Video: Con gái thứ ba của bà Chức thu âm bài viết về truyền thống văn hóa gia đình.

Năm 23 tuổi, bà Phạm Thị Chức (hiện 78 tuổi - Hoàn Kiếm, Hà Nội) về làm dâu gia đình ở khu phố cổ Hà Nội.

Bố mẹ chồng bà là cụ Nguyễn Như Mậu và Lương Thị Trình - cặp vợ chồng buôn lụa trên phố Hàng Ngang, từng tham gia nhiều chương trình ủng hộ Cách Mạng như: Tuần lễ vàng, mua vải may áo khoác mùa đông cho chiến sĩ, góp gạo làm từ thiện…

Cuộc sống làm dâu

Bà Chức kể, bố mẹ chồng bà buôn bán lụa. Những năm đầu thế kỷ 20, họ thường xuyên xuất khẩu hàng sang Lào, Campuchia, Ấn Độ. Gia cảnh thuộc hàng bề thế, có của ăn, của để.

Cửa hàng buôn lụa rộng hơn 200m2 của hai cụ nằm trên con phố giao thương sầm uất. Đây vừa là nơi ở của đại gia đình nhà cụ Mậu, vừa là nơi bán hàng.

Năm 1965, bà Chức về làm dâu, hai cụ không còn buôn lụa. Dẫu vậy, cuộc sống của họ vẫn khấm khá, có người giúp việc.

{keywords}
Bà Phạm Thị Chức.

“Trước khi cưới, tôi cũng lo lắng, trăn trở nhiều, không biết sau này ăn ở ra sao? Mẹ chồng có tâm lý không? Gia đình cụ giàu có, nề nếp từ xưa liệu cụ có khó tính với con dâu không?”, bà Chức nhớ lại.

Vậy nhưng, mọi trăn trở đều tan biến khi cụ Trình đón con dâu bằng vòng tay ấm áp và tình cảm thuần hậu.

Gia đình chồng bà Chức không mang nặng tư tưởng phong kiến, cổ hủ. Bà Chức là phận dâu con nhưng không phải vào bếp nấu nướng. Mọi việc cụ Trình giao người giúp việc lo liệu. Mãi sau này, khi kinh tế sa sút, bà Chức mới phải làm việc nhà.

Ngày đầu tiên, cụ Trình gọi bà Chức đến, căn dặn nếp sống, tính cách của từng thành viên. Nhờ vậy, bà Chức không bị bỡ ngỡ, lại dễ hòa nhịp với cuộc sống mới.

“Mẹ chồng tôi tính tình ôn hòa, được lòng mọi người. Với con dâu, cụ chưa bao giờ to tiếng, quở trách chuyện gì. Tuy nhiên, cụ thường dạy tôi, nói chuyện với người lớn phải kính cẩn, lễ phép, với người dưới không được cao giọng”, bà Chức nói.

Mặc dù sống đơn giản nhưng mẹ chồng bà Chức rất coi trọng bữa ăn. Bữa cơm nấu vừa đủ và được bày biện đẹp mắt.

Cụ coi bữa ăn là sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình. Đến bữa cơm, người lớn tuổi ngồi vào bàn, con cháu mới được ngồi.

“Mẹ chồng tôi kể, thời điểm khá giả nhất, cụ nuôi một đầu bếp riêng, có thể nấu được cả món Âu và Á, bữa cơm khá cầu kỳ nhưng khi khó khăn, cụ ăn món đơn giản cũng thấy ngon miệng. Cụ nói, đó là lối sống linh hoạt, thích nghi với mọi hoàn cảnh”, bà Chức chia sẻ.

Ngày bà Chức sinh con thứ 2, mẹ chồng quan tâm đến ăn uống, chăm sóc sau sinh. Cụ nhờ giúp việc nấu cho con dâu nhiều món ngon, bổ dưỡng.

“Cụ thương tôi sinh con không có chồng bên cạnh. Ông Tiến mới vào chiến trường, lúc ấy chẳng biết sống hay chết”, giọng bồi hồi, bà Chức kể tiếp.

Bà Chức chia sẻ thêm, mẹ chồng bà không chỉ quan tâm đến việc ăn uống, học hành của con cháu mà rất chú trọng đến đời sống tinh thần.

Ngày chồng bà Chức còn nhỏ, cụ cho học đàn violin. Vì cụ quan điểm, ngoài ăn mặc, mỗi người cần được bồi dưỡng về mặt tâm hồn, để hình thành nhân cách tốt.

Bốn thế hệ gìn giữ nếp nhà

Căn nhà cổ kính, mang đậm đặc trưng kiến trúc Hà Nội thời Pháp trên khu phố cổ từng là tiệm vải Phát Đạt một thời. Nay tiệm vải không còn nữa nhưng vẫn là mái ấm của các con cháu cụ Mậu và cụ Trình. Những năm cụ Trình còn khỏe mạnh, có 4 thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà.

{keywords}
Vợ chồng ông Tiến, bà Chức trong căn nhà lưu dấu thời gian.

Vợ chồng ông Tiến mang nếp sống của người Hà Nội xưa truyền lại cho con cháu. Thế hệ trước gìn giữ cho thế hệ sau, cứ thế mà tiếp nối.

Bốn người con của bà Chức đều trưởng thành, học được cách sống nhường nhịn. Vợ chồng bà quan niệm, cho con cái chữ chứ không cho tiền nên ngay từ nhỏ, các con của ông bà đều hăng say học tập.

Bà Chức cho biết thêm trong nhà mọi người không nói to tiếng, muốn ý kiến phải từ tốn thưa gửi…, các con, các cháu nhìn vào bố mẹ, ông bà mà học hỏi.

Người phụ nữ 78 tuổi thừa nhận, thời trẻ bà nóng tính, thẳng thắn. Tuy vậy, mẹ chồng nhắc nhở gì cũng "vâng, dạ", không tranh cãi. Nếu chưa hài lòng, bà lựa lúc mẹ chồng vui vẻ, mang chuyện đó ra phân tích cho cụ hiểu.

Hiện nay, ông Nguyễn Văn Tiến và bà Phạm Thị Chức ở cùng vợ chồng con trai út. Bà Chức cũng dùng tấm lòng của mình đối đãi với con dâu.

“Con dâu tôi làm bác sĩ, cháu là người hiểu chuyện, cũng trưởng thành qua nhiều năm công tác nên không có gì khiến tôi phật ý. Hai mẹ con có vấn đề gì, tôi hay nói thẳng, để giải tỏa khúc mắc.

Thời đại 4.0, mẹ chồng càng phải văn minh. Tôi có thú vui riêng, chơi Facebook, điện thoại, gặp bạn bè. Thời gian để vui vầy với con cháu, hưởng thụ cuộc sống, không nên săm soi, xét nét con làm gì”, bà Chức bộc bạch.

Giai nhân làng hoa và công tử phố cổ nên duyên từ tiếng vĩ cầm

Giai nhân làng hoa và công tử phố cổ nên duyên từ tiếng vĩ cầm

 Thuở ấy, tiếng đàn du dương, say đắm lòng người của chàng nhạc công khiến cô gái làng hoa Ngọc Hà cảm mến.

Diệu Bình