Ngôi làng của các nghệ nhân thêu long bào

Ông Vũ Văn Giỏi (SN 1969) ở Đông Cứu, Dũng Tiến, Thường Tín, Hà Nội. Nơi đây có nghề thêu - may trang phục lễ hội, quần áo tế lễ, trang phục cung đình và khăn chầu áo ngự…

{keywords}
Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi.

Thời phong kiến, những nghệ nhân giỏi của làng được gọi đến tập trung tại một chỗ gần cung đình, gọi là phường thêu.

Những thợ này chuyên thêu các loại vải vóc phục vụ may quần áo cho vua chúa, hoàng hậu, quý phi… vào các dịp trọng đại. Họ không được trả lương nhưng sẽ được miễn sưu thuế trong vài năm.

Giai đoạn chiến tranh, nghề thêu bị chững, không còn ai làm nghề nhưng gia đình ông Giỏi vẫn làm đồ diễn cho các đoàn cải lương, đoàn chèo...

Cuối thập niên 80 - đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, làng nghề thêu Đông Cứu bắt đầu hồi sinh. Giai đoạn này ông Giỏi hợp tác với Xưởng phim truyện Việt Nam, thiết kế và may trang phục cho một số bộ phim cổ trang dã sử.

Ông Giỏi tiết lộ, một số đồ ông thêu được sử dụng trong bộ phim Đêm Hội Long Trì. Gầy đây nhất, năm 2012, ông tham gia làm trang phục cho bộ phim Thiên Mệnh Anh Hùng của đạo diễn Victor Vũ.

Phục dựng long bào 

Xuất phát từ đam mê, đau đáu muốn nâng tầm giá trị nghề cổ, ông Giỏi đã dành nhiều năm nghiên cứu và phục chế thành công 30 bộ trang phục cung đình cổ. Bao gồm: Long bào, trang phục của Từ cung thái hậu, quý phi, áo dài công chúa…

Trong đó có trang phục của vua Khải Định và long bào vua Bảo Đại, số tiền phục chế mỗi chiếc ước tính lên đến hàng tỷ đồng. 

"Những trang phục tôi phục chế không thể đong đếm được bằng tiền, vì giá trị về nghệ thuật và văn hóa rất lớn. Tôi đã bỏ nhiều tiền để phục chế nhưng chưa bao giờ mang giá trị tiền bạc để đánh giá", ông Giỏi khẳng định.

{keywords}
Long bào vua nhà Nguyễn được ông Giỏi trưng bày giữa phòng khách. 

Long bào vua Bảo Đại được nghệ nhân Giỏi cùng 8 thợ thực hiện thủ công từ tháng 7/1998 đến tháng 12/1999. Áo được thực hiện hết 14m vải.

Vải thêu áo được dệt bằng 8kg sợi tơ tằm. Vải lót trong dệt mỏng kiểu dệt lụa. Chỉ thêu bằng sợi tằm se hai chiều, nhuộm màu bằng thảo mộc để được màu tự nhiên theo sắc trầm như áo xưa.

Sợi kim tuyến vàng, kim xa, khuy áo làm bằng đồng mạ vàng, cườm, ngọc trai làm mắt rồng. Đặc biệt, trên mỗi chiếc long bào có một tỉ lệ vàng nhất định.

Chỉ vàng thường dùng để thêu trên thân áo. Người ta dát vàng mỏng, dán vào vải rồi dùng công nghệ đặc biệt, kéo thành sợi chỉ thêu áo bào. Những chiếc áo thêu bằng chỉ vàng có độ bền vượt thời gian, cả trăm năm cũng không bay màu hay hỏng áo.

Chiếc long bào triều Nguyễn nặng khoảng 6kg, riêng vàng đính lên khoảng 1kg. Ông Giỏi tâm sự, nếu phục chế giống hệt áo vua ngày xưa sẽ không đủ vàng để làm nên ông chỉ điểm vàng lên một số phụ kiện. 

{keywords}
Trang phục cung đình do ông Giỏi phục chế.

Chiếc áo đầu tiên ông phục dựng là trang phục của Hoàng tử, được làm trong 4 năm, từ 1993 - 1998.

Trước khi phục dựng được chiếc áo hoàn thiện ông làm hỏng đến 20 chiếc áo khác. Để phục dựng được chiếc áo này, ông Giỏi còn có sự hỗ trợ của ekip 30 người, bao gồm cả người cô ruột và các cháu thanh thiếu niên từ 10 - 20 tuổi.

Tuy vậy, những công đoạn quan trọng, ông trực tiếp làm, để sản phẩm thật sự có hồn. Ví dụ, nhìn rồng thêu phải toát lên được sự uy nghiêm, sống động.

“Công việc phục dựng không phải ai cũng muốn làm vì đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và tiền bạc”, ông Giỏi nhấn mạnh.

Nguyên liệu vải may trang phục cung đình hoàn toàn từ lụa và gấm, theo đúng chất liệu xưa.

{keywords}
Các trang phục được ông Giỏi trưng bày trong tủ kính. 

Người hợp tác cùng ông Giỏi khi đó đã mang một mẫu vải trong bảo tàng sang Pháp nhờ phân tích chất liệu. Các chuyên gia tiến hành đếm sợi vải và cho biết, vải được dệt khá cầu kỳ, tám sợi chỉ chập lại để dệt.

Ông Giỏi về Hà Đông tìm nghệ nhân đặt dệt và được cụ Trịnh Văn Mão nhận lời.

Vải đã tìm được nhưng ông Giỏi gặp khó khăn về nhuộm màu, nhuộm chỉ. Ông mang vải đến hàng chục cơ sở sản xuất nhờ nhuộm thử nhưng kết quả không như ý muốn.

Cuối cùng, ông nghĩ ra cách dùng thảo mộc nhuộm. Các loại thảo mộc dưới xuôi không đủ nên ông dùng 1 phần hóa chất nhuộm cơ bản, sau đó dùng thảo mộc để nâng tông hoặc hạ tông theo đúng ý.

Ví dụ, vải được nhuộm vàng nhưng chói quá, ông dùng thảo mộc hạ cho màu sắc trầm hơn.

“Công đoạn nhuộm màu tôi đi khắp nơi tìm tòi. Khi nản quá, tôi xuống nhà người quen làm nghề nhuộm vải dưới Nha Xá (Hà Nam) chơi ở đó 1 ngày. Thấy tôi lăn lộn với nghề, họ hướng dẫn tôi cách nhuộm”, ông Giỏi nhớ lại.

Từ đó, ông Giỏi nắm được kỹ thuật nhuộm. Ông mua thuốc rồi phối hợp với nước trà, nước bùn, nước tro nhuộm vải thành các màu sắc mình cần.

Ông chia sẻ, để có tài chính theo đuổi công việc này, ông làm thêu gia công quần áo cho các lễ hội. Đời sống phát triển, kinh tế gia đình ông cũng khấm khá hơn.

{keywords}
Tranh Tú nữ "cầm, kỳ, thi, họa" nghệ nhân Giỏi thêu.

Năm 1998, trang phục đầu tiên ông phục dựng thành công được mang đi triển lãm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ban đầu, triển lãm dự định 3 tuần nhưng sau kéo dài 3 tháng.

Suốt nhiều năm ông âm thầm làm, chỉ đến khi trang phục tham dự triển lãm, báo chí trong và ngoài nước mới bắt đầu biết đến.

Một chuyên gia đến từ hãng thời trang bên Pháp đã sang Việt Nam, tìm ông học cách thêu, ứng dụng vào sản phẩm túi xách…

Các trang phục của ông Giỏi liên tiếp được đưa đi dự sự kiện văn hóa tại các tỉnh, thành và tham dự Festival Huế.

Năm 2016, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” và được mời sang Ấn Độ dạy 3 tuần.

Vợ chồng ông Giỏi sinh được 3 người con, người con lớn hiện theo nghề thêu gia truyền. “Trong tương lai, khi con đã đạt độ chín về nghề, tôi sẽ mang kiến thức phục dựng long bào suốt 30 năm qua truyền lại cho con, để con thay mình tiếp tục nghiên cứu và thực hiện dự định còn dang dở”, ông nói.

Giếng cổ trăm tuổi nằm sát biển, quanh năm không cạn nước ở Quảng Ngãi

Giếng cổ trăm tuổi nằm sát biển, quanh năm không cạn nước ở Quảng Ngãi

Khi tất cả giếng nước trên đảo Lý Sơn đều nhiễm mặn, hoặc cạn trơ đáy thì giếng Xó La vẫn đầy ắp nước ngọt. Dù rằng, giếng nước này nằm sát mép biển.

Thái Minh