Guinness gia đình đông con nhất TPHCM chắc có lẽ thuộc về cặp vợ chồng tên Mai Thanh Tú (47 tuổi) và Trần Thị Uyên Phương (42 tuổi), ngụ tại một con hẻm trên đường Huỳnh Văn Bánh (P.17, Q. Phú Nhuận) với 11 đứa trẻ. Qua chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đã tiếp cận ngôi nhà đầy ắp tiếng cười nói con trẻ này.

Gian khổ nuôi con

Ngôi nhà của đám trẻ nằm sau hai con hẻm ngoằn ngoèo, nhỏ thó, ẩm thấp, tại địa chỉ 89/37A Huỳnh Văn Bánh, P.17, Q.Phú Nhuận. Rất may cho chúng tôi là anh Tú - ba đám nhỏ - mới đi làm về. Cuộc sống quá khó khăn với bầy con đông đảo buộc anh Tú phải làm việc suốt ngày đêm, ngay cả cái điện thoại cầm tay cũng không có. Anh Tú cho biết, anh kết hôn năm 1991 và ngay năm sau đã sinh cô con gái đầu lòng tên Mai Thanh Loan, rồi cứ thế đến nay sòn sòn năm một. Anh Tú và chị Phương có tất thảy 11 người con, cháu Loan, năm nay 25 tuổi, và cô em kế của Loan đã lập gia đình, ra ở riêng. Giờ anh Tú đang phải còng lưng nuôi 9 đứa nhỏ còn lại. Trong 9 đứa, có đứa còn nhỏ, có đứa năm nay mới vào lớp 1, có đứa chuẩn bị vào lớp 12.

{keywords}
Các con của anh Tú 

Con trai út của anh chị tên Mai Cát Tường, mới lên hai tuổi. Trời Sài Gòn mấy hôm nay nắng rồi mưa, như cô gái đôi mươi đỏng đảnh, mới sáng sớm mà tiết trời se lạnh, thế nhưng, bé Cát Tường vẫn chỉ có mỗi cái quần đùi độc nhất, cởi trần trùng trục, tay cầm bịch sữa nhựa loanh quanh chơi ở ngoài hẻm, lấm lét bụi đất nhìn khách lạ. Cạnh Tường là mấy đứa anh chị tay bồng tay bế đi ra đi vào căn nhà nhỏ hẹp.

Nói về đám trẻ, bà Nguyễn Thị Hường (mẹ anh Tú) kể: “Lúc mới sinh 4-5 đứa, tui đã nhiều lần nói với con dâu tui là hãy dừng lại vì đông quá rồi. Cán bộ phường cũng nhiều lần tìm đến nhà vận động, thuyết phục, triệt sản, phát thuốc tránh thai cho Phương nhưng nó không nghe. Chồng nó nói, nó cũng không nghe, huống hồ gì là tui. Cứ thế nó mang bầu và đẻ con suốt!”.

Anh Tú chia sẻ, ba anh mất sớm, mẹ anh sinh được 6 người con, trai gái đầy đủ. Anh Tú là con thứ 6 trong gia đình. Các anh chị lớn đã lập gia đình ra ở riêng. Căn nhà nơi anh và gia đình đang sinh sống là do ông bà nội để lại, hiện là nơi trú ngụ của bà Hường, vợ chồng anh Mai Thanh Tuấn (con trai thứ 5 của gia đình) cùng 3 đứa con và anh Tú cùng 9 đứa con.

Bà Hường cho biết thêm, trước, căn nhà cấp 4 ọp ẹp này dài 10 mét, ngang 5 mét. Sau đó, bà phải cắt làm đôi, bán nửa trước để lấy tiền xây gian nhà hiện tại làm nơi tá túc cho 16 người. Chỉ có buổi trưa hoặc đêm hôm thì đám nhỏ mới đi học, đi làm về, còn ban ngày lũ trẻ chơi quanh quẩn bên ngoài vì bên trong nhà nóng quá.

Trông thấy chúng tôi giơ máy chụp ảnh, đám nhỏ tản mát ngay và nói vọng theo: “Chú ơi, đừng chụp ảnh con nhé. Con lên trường, tụi bạn nhìn hoài, tội nghiệp tụi con!”. Vì vậy, muốn có một tấm ảnh đông đám nhỏ mà chúng tôi cũng đành… dừng bước vì thấy tội nghiệp các cháu quá!

{keywords}
Dáng vẻ tất tả của bà Hường.

Sự thật phũ phàng

Điều làm chúng tôi chua xót là căn nhà thiếu vắng bóng dáng người mẹ. Ngồi ở bậc thềm, bà Hường kể bằng giọng trầm buồn: “Nó làm ăn gì ở bên ngoài mà nợ nần như chúa chổm khiến bọn xã hội đen tìm đến nhà. Tui cũng đắng cay, cực khổ lắm. Tội nghiệp thằng Tú phải một mình đứng ra giải quyết”. Chúng tôi hỏi: “Thỉnh thoảng chị Phương có tìm về nhà để thăm các con không?”. “Không cậu ạ, nó trốn biệt từ đó đến nay”, bà Hường đáp.

Bà tâm sự rằng, do buồn chán quá nên lúc rảnh rỗi, bà hay đi viếng chùa, tìm chút thanh tịnh. Tuổi già, thoái hóa khớp gối, đau ốm liên miên… nên bà không buôn bán như dạo trước được, chỉ ở nhà lo giúp việc cho cậu con trai.

Tiền mang về, anh Tú đưa hết cho cô con gái thứ tư (hiện đang học lớp 9) lo đi chợ, nấu cơm cho các em. Vào năm học mới, tiền học của các cháu dù được miễn giảm do là hộ khó khăn nhưng nghe đâu còn thiếu 8-9 triệu đồng gì đó. Thỉnh thoảng, vài cặp vợ chồng hay đi làm từ thiện ghé nhà bà Hường cho thùng mì tôm, tặng thùng sữa, hoặc phường ủng hộ cho chục ký gạo nên gia đình cũng bớt khó khăn.

Anh Mai Thanh Tuấn (anh của anh Tú) từng đi nghĩa vụ và ra quân từ năm 1985. Từ đó đến nay, anh Tuấn làm đủ mọi nghề để sinh sống, như làm bảo vệ cho các cơ quan, xí nghiệp nhưng đi đâu người ta cũng chê già nên giờ chỉ biết ở nhà làm thợ đụng, ai thuê gì làm nấy.

Do anh Tú đi vắng suốt ngày nên anh Tuấn và bà Hường phải phụ trông coi đám con của anh Tú. Giờ, nhiều đứa trong đám nhóc này đã lớn, đi học nên cũng đỡ khổ hơn ngày xưa rất nhiều. Ngày trước, nhiều cháu còn nhỏ quá, mỗi khi nấu nồi cơm to đùng, đặt vật vã giữa nền nhà là gia đình ồn ào, nháo nhác cả lên vì người lớn không kịp xới cơm cho đám trẻ do đứa nào cũng đòi… múc trước.

Tạm biệt căn nhà “lớn” trong hẻm nhỏ, chúng tôi mang bao trăn trở về đám trẻ nhỏ, chỉ mong nhiều tấm lòng sẽ đến giúp đỡ mái ấm này, để các cháu yên tâm đến trường, trang bị được con chữ vào đời. So với kỷ lục sinh con ở nhiều địa phương khác, gia đình anh Tú không bằng nhưng đối với người dân TP.HCM vốn đẻ ít con vì “sợ” cuộc sống công nghiệp quá bon chen và chật vật thì đây cũng là một cảnh ngộ thực sự đặc biệt và rất đáng quan tâm.

Một cán bộ UBND P.17 xác nhận, chị Phương (vợ anh Tú, mẹ của đám trẻ) vì nợ nần bài bạc nên bỏ đi đâu không rõ, hiện không có mặt tại địa phương. Gia đình anh Tú luôn được địa phương quan tâm bằng cách giới thiệu việc làm, cấp thẻ BHYT miễn phí. Các cháu luôn được nhận học bổng của phường và khu phố. Nhiều “Mạnh Thường Quân” cũng hay tới trụ sở phường để đề nghị giúp đỡ gia đình này.

(Theo Lao Động)