Nhớ lại thời kỳ bao cấp, nhà báo Nguyễn Lưu (SN 1943) - con trai GS. Nguyễn Xiển nói: ‘Cho đến bây giờ, đôi khi trong bữa cơm, tôi vẫn nói với các con cháu rằng, không hiểu sao dân tộc ta, trong đó có gia đình ta trải qua những ngày tháng khó khăn đến thế mà vẫn lạc quan, vẫn ca hát và cống hiến để sống được đến ngày đổi mới như hôm nay’.

{keywords}
Cảnh xếp hàng thời bao cấp. Ảnh: Tư liệu

Khái niệm ‘mất sổ gạo’ mà đến nay người ta vẫn còn sử dụng xuất phát từ thời bao cấp, để chỉ một sự mất mát lớn, là tiêu biểu cho nỗi đau thời ấy. ‘Mất sổ gạo’ nghĩa là chết đói.

‘Ngày ấy, mỗi gia đình được cấp 1 quyển sổ để in chỉ tiêu lượng thực phẩm được mua mỗi tháng. Để làm ra quyển số ấy cũng phải qua rất nhiều cửa’.

Ông Lưu còn nhớ, thời của ông mỗi cán bộ nhà nước được mua 13,5kg gạo, cán bộ cấp quản lý trở lên được 17,5kg, công nhân lao động nặng được 20,5kg, nhân dân chỉ có 10kg, trẻ con 4kg, nếu trẻ con đã đi học được 13kg.

‘Thời ấy, phải ăn cơm độn là chuyện bình thường, vì gạo không đủ. Thực phẩm độn có ngô, khoai, sắn, bánh mỳ, bo bo… Các thực phẩm khác ngoài gạo, chủ yếu là cá khô, đậu phụ, rau muống, đậu xanh, trứng… tùy thời điểm cửa hàng có cái gì thì bán cho nhân dân cái ấy. Riêng thịt, cá rất hiếm ngay cả ở gia đình tôi - một quan chức cao cấp’.

Mỗi tháng nhân dân chỉ được mua nửa lạng thịt, cán bộ quản lý được 5 lạng. Người lớn được 3 lạng đường, trẻ con 2,5 lạng, cán bộ công nhân, bộ đội được ưu tiên 5 lạng. Cán bộ nhà nước mới sinh con được 4 hộp sữa ông Thọ/ tháng. Nếu mẹ mất sữa hoàn toàn có chứng nhận thì được 8 hộp.

Chính vì thế, thời ấy có nhiều chuyện cười ra nước mắt, nhà báo Nguyễn Lưu nhớ lại. Ví dụ như có người viện cớ đau dạ dày để không phải ăn độn.

Chuyện ăn đã khổ, chuyện mặc cũng thiếu thốn không kém. ‘Cán bộ được 5 mét vải/ năm, trong đó có 2 mét simili, ngoài ra có satin, vải chéo. Nhân dân thì chỉ được mua loại xấu hơn là lụa đen và phin. Tôi nhớ dàn hợp xướng thanh niên thủ đô mà tôi là nhạc trưởng, một số người phải cắt giấy bìa, tô màu đen sì giả làm ca-vát lên biểu diễn’.

{keywords}
Trong dàn hợp xướng thanh niên thủ đô ngày đó, có những người phải cắt giấy bìa làm ca-vát. Ảnh: Nguyễn Lưu

Khi đang là sinh viên khoa Toán, trường ĐH Tổng hợp, ông Nguyễn Lưu có mấy tháng được gọi lên thi đấu cho đội tuyển bóng chuyền quốc gia, tập trung ở Nhổn. Bữa ăn cao cấp nhất ngày ấy là cơm hai đồng tư dành riêng cho vận động viên quốc gia. ‘Cơm có thịt cá đầy đủ. Thế là sang lắm rồi’.

‘Nhà tôi có 9 anh chị em, ngoài anh cả là liệt sĩ Điện Biên, ai cũng tốt nghiệp đại học, con nào về ăn cơm cùng bố mẹ cũng đều phải góp tem phiếu cho mẹ. Mặc dù bố tôi là quan chức cấp cao nhưng tiêu chuẩn cũng chỉ thêm thắt được chút ít, thịt thà rất ít khi có. Hôm nào được ăn một con cá to cũng đã là xa xỉ’ – ông kể.

‘Tôi còn nhớ mãi cạnh nhà tôi là gia đình anh cán bộ có 2 thằng con trai. Mỗi tháng chỉ được ăn thịt một lần. Mỗi lần có thịt là 2 thằng bé nhảy cẫng lên reo ‘hôm nay có thịt, hôm nay có thịt’. Tội lắm!’.

{keywords}
Thịt cá là những món ăn xa xỉ thời bao cấp. Ảnh: Tư liệu

Những năm còn giảng dạy ở trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ông và vợ con được ở trong nhà tập thể của trường. Căn phòng rộng 24m2 chia cho 2 gia đình, mỗi gia đình 12m2. Hai bên được phân cách nhau bằng cái liếp ở giữa. Phía trong cùng của căn phòng kê một cái giường cho hai vợ chồng và hai đứa con. Chiều rộng của phòng vừa khít cái giường nên giường của hai nhà nằm sát nhau. ‘Đêm nằm với vợ không dám động đậy. Động đậy là ông bên kia huých vào mình một cái’ – ông Lưu hài hước nhớ lại chuyện cũ.

Lại nói chuyện thiếu thốn thời bao cấp, ông Lưu kể: ‘Mỗi tháng, cả nhà được mua 5 lạng đường. Tháng nào cũng như tháng nào, bà vợ nấu một nồi chè đậu xanh, cả nhà ăn một lần cho thỏa thích. Ăn xong là hết đường, nhịn đến tháng sau mới được ăn tiếp’.

Tiết kiệm thực phẩm đã khổ, người dân lúc ấy còn phải nghĩ cách tiết kiệm củi lửa, dầu hỏa. ‘Ví dụ như nấu canh bí, khi gần chín, người ta tắt bếp đi, đậy vung kín, hi vọng nước nóng trong nồi âm ỉ để bí tự chín tiếp’.

Ông còn nhớ, có một món ăn bây giờ là bình dân nhưng ngày ấy là đặc sản, hiếm hoi lắm mới được ăn. Ấy là món bún.

‘Ngày ấy có nghề đổi bún. Thỉnh thoảng lại có một bà đổi bún rong đi rao ‘Ai mua bún đê’. 1 kg gạo đổi được 2-2,8kg bún tùy vào loại gạo nở hay không nở. Chỉ những dịp liên hoan, mọi người mới mang gạo đi đổi bún. Anh em tôi sau khi ra trường, mỗi người công tác một nơi, gặp nhau mừng rỡ, hôm nào sang thì rủ nhau đổi bún về ăn cũng là ngang với bây giờ mời nhau vào nhà hàng 4-5 sao’.

(Còn tiếp)

Căn phòng tân hôn đặc biệt trong khách sạn thời bao cấp

Căn phòng tân hôn đặc biệt trong khách sạn thời bao cấp

 Thời bao cấp, muốn thuê 1 phòng tân hôn, các cặp vợ chồng trẻ ở Hà Nội phải trải qua quy trình kiểm tra chặt chẽ của khách sạn.

Nguyễn Thảo – Ngọc Trang