- Với lý thuyết “cho đi yêu thương sẽ nhận lại yêu thương”, phần lớn những người phụ nữ có chồng đã qua một lần đò đều cố gắng chung sống hòa bình với con riêng của chồng. Nhưng mọi chuyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ, dù khó khăn đã được lường trước.

Đường quang không đi lại đâm quàng bụi rậm

Mặc dù bị gia đình kịch kiệt phản đối chuyện tình cảm của mình với Nam bởi lí do gái tân lấy trai một lần đò, Hằng (Vĩnh Phúc) vẫn quyết tâm đến cùng. Thậm chí khi biết Nam có con riêng 6 tuổi và rất yêu quý cô con gái này, Hằng còn chạy vạy tìm cách để bạn trai mình giành được quyền nuôi con. Thế nhưng khi đã thỏa giấc mơ làm một gia đình với Nam, cô mới hối hận vì “đường quang không đi lại đâm quàng bụi rậm”.

Hằng chia sẻ: “Chính mình là người đã giúp hai bố con nó được gần nhau. Vậy mà chưa khi nào nó biết ơn mình vì điều đó, thậm chí còn coi mình như kẻ thù”. Hằng buồn bã kể, cả ngày con bé chẳng thèm nói với cô nửa lời. Mỗi lần cô định bắt chuyện là con bé lại dùng ánh mắt gườm gườm ném về phía mẹ kế.

“Nhưng thế còn chưa khổ bằng việc, nó quyết "ăn thua" với mình trong việc giành tình cảm của bố nó. Đêm nào nó cũng đòi ngủ cùng vợ chồng mình và nhất định phải nằm giữa, ôm khư khư lấy bố. Biết mười mươi việc con bé phá đám, góp ý với chồng thì anh lại cho rằng “con nó muốn gần gũi mà mình lại khó dễ”, nhiều khi nặng lời anh còn nói mỉa “đúng là mấy đời bánh đúc có xương”, Hằng than thở.

{keywords}
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Biết mẹ kế không dám mắng, lại được bố bênh, con bé càng ngày càng quá đáng. Chồng đi công tác vắng là Hằng như bị tra tấn bởi con gái của chồng. “Nó nói chuyện với mình rất xấc xược, sai bảo mình như người hầu của nó. Tới bữa cơm hỏi nó muốn ăn gì, nó bảo ăn trứng. Mình chuẩn bị trứng xong thì nó quay ra đòi thịt, rồi chê ỏng chê eo. Có lần mình chiều nó đến món thứ 4 rồi, nó vẫn không vừa ý lại còn đặt mạnh xuống bàn khiến thức ăn vung vãi. Mình điên quá mới tét vào đít nó một cái. Vậy là ngay chiều hôm đó, cả bên nội bên ngoại xúm lại tổng sỉ vả mình".

Một sợi tóc cũng không được động đến

Cũng trong hoàn cảnh con chồng ngang ngược mà vẫn phải im để không mang tiếng là Hạnh (Chương Mỹ, Hà Nội). Hạnh tâm sự: “Trước khi cưới mình đã cố gắng để làm thân với thằng bé (con riêng của chồng). Hai cô cháu cũng đã thân thiết lắm rồi, tưởng mọi chuyện suôn sẻ thế mà sau khi kết hôn với bố nó, nó coi mình như kẻ phá gia đình nó vậy”.

Mặc cho mẹ kế hết mực quan tâm chăm sóc, cậu con trai của chồng vẫn không mảy may coi Hạnh ra gì. Mọi lời răn dạy của mẹ kế, cậu bé đều bỏ ngoài tai. Đồ đạc bày bừa, đi học thì xé vở, bẻ bút. Nhưng khi có mặt bố, thằng bé lại tỏ ra ngoan ngoãn vô cùng. “Khi không có ai ngoài mình với nó, nó làm sai, mình nói nó cãi xơi xơi. Không biết ai xúi, nhiều lần nó còn chỉ tay vào mặt mình nhổ nước bọt rồi chửi: "Mụ dì ghẻ thối cút ra khỏi nhà"... Ấy vậy mà khi có mặt bố nó, nói gì nó cũng cúi đầu vâng dạ. Ai biết đâu, miệng vâng nhưng tay nó làm kí hiệu tục tĩu chể giễu mình. Nói ra thì cả bố mẹ chồng lẫn chồng đều bảo mình nhỏ nhen, bịa chuyện.

Nhịn mãi không được, một hôm nó giơ ngón tay lên mình mới túm ngay lấy làm bằng chứng. Nó liền lăn quay ra khóc lóc kêu mình bẻ gãy tay nó. Cả bố mẹ chồng và chồng lại đi tin thằng bé, nói mình không ra gì và ra lệnh “từ nay một sợi tóc của nó cũng không được động vào”.

Bất lực nhưng chưa phải hết cách

Trước cuộc chiến mẹ kế-con chồng, nhiều chị em than đành phải bất lực bó tay. Nhưng theo chị Nhàn (Minh Khai, Hà Nội), bó tay chứ chưa phải hết cách: “Chỉ cần người mẹ kế kiên trì với cái tâm của mình thì dù có sỏi đá cũng sẽ lay chuyển, huống chi một đứa trẻ là con chồng”.

“Bản thân mình cũng là một bà mẹ kế và chồng mình có hai đứa con riêng. Hồi mới về làm mẹ của bọn trẻ mình cũng bị chúng bắt nạt, nói đúng hơn là hành hạ, nhiều lắm. Nhiều lúc chỉ muốn phát điên lên và bỏ chồng ngay lập tức. Nhưng rồi bình tĩnh lại và tìm hiểu suy nghĩ của bọn trẻ. Hóa ra chỉ vì những kẻ ác ý gieo vào đầu chúng hình ảnh một mụ dì ghẻ độc ác, cướp bố của chúng và giành hết tiền bạc nhà cửa.

Bằng cách mưa dầm thấm lâu, tôi dần chứng minh cho bọn trẻ thấy những điều chúng nghĩ là hoàn toàn sai bằng cách quan tâm chu đáo. Từ sở thích ăn uống cho tới giải trí, kể cả thức đêm hôm chăm sóc khi bọn trẻ bị ốm. Mới đầu bọn trẻ cũng cự tuyệt tôi ghê lắm, nhưng lâu dần chúng hiểu ra và dần chấp nhận điều đó".

Chị Thủy (Long Biên, Hà Nội), một bà mẹ kế thành công trong việc “cải tạo” con chồng, đưa ra lời khuyên từ kinh nghiệm bản thân: “Điều đầu tiên là chị em phải xác định trước những khó khăn mình sẽ gặp phải khi làm mẹ kế. Thứ hai là bỏ qua thành kiến của bản thân mình và coi con chồng là đứa trẻ mình cần có trách nhiệm.

Đừng tỏ ra mình có quyền lực với đứa trẻ, đồng thời tỏ rõ mình không có ý định giành giật hay chiếm tình cảm của bố chúng. Có cách cư xử ôn hòa, thiện chí, trao đổi thẳng thắn. Không nên chuyện gì cũng “mách” bố của chúng hoặc cấm đoán, mắng mỏ mà nên lựa lời phân tích cho trẻ hiểu nếu như nó làm sai.

Quy tắc là yêu thương, tôn trọng song phải có giới hạn của nó. Nếu quá nghiêm khắc trẻ sẽ lánh xa, còn lấy lòng thì nó sẽ biết lợi dụng để đòi hỏi, yêu sách và cuối cùng sẽ phá vỡ mối quan hệ mẹ kế-con chồng".

Và theo chị Thủy, điều quan trọng nhất để mối quan hệ mẹ kế - con chồng trở nên tốt đẹp vẫn là sự chân thành, trái tim bao dung của người mẹ kế: “Có thể mọi hành động quan tâm của bạn tới con chồng chưa mang lại kết quả gì, nhưng hãy kiên trì vì mưa dầm thấm lâu, đến một ngày bạn sẽ là người mẹ kế được coi trọng”.

Minh Thùy