- Đọc xong bài "Lễ ăn hỏi, thông gia hai nhà đại chiến vì cái thủ lợn" của bạn Lan Chi ở Long Biên (Hà Nội), tôi chợt nhớ tới lễ ăn hỏi của mình cách đây 3 năm trước.

Lễ ăn hỏi, thông gia hai nhà đại chiến vì cái thủ lợn

Mọi thứ đã tan tành hết. Lễ ăn hỏi bị hủy và hai bên thông gia không thèm nhìn mặt cũng không thèm thương lượng với nhau.

Tôi là một cô gái dân tộc Tày tới từ một tỉnh ở miền núi phía Bắc. Khi yêu và đồng ý đi đến hôn nhân với một chàng trai miền xuôi, cũng chính là chồng tôi bây giờ, tôi đã lường trước được những sự khác biệt trong văn hóa vùng miền có thể gây ra những rắc rối thế nào. 

Vì thế tôi đã tìm hiểu rất kỹ về phong tục cưới xin ở quê chồng cũng như phổ biến những tập tục của dân tộc mình cho mọi người ở nhà chồng biết.

{keywords}
Ảnh minh họa

Theo như những gì mẹ chồng tôi nói thì ở quê bà không có tục thách cưới và lễ ăn hỏi cũng rất đơn giản, đồ cưới như giường, tủ...do nhà trai chuẩn bị - hoàn toàn không giống như trên nhà tôi. 

Thời điểm tôi chuẩn bị kết hôn (năm 2013), theo lệ quê tôi, một lễ ăn hỏi mà nhà trai phải chuẩn bị thường bao gồm 5 tráp và 50 triệu đồng tiền mặt (số tiền này dùng để sắm đồ cho vợ chồng trẻ chứ nhà gái không giữ). Chính vì sự khác biệt quá lớn về phong tục, cộng thêm gia đình chồng tôi cũng không dư dả gì nên tôi và chồng cùng thống nhất là hai đứa sẽ cùng tiết kiệm tiền để góp đủ 50 triệu đưa cho bố mẹ chồng.

Trước hôm hai bên gia đình gặp mặt nhau, chồng tôi nói với tôi rằng bố mẹ anh ở quê, không biết phải chuẩn bị quà cáp gì cho bố mẹ tôi. Vì thế anh rủ tôi cùng ra siêu thị và hai đứa tìm mua một ít bánh kẹo rồi đóng gói, cài nơ cẩn thận trước khi đem lên nhà gái. Hôm ấy, bố mẹ tôi có làm vài mâm cơm mời họ hàng. 

Sau khi cơm nước xong xuôi, mẹ tôi mới nhắc chồng tôi mang quà của nhà trai ra mời mọi người. Trông gói quà to, đẹp ai nấy đều khen nhà trai chu đáo, tất nhiên bố mẹ chồng tôi cũng được phen nở mày, nở mặt.

Nhờ được sự chuẩn bị từ trước nên màn thách cưới cũng diễn ra vô cùng suôn sẻ. Ngay sau khi một người lớn tuổi trong gia đình trình bày các khoản mà nhà trai phải chuẩn bị và lý do tại sao ở trên nhà tôi lại thách cưới cao như vậy, bố mẹ chồng tôi cũng tán thành luôn. Sau đó, hai ông bà cầm phong bì đỏ mà vợ chồng tôi đã chuẩn bị từ trước trao cho nhà gái và nói rằng đưa trước để kịp sắm sửa.

Vì hai nhà cách nhau gần 500km nên các cụ quyết định gộp lễ ăn hỏi và lễ cưới làm một. Bố mẹ chồng tôi cũng có ý kiến là nếu mang tráp từ quê lên tới nhà tôi thì sợ đồ dập, hỏng nên đã nhờ luôn nhà gái đặt đồ lễ (trừ buồng cau), hết bao nhiêu tiền nhà trai sẽ thanh toán sau. Bố mẹ tôi cũng đồng ý theo phương án này, ngoài ra còn nhận tự chuẩn bị chứ không đặt ở bên ngoài vì sợ mua phải đồ hết hạn sử dụng.

Trước hôm cưới, chính tay tôi tự đi thuê 5 cái tráp và đi mua bánh kẹo, hoa quả ngon để bày lên. Nhà trai khởi hành từ 1 giờ đêm, đến 2 giờ chiều mới tới nhà tôi. Mặc dù mệt mỏi sau một chuyến đi dài nhưng mọi người đều rất vui vẻ, đứng chờ ở đầu ngõ để nhận tráp từ nhà gái trước khi lễ ăn hỏi diễn ra.

Lễ ăn hỏi của tôi hôm đó không chỉ là một nghi lễ để gả con mà còn là một buổi giao lưu văn hóa thực sự. Sau những lời căn dặn và chúc phúc, các bậc cao niên còn làm thơ tặng cho vợ chồng tôi. Hai bên mải tung hứng tới nỗi tí nữa quên cả giờ tiếp khách tới dự lễ cưới.

Hơn 3 năm đã trôi qua, giờ đây tôi đã có một bé trai 2 tuổi và một gia đình hạnh phúc. Bố mẹ hai bên cũng hay tới chơi và gọi điện thăm hỏi nhau. Thỉnh thoảng, chồng tôi còn đùa tôi rằng "Nếu em không tự chuẩn bị lễ ăn hỏi cho mình chắc giờ vẫn còn ế dài dài".

Liên An (Cao Bằng)