Trong 11 năm công tác tại Trung tâm cấp cứu 115 TP Hà Nội, có 4 năm chị Nguyễn Thanh Huyền (SN 1983) kiêm thêm nhiệm vụ trực tổng đài điều hành xe cấp cứu.

Chị Huyền chia sẻ, tổng đài cấp cứu 115 chỉ có 4 nhân viên trực. Trung bình mỗi ngày các chị nhận từ 700 - 800 cuộc gọi, trong đó có nhiều cuộc là quấy rối.

“Điều đó gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác cứu chữa người bệnh”, chị Huyền nhấn mạnh.

{keywords}
Nhân viên tổng đài 115 - Nguyễn Thanh Huyền (SN 1983).

Bên cạnh cuộc gọi quấy rối, nhân viên trực tổng đài điều hành cấp cứu 115 còn phải đối mặt với những tình huống báo cấp cứu giả.

“Khi số điện thoại gọi đến, mặc dù biết đó là số hay quấy rối (do thường xuyên gọi đến) nhưng theo quy định chúng tôi vẫn phải nghe máy”, chị Huyền chia sẻ.

Một lần, số điện thoại trong danh sách "đen" gọi đến, người đầu dây bên kia nói giọng hết sức nghiêm túc. Họ báo với trung tâm người nhà đang bị ốm, cần xe cấp cứu gấp. Sau đó, người đàn ông này cung cấp địa chỉ nhà, số điện thoại liên hệ cho tổng đài viên.

Nữ nhân viên cấp cứu 115 cho biết thêm, người đàn ông gọi liên tục, giục giã chị điều xe đến cấp cứu cho người thân. Chị Huyền liền điều phối một ekip tìm đến địa chỉ người đàn ông cung cấp.

Các nhân viên đến nơi, gọi điện thoại cho người đàn ông kia thì được báo sẽ cho người nhà ra đón. Nhưng ekip đợi 1 tiếng không có kết quả, nhân viên gọi lại thì thuê bao đã tắt máy. Lúc này trung tâm cấp cứu mới biết vừa bị người đàn ông đó lừa.

Lần khác, chị Huyền nhận được cuộc gọi, xin xe cấp cứu đến khu vực quán bia trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Theo người gọi thông báo, bệnh nhân có tình trạng khó thở, tím tái, sùi bọt mép. Chị Huyền lập tức điều xe đến địa chỉ đó.

Đến nơi, ekip cho người tìm khắp quán bia, mọi người đều khẳng định không ai gọi cấp cứu. Một nhóm thanh niên say xỉn trong góc quán bia đang cười khoái chí... Biết bị báo giả, các nhân viên đành cho xe quay về. Chị Huyền chia sẻ thêm, ngày nào các nhân viên cấp cứu 115 cũng nhận được cuộc gọi như vậy.

“Những trường hợp như vậy gây ảnh hưởng lớn đến công việc cứu chữa người bệnh. Vì trong khoảng thời gian đó, những trường hợp cần cấp cứu thật sự lại có thể không có xe, tính mạng người bệnh có thể bị de dọa, đặc biệt là trường hợp nguy kịch”, chị Huyền bức xúc nói.

{keywords}
Một ca làm việc của tổng đài cấp cứu 155.

Tuy nhiên cũng có những cuộc gọi để lại trong chị nhiều dư âm đến nhói lòng. Hôm đó là một ngày cuối năm nên thời tiết khá lạnh. Cả ngày chị cùng các đồng nghiệp quay cuồng với những ca cấp cứu khẩn cấp do ngộ độc rượu, tai nạn…

Bất ngờ 12 giờ đêm, chị Huyền nhận một cuộc gọi từ số máy bàn, phía đầu dây bên kia là giọng ú ớ không ra tiếng của một người đàn ông. Chị cảm nhận người đó có vẻ rất gấp gáp.

Chị phản hồi, xem người đó có cần giúp đỡ gì không nhưng đáp lại vẫn chỉ là tiếng ú ớ. Cuối cùng người đó gác máy. Vài phút, số đó tiếp tục gọi lên tổng đài, vẫn tình trạng như cũ.

Nhân viên trực tổng đài cho rằng bị quấy rối nên lịch sự xin phép cúp máy. 5 phút sau, chuông lại đổ dồn. Vẫn là số điện thoại trên, lần này giọng một người phụ nữ hốt hoảng, xin trung tâm điều xe cấp cứu đến địa chỉ nhà ở quận Đống Đa, đang có người gặp nguy kịch.

Chị cho biết, nạn nhân là phụ nữ lớn tuổi, ở cùng con trai lớn bị câm điếc bẩm sinh. Con gái út sinh sống ở TP.HCM. Người con trai thấy mẹ bị nạn, gọi cấp cứu nhưng không nói được. Anh vội sang đập cửa nhà chị, ra hiệu nhờ giúp đỡ, chị hiểu ý, gọi cho trung tâm.

“Hôm đó bà cụ 80 tuổi bị ngã trong nhà vệ sinh, đập đầu xuống đất dẫn đến ngất xỉu nhưng được cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng.

Bà cụ có hoàn cảnh đáng thương, con trai tật nguyền, đêm đó không có chị hàng xóm tốt bụng, chẳng biết sẽ ra sao? Lúc chị nói chuyện qua điện thoại về hoàn cảnh của bà cụ, tôi cũng ứa nước mắt”, chị Huyền nói.

Điều bất ngờ sau cuộc gọi 'quấy rối' 115 của người đàn ông phố cổ

Điều bất ngờ sau cuộc gọi 'quấy rối' 115 của người đàn ông phố cổ

Nhân viên tổng đài kể, người đàn ông này gọi lên tổng đài vào lúc tối muộn, giọng hồi hộp và lo lắng đến mức không nói nên lời.

Thanh Tâm - Tuấn Phan