{keywords}
 

Yêu con quá mức là đang hại con, hại mình

Anh Huấn ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) nổi tiếng trong khu chung cư chỗ anh ở là quá yêu chiều con. Anh có hai đứa con trai. Đứa con trai đầu lòng của anh sinh ra khi vợ chồng anh còn nghèo khó. Lúc đó anh chưa có điều kiện tài chính và thời gian dư dả như bây giờ. Mặc dù bận rộn kiếm tiền nhưng mỗi khi ở gần con, anh luôn chiều con hết cỡ. Tôi được nghe vợ anh kể rằng, ngay cả khi con trai anh đã học lên cấp 3, anh vẫn còn đi tất cho con.

Sau 15 năm, vợ chồng anh Huấn sinh thêm đứa con thứ hai. Lúc này kinh tế của gia đình anh Huấn đã của ăn của để. Họ sở hữu nhiều nhà đất. Hai vợ chồng mỗi người một chiếc ô tô. Đứa con lớn đi du học ở Anh.

Sinh đứa con thứ hai khi hai vơ chồng cũng khá lớn tuổi. Vốn tính đã chiều con, giờ lại có điều kiện kinh tế tốt, anh Huấn càng chiều con hơn. Không chỉ anh chiều con mà cả giúp việc cũng luôn phải theo ý con anh.

Anh Huấn chiều con theo cách, con anh muốn gì anh liền đáp ứng ngay. Bé xem ti vi mà thấy có một chiếc ô tô nào mới, con anh chỉ cần nói là con muốn có ô tô đó là anh đồng ý ngay. Đôi khi đang ngủ, bị con mè nheo đòi mua cái gì đó, anh Huấn cáu nhặng lên một lúc. Nhưng thấy con khóc, tỉnh dậy anh lại dỗ dành và đáp ứng mọi đòi hỏi của con.

Anh Huấn có điểm yếu là khá nóng tính, thiếu kiên nhẫn, sợ con khóc nên dường như con anh nắm được điểm yếu này của bố. Cứ mỗi lần đòi gì đó không được, hay ai đó làm bé trái ý là cháu lại khóc um lên. Và ngay lập tức đòi hỏi của cháu lại được đáp ứng. Những người giúp việc chăm sóc con trai anh Huấn, vì họ muốn cho xong việc, không muốn bị chủ chê trách nên họ cũng ra sức chiều cháu bé, ra sức đáp ứng mọi đòi hỏi không cần biết đúng hay sai. Chính vì lẽ đó mà ngay cả bây giờ, khi đã lên 8 tuổi nhưng con trai anh đi đâu, anh luôn kèm theo giúp việc để phục vụ con mọi việc. Thậm chí đến bữa, người giúp việc vẫn phải bón cơm cho cháu ăn.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài tư vấn tâm lý tình cảm 1088, thực tế trong cuộc sống có hai khuynh hướng yêu con từ các bậc cha mẹ. Một là, quá nghiêm khắc và hổ báo với con khiến chúng trở nên sợ hãi, nhút nhát và tự ti. Thứ hai là, quá yêu con, cưng nựng và đáp ứng mọi nhu cầu mà trẻ muốn.

Do đó, cha mẹ chiều con cái quá mức thì dễ khiến con hư hỏng. Rất nhiều những bi kịch gia đình xảy ra từ việc cha mẹ không biết từ chối yêu cầu vô lý của con. Điều này dẫn đến con cái hư hỏng, ra ngoài không biết lễ phép với người xung quanh.

Theo các chuyên gia tâm lý, không nuông chiều con có nghĩa là phải nghiêm khắc một cách cứng nhắc. Khi muốn thể hiện sự không đồng ý với yêu cầu của trẻ, chúng ta cũng không cần tỏ thái độ cấm thẳng thừng. Hãy để cho trẻ tự đấu tranh, tự học tập kinh nghiệm, rồi hướng dẫn chúng xử lý, tập kìm chế những ham muốn của mình. Tập cho trẻ có tính độc lập, không ỷ lại vào người lớn là điều mà cha mẹ nên làm. Nhưng tính độc lập này phải có chừng mực, vì độc lập đến mức ích kỷ thì sẽ… nguy, chính trẻ khi lớn lên sẽ tách biệt khỏi mọi người, thậm chí có thể trở nên vô cảm.

Cha mẹ đang nuông chiều con thái quá

Để giúp các bậc phụ huynh nhận ra việc yêu con của mình có đúng cách hay không, các chuyên gia chỉ ra 5 dấu hiệu đáng lưu ý sau đây.

Dễ dàng đáp ứng: Trẻ đòi gì đều được cái đó. Những đứa trẻ được yêu chiều như vậy tất nhiên sẽ hình thành nên một tính cách hư đó là không trân trọng vật phẩm, chú trọng hưởng thụ vật chất, lãng phí tiền bạc và không biết quan tâm đến người khác, thậm chí còn không có tinh thần nhẫn nại và chịu khổ.

Thay con làm hết việc: Nhiều bà mẹ vì sợ con làm hỏng, làm bẩn mà tặc lưỡi… thôi thì để mình làm cho nhanh. Vì vậy, trẻ em 4-5 tuổi còn phải đút cho ăn, không biết mặc quần áo, trẻ 5-6 tuổi không biết làm bất cứ việc nhà nào…Việc nuông chiều con quá mức sẽ khiến trẻ ỷ lại, không biết giá trị của lao động và không biết cách tự lập trong cuộc sống sau này. Tất nhiên, bạn cũng không nên giao cho con những việc quá phức tạp so với tuổi của bé, nhưng ít nhất hãy để bé tự làm những việc có thể phù hợp với độ tuổi của mình.

Sợ khi thấy trẻ khóc đòi ăn vạ: Do từ bé trẻ đã được đáp ứng theo yêu cầu nên khi gặp phải chuyện không hài lòng, trẻ bèn khóc đòi, nằm đất ăn vạ, không ăn cơm để "đe dọa" bố mẹ. Các ông bố bà mẹ yêu chiều trẻ chỉ còn cách dỗ dành, năn nỉ, nịnh nọt, đầu hàng, nghe theo để trẻ chịu ăn. Nếu bạn tiếp tục "xuống nước" và chiều theo ý trẻ, thói quen này sẽ thường xuyên được hình thành mỗi khi trẻ muốn điều gì đó. Việc bạn chiều theo ý của trẻ nhiều lần sẽ biến trẻ thành một con người "muốn gì, được nấy" sinh hư. Cách tốt nhất là bạn nên cân nhắc và tỏ ra cứng rắn trước những "yêu sách" của trẻ.

Trẻ luôn có "lá chắn bảo vệ": Việc này xuất phát từ việc quan điểm nuôi dạy trẻ không được thống nhất. Ví dụ: "Trong lúc bố dạy con thì mẹ lại nuông chiều, che chở: đó là, không nên quá nghiêm khắc, con còn quá bé". Khi bố mẹ dạy con thì ông, bà lại can thiệp: "Nó còn bé, biết gì, lại đây bà thương!..

Những đứa trẻ sống trong không khí và môi trường như thế này đương nhiên là dạy không nổi, bởi vì trẻ hoàn toàn không có quan niệm đúng sai. Đồng thời lúc nào cũng trốn trong "cái ô bảo vệ" và hậu quả là trẻ luôn là nguyên nhân gây bất hòa trong gia đình.

Nịnh nọt, hối lộ con: Nếu bạn phải ninh nọt, hối lộ con bằng tiền, đồ chơi, hay các món quà để bé thực hiện các hoạt động sống hàng ngày như học bài, thu dọn đồ đạc, đó là dấu hiện bạn đang chiều con quá. Nếu bạn có thói quen cho bé kẹo bánh, đồ chơi kèm theo lời ngọt ngào để mong bé chấm dứt một hành vi xấu như "Con đi rửa tay rồi mẹ mua bánh cho con ăn" thì đó là nuông chiều.

Bà mẹ kể chuyện nuôi dạy con ở đất nước 'không học gì phức tạp'

Bà mẹ kể chuyện nuôi dạy con ở đất nước 'không học gì phức tạp'

Cụm từ cửa miệng của các phụ huynh ở đây là ‘Chẳng sao đâu’.

Theo Gia đình & Xã hội