Năm 2018, Cổng thông tin điện tử liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ do Bộ Lao động Thương Binh và xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam xây dựng và đưa vào hoạt động đã trở thành một kênh thông tin hữu ích cho nhân dân, đặc biệt là đồng đội, thân nhân liệt sĩ và các cơ quan quản lý.

Kì diệu hành trình tìm mộ liệt sĩ qua cổng thông tin

Bà Vũ Thị Kiểm (thôn Điện Biên, xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tinh Nam Định) năm nay đã gần 80 tuổi. Ở tuổi gần đất xa trời, bà chẳng mong gì ngoài việc tìm và đưa hài cốt của người chồng đã hi sinh từ năm 1968 tại chiến trường miền Nam về nơi chôn rau cắt rốn của 2 ông bà.

{keywords}
 

50 năm kể từ ngày nhận giấy báo tử của người chồng thân yêu - liệt sĩ Vũ Kim Chung, bà Kiểm đã đi tìm tất cả đồng đội của ông để hỏi thông tin về nơi ông an nghỉ. 50 năm biết bao lần hi vọng bị dập tắt bởi không một ai có manh mối gì. 50 năm bà khóc cạn nước mắt vì nhớ thương, buồn tủi khi ông ra đi để lại bà vò võ nuôi người con  trai duy nhất bị liệt đôi chân. 50 năm con trai không biết mặt cha, bởi trong nhà không có 1 tấm ảnh của ông. 50 năm bà luôn đau đáu với câu hỏi khi nào tìm được phần mộ của chồng.

Năm 2018, sau khi biết tin cổng thông tin điện tử liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ ( http://thongtinlietsi.gov.vn) đi vào hoạt động, chị Nguyễn Thị Nguyệt, con dâu liệt sĩ Vũ Kim Chung đã nhờ người quen tra cứu thông tin về bố chồng với hi vọng biết đâu sẽ có chút ít thông tin về phần mộ của ông. Điều kì diệu đã đến, chỉ cần điền một số thông tin về liệt sỹ, trong vòng 30 giây mọi thông tin về liệt sỹ Vũ Kim Chung, hình ảnh bia mộ hiện tại, vị trí mộ tại nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM đã được hiển thị đầy đủ trên màn hình.

{keywords}
 

Cả gia đình nghẹn ngào trong niềm hạnh phúc mong ngóng bấy lâu nay. Tháng 6/2019 liệt sĩ Vũ Kim Chung đã được gia đình, đồng đội đưa trở về an táng tại nghĩa trang quê nhà. Niềm hạnh phúc đã trọn vẹn hơn trong căn nhà nhỏ của gia đình bà Kiểm.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt xúc động: “Quả thật lúc nhờ người thân tra thông tin về bố tôi trên Cổng thông tin, tôi không nghĩ là có thể tìm được. Bởi gia đình đã đi gặp rất nhiều đồng đội cùng tham gia chiến đấu với ông mà còn không có manh mối gì. Thật không thể ngờ chúng tôi đã tìm thấy bố sau 50 năm mong ngóng, đợi chờ. Bố tôi đã trở về, mẹ tôi đã không còn khóc mỗi khi đêm xuống. Gia đình tôi xin cảm ơn ngành Lao động Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã tạo nên điều kì diệu, niềm hạnh phúc vô bờ cho gia đình tôi”.

Cũng giống như gia đình bà Kiểm, anh Lê Tuấn Anh (ngõ 213 Định Công Thượng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) ngay sau khi biết đến Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ đã lập tức vào tìm kiếm thông tin về phần mộ của chú ruột là liệt sĩ Lê Đức Hùng hi sinh năm 1968 tại tỉnh Quảng Nam. Niềm hạnh phúc vỡ òa, sau bao nhiêu năm tìm kiếm không có kết quả, giờ chỉ cần truy cập vào Cổng thông tin điện tử liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ http://thongtinlietsi.gov.vn  cả gia đình không chỉ biết được mộ liệt sĩ Hùng đang nằm tại nghĩa trang xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam mà còn được thấy chi tiết cả bia mộ, hiện trạng ngôi mộ cũng như cảnh quan xung quanh.  

Ngày 22/7/2019 vừa qua, tại nghĩa trang xã Duy Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam, gia đình anh Lê Tuấn Anh đã làm các thủ tục để đưa hài cốt Liệt sĩ Lê Đức Hùng về yên nghỉ tại quê nhà ở nghĩa trang An Lạc Viên, phường Thịnh Đức, Thái Nguyên, khép lại hành trình nửa thế kỷ đi tìm phần mộ của người thân.

Thông tin của hơn 857.000 liệt sĩ được cập nhật trên Cổng thông tin

Theo ông Lê Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, sau một năm đi vào hoạt động, cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ đã thu hút đông đảo người dân, đặc biệt là đồng đội, thân nhân liệt sĩ truy cập và tìm kiếm thông tin. Chiến tranh đã qua đi nhưng còn nhiều gia đình chưa tìm được phần mộ liêt sỹ của gia đình của mình đã hy sinh trong chiến tranh. Nhiều gia đình không có điều kiện đi đến các nghĩa trang thực địa, có thể thông qua cổng này để tìm kiếm thông tin, hình ảnh cần tìm kiếm. Đặc biệt đối với các thân nhân gia đình liệt sĩ ở vùng sâu, vùng xa, sống ở nước ngoài có thể truy cập để tra cứu thông tin dễ dàng đầy đủ và chính xác.

{keywords}
 

Với dữ liệu thông tin, hình ảnh chính xác về từng phần mộ, nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước, cổng thông tin điện tử tra cứu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sau 1 năm đi vào hoạt động, cổng thông tin điện tử đã thu hút đông đảo người dân, nhất là thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh truy cập tìm hiểu thông tin. Trung bình mỗi ngày có khoảng 2.200 lượt truy cập vào cổng thông tin.

{keywords}
 

Hiện nhân viên Bưu điện đã thu thập được hình ảnh, thông tin của hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, 857.527 mộ liệt sĩ và hơn 2,6 triệu bức ảnh mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước

“Bưu điện Việt Nam cũng sẽ tiếp tục nâng cấp các nền tảng hạ tầng để đảm bảo các công cụ, tiện ích phục vụ việc truy cập, trao đổi thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ của nhân dân. Đặc biệt, Cổng thông tin hữu ích này sẽ được truyền thông, quảng bá để phát huy hiệu quả cao hơn nữa. Nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các không gian mạng, mạng xã hội có sự tương tác, chúng tôi sẽ có sự nâng cấp để đảm bảo Cổng thông tin có thể tương tác với các mạng xã hội, các gia đình liệt sĩ có thể chia sẻ thông tin, cập nhật thêm thông tin liên quan”, ông Lê Quốc Anh chia sẻ.

Xuân Thạch