Không biết ngoại ngữ vẫn đi du lịch một mình

Bà Trần Thị Bí, 75 tuổi, trước đây là y tá ở thành phố Pleiku, Gia Lai. Từ lúc nghỉ hưu, bà thường đi du lịch một mình các nước, Mỹ, Úc, Singapore, Thái Lan… ‘Các con cháu tôi nói, ngày trẻ, mẹ khổ nhiều rồi, nghỉ hưu thì cứ đi du lịch cho thoải mái, biết được nhiều nơi’, bà Bí nói. 

{keywords}
Với chiếc ipad cầm tay, bà Bí đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Tú Anh.

Bà Bí không biết ngoại ngữ. Các con bà mua cho mẹ một chiếc ipad, cài phần mềm dịch ngoại ngữ trong máy và hướng dẫn cho mẹ cách dùng. Họ dặn mẹ, đi đến đâu, cứ mở phần mềm lên rồi viết hoặc nói trong máy rồi đưa cho người đang nghe. Cư như thế, 15 năm qua, bà Bí mỗi năm xách vali đi du lịch nước ngoài 2-3 lần, dù không biết tiếng Anh.

‘Đi đến sân bay, các khu du lịch, tôi được nhân viên hàng không, hướng dẫn viên giúp đỡ. Đi đến nước nào cũng vậy, câu đầu tiên tôi nói là: ‘Tôi không biết tiếng Anh, xin được giúp đỡ. Hay khi tôi nhắn tin cho ai, ăn gì, mua gì… cũng viết ra đưa cho người ta’, cụ bà sinh năm 1945 kể.

{keywords}
Bà Bí thấy may mắn khi được trở về nước. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Đầu tháng 12/2019, bà Bí đi du lịch Mỹ một mình lần hai. ‘Tôi có mấy người bạn bên đó nên qua để vừa đi chơi, vừa thăm họ. Tôi cũng ăn Tết bên đó luôn’ cựu y tá kể. Lúc đó, virus corona bắt đầu bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc. Cụ bà dự định, khi dịch bệnh được dập tắt sẽ bay về lại với các con cháu.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 2, dịch bệnh bắt đầu lây lan nhanh ở Mỹ. Nơi bà Bí đến du lịch là tâm dịch của đất nước này. Đã có rất nhiều người Việt đang sinh sống, làm việc, học tập ở đây hành hương về nước.

{keywords}
Đến nay, khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM đã có hơn 4000 người cách ly đủ điều kiện để về nhà. Hiện nơi đây còn hơn 2000 người đang thực hiện việc cách ly. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Ngày 17/3, bà Bí cũng lên máy bay về nước. ‘Theo dõi tin tức, tôi thấy, Việt Nam mình kiểm soát dịch rất tốt bằng biện pháp cách ly. Khi đặt vé về, tôi xác định, mình sẽ đi cách ly’, cụ bà khẳng định.

Ngày 18/3, bà về đến sân bay Tân Sơn Nhất và được đưa đi cách ly ở ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM. ‘Vào đến khu cách ly, tôi thấy rất may mắn và an toàn. Nếu còn ở Mỹ, không biết bây giờ tôi có chiến thắng với con virus corona không’, cụ bà kể lại.

Dặn con cháu, không được tiếp tế

Ở khu cách ly, bà Bí được sắp xếp ở chung với 3 cụ bà nữa, một cụ 80 tuổi, hai cụ còn lại 70 và 75 tuổi. Các bà đều là những người trở về từ đất nước có dịch.

{keywords}
Trung tâm cách ly bố trí xe đưa người cách ly về nhà. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Những ngày đầu, các con, cháu bà Bí sợ bà thiếu thốn nên thay phiên nhau gọi điện, hỏi: ‘Mẹ cần gì không, chúng con gửi vào’. Nghe con nói vậy, cụ bà xua tay: ‘Các con hãy ở nhà. Đang dịch bệnh, ra đường không biết ai bệnh ai không đâu. Ở trong này, mẹ có mẹ có đủ hết rồi’.

Bà Bí cho biết, sống trong khu cách ly, bà thấy thoải mái, được bộ đội, y bác sĩ quan tâm, phục vụ tận tình. ‘Mang đồ ăn đến, các cháu mời rất lễ phép. Ngày vài ba lần, các cháu bộ đội ghé phòng hỏi các bà có cần gì để cháu giúp.

Lúc đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe các cô điều dưỡng, bác sĩ nhẹ nhàng, tận tình, còn nói, các bà gắng lên, cần gì cứ báo với chúng cháu. Còn đồ ăn thì đủ chất dinh dưỡng, ăn ngon miệng’, bà Bí nói về lực lượng tham gia phòng chống dịch trong khu cách ly.

Bà cũng cho biết, vì kỹ tính, bà thường xuyên rửa tay, vệ sinh sạch sẽ, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác. Mỗi ngày, bà dậy sớm ra sân tập thể dục. Tối đến ra ngoài hóng mát, đi dạo một vài vòng. Bà cũng uống vitamin mỗi ngày, ăn uống đầy đủ để tăng cường sức đề kháng.

Sáng ngày 4/4, bà Bí được bộ đội phụ giúp mang đồ ra sân nhận giấy chứng nhận đủ điều kiện cách cách ly và sức khỏe để về nhà. Ngồi chờ cháu đến đón, bà Bí cho biết, 17 ngày sống trong khu cách ly bà thấy vô cùng thoải mái như đang đi du lịch. 

{keywords}
Anh bộ đội bê thùng đồ ra xe giúp người cách ly. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

'Phải cách ly 17 ngày, nhưng nếu hơn nữa, tôi vẫn thích. Đi cách ly là mình được bảo vệ sức khỏe cho mình, gia đình và cộng đồng', bà Bí nói. Bà cũng cho biết, khi hết dịch bệnh, nếu còn khỏe bà vẫn tiếp tục một mình xách vali đi Hàn Quốc, Nhật, Anh, Pháp... để khám phá thế giới.

Thượng tá Võ Văn Thọ - Phó ban chỉ đạo Trung tâm cách ly Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, đến nay, Trung tâm đã có hơn 4000 người cách ly đủ điều kiện trở về nhà. Họ được Trung tâm chuẩn bị phương tiện gồm xe buýt, xe khách để về lại gia đình. Đối với người cư trú tại các quận, huyện của Thành phố sẽ có xe vận chuyển về địa điểm cố định do quận, huyện bố trí để người nhà đón về.

Phút nhẫn nại của anh bộ đội trước hành xử nóng nảy của người cách ly

Phút nhẫn nại của anh bộ đội trước hành xử nóng nảy của người cách ly

Mang đồ tiếp tế đến, nhiều người muốn đồ của họ phải được ưu tiên trước, không được thì lớn tiếng mắng mỏ. Dù thế, anh Thi và các đồng đội vẫn nhẫn nại để tiếp tục công việc.  

Tú Anh - Trương Thanh Tùng