Nhiều thương hiệu đã liều mạng chơi con bài tất tay với chiêu truyền thông với bikini

Sao không xử phạt triển lãm ô tô?

Mới đây, Thanh tra Sở văn hóa Hà Nội đã quyết định xử phạt siêu thị điện máy T.A 40 triệu đồng vì sử dụng nhân viên nữ mặc bikini bán điều hòa. Căn cứ xử phạt là công ty này đã có hành vi quảng cáo có nội dung trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, thuần phong, mỹ tục Việt Nam khi để người mẫu mặc bikini đón khách và tiếp thị tại siêu thị của mình.

{keywords}

"Chuyện mặc bikini không có gì to tát, nếu thấy chưa phù hợp thì nhắc nhở chứ cũng chưa đến mức phải xử phạt hành chính"

Một nhà hàng trên đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy cũng vừa bị thanh tra Sở Văn hóa thể thao Hà Nội xuống kiểm tra vì dùng nữ nhân viên mặc bikini mát mẻ phục vụ bàn.

Xung quanh quyết định xử phạt việc dùng mẫu bikini bán hàng, dư luận đang dấy lên nhiều ý kiến trái chiều.

Một số ý kiến cho rằng, việc mặc bikini không đúng chỗ, gây phản cảm thì xử phạt là đúng. “Cách ăn mặc cũng thể hiện văn hóa và sự lich sự. Nếu nói không có gì thì mai mốt cũng mặc bikini đến trường học, tòa án hay văn phòng chính phủ thì loạn”, một độc giả bày tỏ.

“Có ai xông vào nhà bắt người khi họ khỏa thân tắm không? Nhưng nếu khỏa thân ngoài đường thì có thể. Nước ngoài họ thấy bikini là bình thường, nhưng người Việt nhìn thấy bikini đa số là nghĩ ngay đến những hình ảnh khác sâu xa hơn rồi. Đây có thể là PR nhưng thật quá lố lăng, trẻ con, trẻ mới lớn đầy rẫy ngoài đường. Rồi hãng khác, hãng khác nữa cũng làm theo. Thế này khác nào đầu độc thế hệ như những thịt lợn, thịt bò, rau quả độc hại”, độc giả Hoàng Anh bày tỏ.

Ý kiến khác lại cho rằng, chuyện mặc bikini không có gì to tát, nếu thấy chưa phù hợp thì nhắc nhở chứ cũng chưa đến mức phải xử phạt hành chính.

{keywords}

Mẫu số chung khi sử dụng sự hấp dẫn giới tính để truyền thông thương hiệu nhận được là sự chú ý và gây tranh cãi.

“Bikini không phải là đồ lót. Việc tung ra một chiến dịch quảng cáo của một doanh nghiệp nếu không phải bất hợp pháp thì không có lí do gì để phạt họ và theo tôi áp dụng nội dung "trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, thuần phong, mỹ tục" là hoàn toàn bất hợp lý và không đúng luật. Nếu phạt được siêu thị, tôi tin họ ra bãi biển, vào công viên nước phạt những ai mặc bikini đều được”, một độc giả bày tỏ.

“Các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam vẫn có tiết mục bikini diễu qua diễu lại cho các giám khảo và hàng triệu triệu khán giả ngắm nghía, nhận xét đến no con mắt thì thôi. Tại sao các hãng xe hơi được phép mời người mẫu bikini tham gia để quảng bá và kích cầu sản phẩm cùa họ. Bất hợp lý quá. Một hãng máy bay nọ thuê mẫu mặc bikini nhảy múa trên máy bay thì không bị phạt ảnh hưởng thuần phong mỹ tục”, độc giả Quang Minh phát biểu.

Lợi hay hại cho doanh nghiệp?

Chia sẻ trên Cafebiz, Chuyên gia truyền thông thương hiệu Nguyễn Đức Sơn - Giám đốc điều hành Richard Moore Associate, doanh nghiệp chuyên tư vấn về thương hiệu, cho rằng, trên thế giới đã rất nhiều hãng sử dụng sex appeal (sự hấp dẫn giới tính) vào hoạt động truyền thông quảng cáo. Và mẫu số chung nhận được là sự chú ý và gây tranh cãi.

{keywords}

Truyền thông gây sốc là con dao hai lưỡi.

“Sự nhạy cảm (nhiều khi quá mức) của truyền thông với đề tài giới tính vừa là áp lực vừa là cơ hội cho các thương hiệu khi áp dụng. Khi áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, khi mối nguy bị lãng quên ngày càng cao, nhiều thương hiệu đã liều mạng chơi con bài tất tay với chiêu truyền thông này”, anh Sơn bày tỏ.

Theo vị chuyên gia này, việc dùng người mẫu bikini để chào bán sản phẩm của siêu thị T.A mắc phải các lỗi cơ bản: thứ nhất bikini không liên quan đến ngành hàng điện tử, từ trước đến nay các thương hiệu sử dụng sex appeal đều đến từ những ngành hàng là phương tiện thể hiện cái tôi, như ngành thời trang.

Thứ hai bikini là phải đẹp, trong trường hợp của siêu thị T.A là một nhóm các cô gái lộn xộn, mỗi cô một màu, mỗi cô một kiểu tạo dáng, bikini của các cô gái cũng không đẹp.

“Truyền thông gây shock là con dao hai lưỡi. Nó giống như trò chơi lướt ván mạo hiểm với những con sóng dữ. Đã lướt sóng phải có sóng dữ mới chơi được. Sóng càng to, càng dữ thì cơ hội càng cao và tất nhiên rủi ro càng lớn.

Khi tham gia trò chơi này, vận động viên lướt ván một là lên đỉnh cùng sóng, hai là bị nó dìm xuống đáy biển. Chiến dịch những cô gái mặc Bikini sẽ đưa thương hiệu về đâu? Lên đỉnh chắc là khó với cách triển khai như vậy. Nếu không ở đỉnh sóng thì sẽ nằm ở đâu?

Sẽ nằm ở đâu đó. Cả sex (giới tính) và sexy (gợi cảm) đều là đề tài gây chú ý. Nhưng cách gây chú ý rõ ràng khác nhau. Không phải sự chú ý nào cũng có lợi cho thương hiệu. Và không phải sự chú ý nào cũng hấp dẫn, gây thiện cảm và mang đến hành động tích cực.

Trong xây dựng thương hiệu, gây chú ý rất quan trọng và không hề dễ. Tuy nhiên hãy hỏi câu hỏi: chuyện tiếp theo là gì?”, anh Sơn chia sẻ.

K. Minh