- Khi việc tiêu hủy hàng hiệu nhái chưa diễn ra thì những người có mặt đã tranh nhau lấy đi. Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, đó là hành động thiếu tự trọng, 'mua danh ba vạn, bán danh ba đồng'... 

Vụ việc hy hữu trên xảy ra tại buổi tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ do Thanh tra Bộ KH&CN cùng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP Hà Nội tổ chức ngày 21/10.

Cụ thể, hội đồng tiến hành tiêu hủy các tang vật là các sản phẩm thời trang cácloại (túi xách, ví da, dây lưng, đồng hồ, vòng đeo tay…) giả mạo các nhãn hiệu“DIOR”; nhãn hiệu “HERMÈS”; nhãn hiệu “LOUIS VUITTON”, "LV",“Hình”... Số lượng sản phẩm bị tiêu huỷ gồm 2.349 sản phẩm bao gồm: 726 chiếc túi xách, 1.057 chiếc ví da, 39 chiếc dây lưng,…

Tuy nhiên, ngay sau khi tuyên bố lý do xong, chưa kịp chuyển hàng đi tiêu huỷ thì hiện trường đã nhốn nháo vì mọi người xông vào "cướp" những món hàng hiệu nhái này. Điều đáng buồn là, người tham gia lấy hàng có cả cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trước sự việc “hôi đồ” trên, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất. Theo đó, ông Chất cho rằng, những hành động trên thể hiện sự thiếu tự trọng của những người "hôi đồ".

{keywords}

Cảnh chen lấn, lấy đồ ngay tại trụ sở Bộ KH&CN.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, những người trong vụ “hôi đồ” vừa qua đã “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Họ được mời đến tham dự nhưng lại không tôn trọng chính bản thân họ, không tôn trong nguyên tắc làm việc cũng như quy định của pháp luật. Họ ngang nhiên biến những cái đáng lẽ không phải của mình thành của mình.

“Ở đây không chỉ thể hiện sự 'xấu xí' mà còn là biểu hiện của tâm lý tiểu nông, ích kỷ. Họ 'hôi đồ' cũng bởi tâm lý đám đông, người khác lấy được, mình cũng phải cố kiếm không thì… thiệt", ông Chất nói.

Theo ông Chất, những ai xuất hiện trong hình ảnh, video, có bằng chứng thì phải bị xử phạt. Có như vậy thì trong những sự việc tương tự, nhiều người sẽ phải kiềm chế mà không dám lặp lại hành động đáng xấu hổ này”.

Bên cạnh thái độ, hành vi của từng cá nhân, ông Chất cũng cho rằng nên xem xét cả trách nhiệm của cơ quan quản lý.

Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước phải đứng ra tổ chức theo đúng quy trình, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm đảm bảo chắc chắn sản phẩm phải tiêu hủy sẽ bị tiêu hủy.

Được biết, trong cuộc họp xử lý vụ việc này, hôm 24/10, Bộ KH&CN đã yêu cầu Chánh Thanh tra Bộ, các thành viên Hội đồng viết báo cáo giải trình, làm rõ trách nhiệm cá nhân, các sai sót, khuyết điểm trong vụ việc.

Đồng thời, lập danh sách những người đã lấy hàng hóa chưa tiêu hủy; yêu cầu các cá nhân phải trả lại hàng hóa chưa tiêu hủy trước 12 giờ 00 ngày 25/10/2016 để tiếp tục tiêu hủy theo đúng quy định pháp luật.

Sau đó, trên cơ sở  tường trình và mức độ vi phạm, Bộ KH&CN sẽ xem xét kiểm điểm nghiêm khắc và có hình thức kỷ luật đối với từng tổ chức, cá nhân theo đúng quy định pháp luật.

H. Thúy