Có một câu nói nổi tiếng: "Đối với trẻ con, điều quan trọng hơn tất cả là các cha mẹ cần phải tự tạo ra một môi trường tốt đẹp, bởi lẽ đó là ấn tượng đầu tiên của con trẻ". Một số những người trẻ ở Việt Nam đã và đang lớn lên trong một môi trường như thế nào? PV VietNamNet đã trò chuyện với một số bạn trẻ về vấn đề này


"Đồng tiền đang khiến con người xa nhau hơn"

{keywords}
Anh Nguyễn Thi Giang (bên trái), nhân viên văn phòng Công ty TNHH Sơn Eason Urai (Sóc Sơn, Hà Nội).

Hồi bé, khi nhận được những đồng tiền lì xì của họ hàng, Thi Giang (nhân viên văn phòng Công ty TNHH Sơn Eason Urai (Sóc Sơn, Hà Nội) mừng rỡ cho rằng Tết là dịp kiếm tiền của mình: “Con sắp được lĩnh lương giống bố mẹ rồi”. Đến khi bước vào đại học, phải tự kiếm tiền, anh mới nhận ra: “Đồng tiền phải đổ mồ hôi và nước mắt mới có được”.

Nhưng cũng từ lúc đó, anh mới nhận ra đồng tiền đã khiến con người trở nên xa nhau hơn. Trong một lần về quê, Giang nghe bà ngoại nói chuyện với một người hàng xóm về chuyện đi thăm một người bà con xa bị ốm: “Giờ chỉ phong bì thôi. Cân đường, hộp sữa làm gì cho nặng nhọc. Cứ phong bì đưa cho nhẹ."

Giang nhớ lại ngày bé, bà ngoại tính toán, chi li với mẹ từng đồng một. Có lần, bà ngoại còn kẹp tờ giấy 2.000 đồng vào mẩu giấy rồi đưa cho mẹ, trên mẩu giấy có ghi to dòng chữ “Tiền thừa đi chợ: 2.000 đồng”. Bà ngoại đi thăm mẹ sinh em bé cho mẹ tiền bồi dưỡng mà còn cho vào phong bì, trịnh trọng khoe khắp bệnh viện: “Nó đẻ, tôi cũng cho nó 400.000 đồng đấy các bà ạ”.

Lần khác, bà mệt, bà muốn mua một vỉ thuốc, bà rao thưởng cho mấy đứa nhỏ trong nhà: “Đứa nào đi mua thuốc cho bà, bà cho 10.000 đồng”. Thấy thế, Tâm và Thanh, hai em họ sinh đôi của anh nhao nhao: “Bà ơi, hôm nay cháu đi mua thuốc cho bà, bà cho cháu tiền mua đồ chơi bà nhé”.

Con ích kỉ và không tự nhận lỗi sai về mình từ nhỏ

Nhà người hàng xóm sát vách nhà anh Nguyễn Thi Giang, cứ mỗi lần cho trẻ nhỏ ăn là lại quát tháo, ầm mĩ cả một con ngõ. Vợ chồng quát tháo lẫn nhau vì chuyện làm ăn không thuận lợi, “giận cá chém thớt”, nhiều khi còn quát tháo cả ông bà (bố mẹ đẻ mình): “Bà cho nó uống nước đá lắm vào rồi nó viêm họng, ăn vào lại trớ ra, giờ ai là người khổ đây?”

Mỗi lần như thế, chị vợ lại dỗ ngọt con: “A to nào con, con ăn hết đi không anh A, bạn B hàng xóm ăn hết bây giờ”.

Anh Giang kể, khi trẻ vấp ngã, những lời nói quen thuộc hàng ngày mà các bà, các mẹ trông bé tôi thường nghe thấy đầu tiên là đánh chừa cái đất, hay đổ tội cho ai đó làm bé vấp ngã.. Đứa bé đã dần lớn lên với suy nghĩ không biết đúng – sai và không chấp nhận cái sai.

“Những bất công trong gia đình khiến em đổ vỡ”

“Tao tát chết m* mày bây giờ. Con cái gì mà chưa nói hết câu đã cãi nhem nhẻm. Mày chưa đến tuổi để nói trong cái gia đình này!”, em Trần Thu Hà (lớp 7, Trường THCS Hàn Thuyên, Nam Định) vẫn cảm thấy ám ảnh bởi những lời quát nạt của cha mẹ mỗi khi em muốn bày tỏ suy nghĩ của mình trong bữa cơm quây quần.

Em vùng vằng chạy khỏi bàn ăn, quăng quật những chiếc chậu ngoài bể nước. Em lỡ tay đập vỡ cái chậu nhựa, đúng lúc mẹ em chạy xuống. Em nhận một cái tát trời giáng của mẹ. “Cút đi cho khuất mắt tao. Đừng có hỗn. Để tao trông thấy một lần nữa thì liệu hồn. Con với cái. Chỉ giỏi phá hoại”.

{keywords}
“Bố và các cô, các bác cứ hét vào mặt bà, em thấy đau lòng lắm” - ảnh minh họa 

Bố em thấy vậy lại “đổ thêm dầu vào lửa”: “Đập chết m* nó đi, nhìn em Bin mà xem, nó có cãi bao giờ đâu. Nó khôn hơn mày nhiều”.

“Lúc đó, em biết mình đã sai, em cảm thấy đau khi ngón chân của mình rớm máu khi đá vào những chậu nước. Nhưng cái tát của mẹ khiến em chỉ muốn làm người câm trong nhà. Từ đó, em không nói chuyện với bố mẹ về bất cứ điều gì, và bố mẹ cũng tuyệt nhiên không hỏi. Em thấy cô độc trong chính căn nhà của mình, thật may, em có chiếc máy tính làm bạn, em có thể viết status, chat để chia sẻ với những người hiểu em”.

Em chỉ muốn nói ra suy nghĩ của mình, nhưng bố mẹ lại không muốn nghe, cho rằng em lý sự và chống đối.

Điều em thấy ấm ức nhất là việc cha mẹ đối xử thiếu công bằng giữa hai chị em. Em là chị cả trong gia đình, nhưng lại luôn bị mang ra so sánh: “Em Bin học thông minh hơn chị nhiều, ngoan không bao giờ cãi bố mẹ”.

 “Bố và các cô, các bác cứ hét vào mặt bà, em thấy đau lòng lắm”

Em Nguyễn Thị Huyền (học sinh lớp 7, trường THCS Nam Vân, xã Nam Vân, ngoại thành Nam Định) kể, gia đình em sống cùng bà nội. Bà nội em giờ đã già yếu. Bà lại nghễnh ngãng nên việc nghe điện thoại hay nghe người khác nói chuyện đều rất khó khăn. Các bác và cô chú đã bàn nhau mua máy trợ thính cho bà. Tuy nhiên, bà lại không thường xuyên dùng máy trợ thính, do không quen, nên việc nói chuyện với bà vẫn rất khó khăn.

Khó chịu vì nói mãi mà bà không nghe thấy, bố Huyền hét to như quát: “Bà đeo máy (trợ thính) vào! Nghe rõ chưa?” hay “Cái phích nước bà để ở đâu?”…. Rồi những lần sau, bố và các bác đều dùng tiếng quát, tiếng hét để gọi bà. Mỗi lần nghe thấy tiếng của các con, bà lại rúm ró, cố gắng lắng nghe, rồi lại lủi thủi đi vào nhà. “Em đau lòng lắm, bà mỗi ngày một già yếu, bố và các bác không nên đối xử với bà như thế”.

Huyền kể thêm: nhà bà Thìn, hàng xóm sát vách nhà em là một đại gia đình ba thế hệ. Bà Thìn sinh được ba người con trai, đến khi con cái lập gia đình thì bà chia đất, xây thành 3 ngôi nhà cho 3 người con trai và hiện tại, bà đang sống với gia đình người con trai út. Hàng xóm thương bà Thìn vất vả: “Vóc người nhỏ thó, chỉ bằng đứa trẻ con cấp 2, mà ngày ngày phải cơm nước đi chợ, lại phải gồng gánh cháu đi học trên chiếc xe đạp cũ kĩ. Thật tội nghiệp”.

Nhiều lần, bà sang nhà Huyền khóc: “Không nấu cơm cho con thì vợ chồng nó đuổi ra ngoài lâu rồi. Cơm không ngon thì nó vùng vằng, bỏ bữa, rồi lại viện đủ cớ tiền ăn tôi chưa nộp đủ để đuổi tôi ra khỏi nhà. Nhưng không ở đây thì còn biết về đâu?”

Có lần, Huyền chứng kiến cảnh bà Thìn bị chú út đánh đến bị thương, phải nhập viện, nguyên nhân chỉ vì bà can hai con trai của mình: “Thằng út và thằng cả không ưa nhau, lời qua tiếng lại, tôi can thì nó đánh cả tôi. Tôi không đành lòng để các con vác giáo đâm nhau”, bà Thìn thở dài.

Huyền kể, vợ chồng nhà bác cả, con trai bà Thìn cũng lục đục, chồng đánh vợ trước xóm giềng, rồi chửi rủa thậm tệ. Mỗi lần “có biến”, hai đứa con nhà bác cả lại sà vào lòng bà Thìn, ba bà cháu lại nép vào góc tường, đợi mọi chuyện qua đi.

"Đánh lại nó cho mẹ"

Hà Anh, học sinh lớp 7, một trường THCS ở Hà Nội kể chuyện, một lần đi ăn phở thấy bàn bên cạnh có 2 người mẹ đem theo 2 đứa con đang học mẫu giáo. Họ vừa ăn vừa văng tục. Đến khi đứa bé bên cạnh kể chuyện bị bạn đánh, một bà mẹ nói:" Từ sau nó đánh con thì con tát lại nó cho mẹ". Nhiều lần khác, Hà Anh nghe bố mẹ nói chuyện với anh trai:" Mày phải chịu khó "quan hệ" vào mới được lên chức phó phòng. Chả chịu rượu bia, tennis thế này thì ai người ta chú ý đến". Anh của Hà Anh vừa học thạc sĩ ở nước ngoài về, từng học giỏi có tiếng trong trường.

Đỗ Dung

 

Bạn đã và đang lớn lên trong một môi trường, hoàn cảnh sống như thế nào? Mọi câu chuyện xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây hoặc email bandoisong@vietnamnet.vn! Xin chân thành cảm ơn!