Sau khi có trạm y tế khang trang 2 tầng với đầy đủ phòng chức năng thay thế cho căn nhà cấp 4 tối tăm, lạnh lẽo, người dân xã Đakrông (tỉnh Quảng Trị) hết sợ ma, không còn ngại đi khám bệnh như trước…

Từ nhà cấp 4 lụp xụp đến toà nhà 2 tầng khang trang

Ngày thứ sáu, các y bác sĩ Trạm Y tế xã Đakrông, huyện Đakrông, Quảng Trị vẫn đón một số bà con đến khám chữa bệnh. Ở miền xuôi, đó là điều bình thường; nhưng ở xã miền núi, để bà con tin tưởng tới khám chữa bệnh lại khác.

Bác sĩ Lê Quang Hưng - Trạm trưởng trạm Y tế xã Đakrông cho biết, xã Đakrông chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều. Với dân số gần 6.000 người, có 10 thôn, đến 5 thôn thuộc dạng đặc biệt khó khăn, đường xá xa xôi, chỉ đi lại được bằng đò. Để người dân tới được trạm xá chứ chưa nói tới bệnh viện cũng không đơn giản.

“Từ khi trạm y tế được Viettel hỗ trợ xây dựng lại đến nay, người dân đến khám chữa bệnh đông hơn hẳn. Trước đây, mỗi tháng chỉ có 50 -60 lượt bệnh nhân/tháng, đến nay là gần 200. Tỷ lệ tiêm phòng của trẻ em đạt 100%”.

Trạm y tế xã Đakrông giờ đã là một khu nhà 2 tầng khang trang với đầy đủ các phòng chức năng. Ảnh: Quốc Bình.

Trạm y tế xã được Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đầu tư gần 5 tỷ đồng theo Nghị quyết 30A của Chính phủ. Từ chỗ chỉ là một nhà cấp 4 dột nát, với duy nhất một phòng khám cùng hai giường; sau khi được xây mới, đưa vào sử dụng đầu năm 2016, trạm y tế là một tòa nhà 2 tầng khang trang, tiện nghi với hơn chục giường bệnh và đầy đủ các loại thuốc theo quy định.

Số lượng cán bộ y tế cũng tăng từ 5 lên 9 người, trong đó đã có 2 bác sĩ. Nếu như trước đây, trạm y tế chật trội, bệnh nhân chỉ đến khám, nhận thuốc xong rồi về, thì nay, trạm đã nhận các bệnh nhân điều trị nội trú.

“Ý thức của bà con đã khác. Bà con ở đây có thói quen sợ ma, trước nếu ở trong phòng khám cũ là ngôi nhà cấp 4 lụp xụp thì càng sợ, nên bệnh nặng cỡ nào, nhà xa tới đâu cũng nằng nặc đòi về, chứ nhất quyết không ở lại. Từ khi trạm xá thành toà nhà 2 tầng thì bà con hết cả sợ, yên tâm ở lại khám, chữa bệnh” - bác sĩ Hưng giải thích thêm.

Lãnh đạo huyện và lãnh đạo Viettel khởi công xây dựng trạm y tế xã Mò Ó (huyện Đakrông). Ảnh: Quốc Bình.

Chính sự phát triển của y tế cơ sở để góp phần đổi thay lớn trong nhận thức của bà con. Hiện nay, cả 10 thôn của xã đều đã có các nhân viên y tế cộng đồng, được tập huấn những kiến thức và phương pháp điều trị những bệnh thông thường.

Trạm y tế xã Đakrông chỉ là một trong rất nhiều công trình được Tập đoàn Viettel hỗ trợ xây dựng giúp huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Ngày 20/10, Viettel phối hợp với UBND huyện ĐakRông (Quảng Trị) khởi công xây Trạm Y tế xã Mò Ó phục vụ khám và chữa bệnh cho bà con. Công trình có tổng giá trị 3,5 tỷ đồng.

Hỗ trợ với nguyên lý “chỉ trao cần câu…”

Ông Lê Đắc Quỳ, Chủ tịch Huyện Đakrông cho biết 7 năm qua, Viettel đã đầu tư hỗ trợ gần 60 tỷ đồng để xây dựng trạm y tế, xây trường bán trú dân nuôi, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, đầu tư hạ tầng…, sự hỗ trợ này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Ông Hồ Thanh - Chủ tịch UBND xã Đakrông cho hay, xã có tới trên 70% hộ nghèo, còn lại là cận nghèo. Người dân ở đây chủ yếu sinh sống nhờ trồng rừng và chăn nuôi gia súc. “Ngoài những hỗ trợ về nhà ở, trạm y tế, hỗ trợ bò giống của Viettel đặc biệt hiệu quả cao, bởi nó phù hợp với điều kiện sản xuất của bà con, giúp bà con có thêm ‘chiếc cần câu’. Nhiều hộ sau khi nhận được bò giống hỗ trợ đã cùng nhau cam kết thoát nghèo. Đây là một cơ hội giúp họ vươn lên, thoát nghèo bền vững” - ông Thanh chia sẻ.

Thiếu tướng Hoàng Công Vĩnh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, Viettel hỗ trợ người dân giảm nghèo trên cơ sở nhu cầu của bà con, để đảm bảo thoát nghèo nhanh và bền vững theo nguyên tắc “trao cần câu chứ không cho con cá”. Đây cũng là lý do những hỗ trợ tập trung vào hạ tầng thiết yếu cho đời sống như là y tế, nhà ở, giáo dục… và sinh kế như tặng bò giống.

Trong các hoạt động về hỗ trợ an sinh xã hội đó, từ năm 2009 Tập đoàn VTQĐ đã nhận trực tiếp hỗ trợ 3 huyện: Bá Thước, Mường Lát - tỉnh Thanh Hóa và Đakrông - tỉnh Quảng Trị. Theo Nghị quyết 30A, Viettel đã tiến hành nhiều hoạt động với tổng kinh phí đã hỗ trợ là 156,4 tỷ đồng; trong đó, riêng huyện Đakrông là 58 tỷ đồng.

“Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 30A, giai đoạn 2017 - 2018, tại huyện Đakrông, Viettel cam kết hỗ trợ thêm 17,65 tỷ đồng, tập trung vào 03 nội dung chính: Hỗ trợ người dân phát triển sản xuất và chăn nuôi; Hỗ trợ phát triển về y tế và giáo dục. Hỗ trợ phát triển hạ tầng và cung cấp giải pháp VT-CNTT” -Thiếu tướng Hoàng Công Vĩnh chia sẻ.

Nguyễn Lan