Chúng tôi cưới nhau khi chỉ mới quen được 2 tháng. 8 tháng sau thì vợ tôi sinh ra một cậu con trai thật dễ thương, người thì nói giống ba, người thì nói giống mẹ. Không chỉ riêng tôi mà cả gia đình tôi ai cũng chúc mừng chúng tôi. Tôi rất hạnh phúc vì điều đó và không mảy may nghĩ gì đến chuyện khác.

Thời gian gần đây, vợ chồng tôi có nhiều bất đồng trong cuộc sống, kể cả đời sống vợ chồng. Lúc đầu tôi cũng rất khó chịu nhưng sau đó cũng nghĩ vì áp lực công việc của cô ấy nên cũng nguôi ngoai. Tuy nhiên càng ngày tình cảm vợ chồng càng nhạt tôi không thể nói chuyện được với cô ấy vì cô ấy không tôn trọng tôi.

{keywords}
Ảnh minh họa

Chúng tôi cãi vã nhau và thậm chí cô ấy đòi ngủ riêng. Sau một lần to tiếng cô ấy đã nói thẳng thằng con bây giờ không phải là con tôi mà là kết quả của mối tình trước. Tôi rất đau lòng về chuyện này, chúng tôi đã tính tới chuyện ly hôn. Vợ tôi đòi bắt đứa con đó đi và nói tôi không có quyền thăm nuôi.

Tôi chưa biết thực hư nhưng dù thế nào tôi cũng không bỏ con. Tôi đã thật thương con. Nếu đúng đó không phải con tôi thì tôi có được quyền nuôi con không? Không lẽ bao năm nay tôi nuôi con giờ lại trắng tay? Xin luật sư tư vấn giúp tôi.

Trả lời:

Có thể tóm tắt lại việc của bạn như sau: vợ bạn tuyên bố đứa con sinh ra 8 tháng sau khi cưới không phải là con của bạn mà là của mối tình trước và đòi ly hôn, đưa con đi, không cho phép bạn thăm nuôi. Bạn muốn xác định mình có quyền nuôi con hay không.

a. Về việc xác định con

Trong trường hợp của bạn có thể xác định con của bạn là con chung trong thời kì hôn nhân của hai người. Kể cả sau khi hai vợ chồng bạn ly hôn thì con sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm ly hôn vẫn được coi là con chung của vợ chồng bạn.

Vấn đề này được quy định chi tiết tại Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 như sau:

Điều 88. Xác định cha, mẹ

1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.

Theo đó, Mục 5 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 về việc xác định cha, mẹ (vẫn còn hiệu lực) có quy định:

b. Theo quy định tại khoản 2 Điều 63 và Điều 64, khi có người yêu cầu Toà án xác định một người nào đó là con của họ hay không phải là con của họ thì phải có chứng cứ; do đó về nguyên tắc người có yêu cầu phải cung cấp chứng cứ. Trong trường hợp cần thiết thì phải giám định gien. Người có yêu cầu giám định gien phải nộp lệ phí giám định gien.

Như vậy vợ bạn nếu muốn xác định là con riêng để ngăn cản các quyền tương ứng của Cha sau ly hôn thì phải chứng minh và phải cung cấp chứng cứ khi vụ kiện ly hôn của 2 người xảy ra ở Tòa án.

b. Về việc nuôi con sau ly hôn

Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn được quy định chi tiết tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, cụ thể:

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Như vậy, việc nuôi con sau ly hôn có thể do bạn và vợ bạn thỏa thuận, trong trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án giao cho một trong hai bên trực tiếp nuôi. Nếu con bạn từ đủ 07 tuổi trở lên thì căn cứ theo nguyện vọng của cháu sẽ ở với bố hoặc mẹ. Còn nếu con bạn dưới 36 tháng tuổi thì sẽ giao cho vợ bạn trực tiếp nuôi, trừ trường hợp vợ bạn không đủ điều kiện.

Ngoài ra, kể cả khi Tòa quyết định giao con cho vợ bạn nuôi bạn vẫn có quyền thăm nom, chăm sóc, giáo dục con bạn.

Tư vấn bởi luật sư Nguyễn Thành Công - Công ty Đông Phương Luật, ĐLS TP.HCM

(Theo Tienphong.vn)