Từ khi nhà nhà có ti-vi, điện thoại thông minh thì chiếc loa phường đã bị "bỏ rơi". Không chỉ thế nó là “nỗi phiền hà” của nhiều nhà, nhiều người.

Ở quê tôi, sáng, trưa, chiều tối, cứ ngày ba buổi chiếc loa công cộng này vẫn phát đều đều mặc có ai nghe hay không. Ngày Tết, ngày lễ loa cũng ra rả cả ngày.

{keywords}

"Nếu phường có thông tin, thông báo gì cần phổ biến đến người dân thì nên qua phương tiện điện thoại, thư điện tử, các cuộc họp của tổ dân phố hoặc phát hành bản tin"...

Người ca sỹ hát hay nhưng nghe hoài người ta cũng chán nói gì đến loa truyền thanh trong thời đại thông tin đã bị bão hòa. Người dân bây giờ đến với thông tin đại chúng rất chủ động. Họ tự chọn cho mình kênh để nghe, giờ để đọc, không thích thì họ chuyển kênh hoặc tắt đi.

Không phải đến thời điểm này mà từ lâu loa phường đã hết sứ mệnh. Cách đây khoảng 10 năm ở quê tôi người dân đã ngán ngẩm với cái loa phường. 

Một lần nhân đợt lắp đặt hệ thống loa mới (cùng với tăng số lượng loa và công suất loa), nhân viên phụ trách thôn, xã chở loa đi lắp. Họ dừng gần nhà nào thì nhà ấy lại “giãy nảy” lên, “tha thiết xin các bác lắp loa giùm chỗ khác". 

Nhưng “đùn đẩy” thế nào thì cuối cùng mỗi xóm, mỗi thôn đều phải lắp đủ số loa theo kế hoạch. Và thế là, loa được chốt lắp gần nhà ai thì hộ đó cứ âm thầm chịu đựng.

Mười mấy năm xa nhà, bây giờ về làng, tôi giật mình vì chiếc loa phát thanh vẫn còn đó. Âm thanh từ chiếc loa công cộng ấy kết hợp với tiếng ồn của xe cộ trên đường tạo thành một thứ tạp âm rất khó chịu, rối tai. Nó cứ oang oang, ra rả suốt ngày. 

Theo tôi, ở những vùng đô thị nên dẹp hẳn loa phường. Nếu phường có thông tin, thông báo gì cần phổ biến đến người dân thì nên qua phương tiện điện thoại, thư điện tử, các cuộc họp của tổ dân phố hoặc phát hành bản tin (bản tin giấy hoặc bản tin điện tử). 

Đối với vùng nông thôn chỉ nên dùng hệ thống loa truyền thanh ấy để thông báo, phổ biến thông tin trong trường hợp cần thiết.

Xem thêm video "Loa phường ở Hà Nội":

Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì nên dùng loa truyền thanh có trọng điểm, tránh phát thanh tất cả chương trình từ trung ương, tỉnh, huyện đến xã, thôn. Cần tránh mở loa trước 6 giờ buổi sáng, sau 11 giờ 30 buổi trưa. 

Cuộc sống ngày càng xô bồ, tấp nập bởi những dòng người lưu thông đông đúc như mắc cửi trên đường, bởi những tiếng ồn ào của xe cộ, động cơ, âm thanh sinh hoạt (loa máy, tiệc tùng) của nhiều gia đình. Nên khuyến khích người dân dùng ra-đi-ô để cập nhật thông tin (nếu họ chưa có ti-vi, mạng internet), họ nghe theo nhu cầu, khi ấy quyền tự do cá nhân của họ được tôn trọng.

Để công bằng và khách quan nhất, ngành Văn hoá - Thông tin các địa phương cần tiến hành khảo sát, thăm dò ý kiến người dân có nên tiếp tục duy trì loa phường nữa hay không. Nếu đa số không đồng ý thì nên gỡ bỏ, đừng chần chần thêm nữa. Thực tế ở nhiều nơi, loa phường đã hết sứ mệnh từ lâu.

Lê Xuân Chiến 

(GV trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Quảng Nam)

Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả. Bạn có ý kiến gì về vấn đề này, xin gửi cho chúng tôi theo địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài viết phù hợp sẽ được lựa chọn để đăng tải và nhận chế độ nhuận bút từ tòa soạn. Trân trọng cảm ơn!