độ đó, gia tài của mẹ cha để lại sớm vơi dần đi đến chỗ khánh tận. Khi chưa được 50 tuổi cậu tư Phước phải sớm lìa đời vì ma túy. Thi hài Bạch công tử được một người quen đem về an táng trên miếng đất mà vốn là của ông nay đã đổi chủ.

Bạch công tử qua đời khi không còn một chút tài sản nào trong tay. Nấm mồ của người giàu có nhất vùng trong hàng chục năm qua vẫn là nấm mồ đất. Mãi cho đến 2005, ngôi mộ mới được xây lại.

Lấy cốt làm du lịch

"Mời anh vào nhà mình nói chuyện. Đứng ở đây trời nắng, nóng lắm", giọng nói từ phía sau vọng tới làm tôi quay người lại. Anh Võ Thành Sang, 42 tuổi hiện là người chủ mảnh đất này kiêm cả việc "quản trang" 5 ngôi mộ trong vườn.

{keywords}

Nhà của ông Nguyễn Hoàng Phi, nơi Bạch công tử sống những ngày cuối đời và đã chết tại đây. Ngày nay, ngôi nhà này thuộc ban Dân vận huyện ủy Chợ Gạo

Anh Sang cho biết, mấy năm trước năm nào cũng có người của ngành Thông tin văn hóa về đây viếng mộ Bạch công tử. Chỉ có 2 năm gần đây vắng bóng.

"Tôi thừa kế mảnh đất này trong đó có mộ Bạch công tử từ cha tôi. Tôi chỉ nghe loáng thoáng cũng không nhớ rõ, trước đây khu vực này nằm trong vùng đất cò bay thẳng cánh của Bạch công tử. Do ăn chơi quá trớn nên tài sản lần lượt đội nón ra đi và mảnh đất này chuyển sở hữu về cho ông Nguyễn Hoàng Phi - một điền chủ vùng Chợ Gạo.

Những năm tháng cuối đời, Bạch công tử nghiện ngập nặng sống lang thang ở vùng vườn Ông Thượng (công viên Tao Đàn ngày nay). Ông Nguyễn Hoàng Phi vốn trước đây được Bạch công tử giúp đỡ nên cảm ân đức đã đón Bạch công tử về nhà tá túc. Ngôi nhà đó bây giờ là ban Dân vận thuộc huyện ủy Chợ Gạo.

Sống ở đây được vài tháng, đầu năm 1950, Bạch công tử qua đời. được đưa về ấp Thạnh Khiết chôn cất. Ban đầu chỉ là nấm mộ đất. Ông Nguyễn Hoàng Phi sau đó cũng mất và con trai ông - ông Nguyễn Hoàng Lũy - thừa kế chăm sóc và bảo quản các mộ phần.

{keywords}

Mộ phần Bạch công tử

Tôi cũng không hiểu sao chỉ nghe cha tôi nói, ông Lũy sau đó đổi cho cha tôi thửa đất này và giờ đây tôi là người cư ngụ tại đây tiếp nối công việc bảo quản giữ gìn các ngôi mộ.

Tôi còn nhớ, năm 2005, ông Lũy cho biết có xin được tiền nhưng không nói rõ là xin của ai và xin được bao nhiêu, sửa sang lại ngôi mộ của Bạch công tử. Ngày xây mộ tôi có mặt chứng kiến khi đào huyệt làm móng có lộ ra quan tài bằng gỗ tốt. Điều này có thể xóa tan được sự đồn đãi, Bạch công tử chết không có hòm phải bó chiếu đem chôn.

{keywords}

Anh Võ Thành Sang,người chăm sóc mộ Bạch công tử hiện nay, trước ngôi nhà của mình

Có nhiều dư luận về ngôi mộ của Bạch công tử. Năm 1999, NSND Phùng Há, người vợ một thời của Bạch công tử có về gặp ông Lũy đặt vấn đề xin lấy cốt hỏa táng đem về thờ ở nghĩa trang nghệ sĩ. Ông Lũy không đồng ý vì theo ông Lũy hỏa táng là mất hết dấu vết không còn gì chứng minh khi nhắc đến Bạch công tử"

"Cách đây khoảng 3 năm" - anh Sang kể tiếp "có một người xưng là Thầy Đức có gặp anh đề nghị được lấy cốt đem về thị trấn cải táng xây mộ hoành tráng làm khu du lịch như khu du lịch công tử Bạc Liêu. Ông thầy Đức nói sẵn sàng chi 8 tỉ để lo cho công việc này. Tuy nhiên, tôi cũng không đồng ý cho lấy cốt và nói nếu muốn làm như vậy sao không làm tại đây mà phải chuyển đi xa? Người chết đã chết không nên động mồ động mả.

Ý tưởng xây khu du lịch Bạch công tử của ông Thầy Đức không thành và từ đó đến nay, không còn ai trở lại lui tới viếng mộ Bạch công tử nữa.

Đã hơn 60 năm trôi qua, câu chuyện về Bạch công tử ở đất Chợ Gạo dần đi vào quên lãng. Cũng còn người nhớ đến và họ vẫn xem như đây là một bài học để răn dạy con cháu về phong cách sống và làm người. Sống xa hoa phung phí đến lúc chết không có mảnh đất để chôn vẫn luôn là lời cảnh tỉnh đến mọi người trong mọi thế hệ...

(còn tiếp)

Trần Chánh Nghĩa