Vượt lên nghịch cảnh

Về đầu thôn Hoàng Lý (Lý Nhân, Hà Nam) hỏi thăm nhà ông Nguyễn Tiến Thiểu (77 tuổi) ai cũng biết. Ông nổi tiếng vì khuyết tật bẩm sinh, mỗi bàn tay chỉ có một ngón nhưng khiến nhiều người phải kinh ngạc vì sự tài hoa, vẽ đẹp, lại giỏi tiếng Trung.

Từ thời các cụ, cha mẹ ông sinh ra vẫn bình thường, lành lặn nhưng đến đời ông bắt đầu có hiện tượng kỳ lạ này. Trong 7 người con của ông, có 2 người sinh ra bị dị tật giống bố. Thậm chí, em trai ông và 2 đứa cháu cũng bị. Ông từng đi khám, kiểm tra nhưng bác sĩ không tìm ra nguyên nhân. 

{keywords}
Ông Nguyễn Tiến Thiểu.

‘Nhiều người đặt nghi vấn, có thể bố tôi đi bộ đội, nhiễm chất độc màu da cam nên con mắc dị tật nhưng thực tế cụ thân sinh ra tôi cả đời chỉ quanh quẩn ở làng’, ông nói.

Ông ví cuộc đời mình giống như câu thơ: 'Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan, rèn luyện mới thành công'. 

Theo lời ông Thiểu, ra đời với hình hài khác biệt, ông đã trải qua tuổi thơ không hề dễ dàng, bị người ta xì xào, bàn tán. Thế nhưng, được trời phú cho nghị lực phi thường, ông đã kiên trì vượt qua nghịch cảnh, thích nghi số phận.

Mặc dù chỉ có hai ngón tay nhưng ông tập làm mọi việc thành thạo chẳng khác người bình thường. Ở tuổi cắp sách tới trường, bạn bè trêu chọc, ông vẫn miệt mài tập viết, khuôn mặt lúc nào cũng nở nụ cười tươi rói.

{keywords}
Thuở nhỏ, ông Thiểu trầy trật tập viết bằng đôi bàn tay 'kỳ lạ'.

Nhờ siêng học, năm 1960 ông đỗ khoa Trung văn (Đại học Ngoại ngữ Hà Nội). Kể về thời sinh viên đầy gian khó ông nhớ lại: ‘Người bình thường, viết chữ Trung Quốc đã khó, với tôi càng khó hơn. Thay vì tập viết vào giấy, tôi hay ra bãi đất trống, lấy que gỗ nhỏ viết trên nền đất. Có lúc bàn tay tứa máu do tập viết nhiều quá.

Khi đi học, để trang trải cuộc sống, mỗi lần về quê, tôi tranh thủ trên tàu hỏa nhận khắc chữ vào bút, kiếm vài đồng’.

Ra trường, người đàn ông này bén duyên với nghề giáo, về dạy tiếng Trung tại trường Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội).

Sau nhiều bước ngoặt, ông chuyển về Hà Nam sống, học thêm về lĩnh vực ngân hàng. Hàng tháng, ông đạp xe vượt hơn 100 km vào (Sầm Sơn,Thanh Hóa) học nghiệp vụ. Kết thúc khóa học, ông được Ngân hàng Công thương tỉnh Hà Nam nhận vào làm.

Trải qua các vị trí, từ nhân viên tín dụng, ông làm đến chức Trưởng phòng Tổ chức mới về hưu.

Điều đặc biệt hơn nữa, dù đôi tay chỉ có 2 ngón nhưng ông tự học vẽ và may vá. Giai đoạn đất nước khó khăn, đồng lương công nhân viên chức không đủ sống, để kiếm thu nhập, hỗ trợ vợ nuôi con, ông đi vẽ tranh, vẽ phông cưới, sửa chữa quần áo, dịch cả sách tiếng Trung và gia phả cho các dòng họ…

‘Thời trước, chưa có phông rạp sẵn như bây giờ, trong làng có đám cưới, họ tìm đến tôi nhờ trang trí, cắt dán chim bồ câu và chữ lồng tên cô dâu, chú rể. Cuối năm có thi đua khen thưởng ở xã, huyện, tôi ‘thầu’ luôn khoản viết giấy khen.

Sau này hiện đại hơn, nghề trang trí phông cưới thủ công mai một, tôi chuyển sang dạy tiếng Trung cho các lớp xuất khẩu lao động tại địa phương. Nhờ đó, các con tôi không phải chịu đói khát’, ông Thiểu xúc động nói.

Cuộc hôn nhân năm 60 tuổi của 'lãng tử tài hoa'

Ông Thiểu xây dựng gia đình với vợ đầu quê Duy Tiên (Hà Nam), sinh được 6 cô con gái. Năm 1998 vợ ông không may mắc trọng bệnh, qua đời.

{keywords}
Bức tranh ông Thiểu và vợ cả do ông tự vẽ, treo trang trọng ở phòng khách.

Một năm sau, khi đã bước sang tuổi 60, ông quen biết và kết duyên cùng người phụ nữ quá lứa kém mình 20 tuổi, những mong có người bầu bạn sớm khuya.

‘Hai vợ chồng tôi lúc đó không xác định sinh thêm con vì tôi tuổi tác đã cao, bà ấy sức khỏe kém. Không ngờ năm 2000, ông trời ban cho cậu con trai út’, ông Thiểu kể.

Cậu bé Nguyễn Tiến Đạt khôi ngô, tuấn tú, thừa hưởng sự tài hoa và cả đôi bàn tay khuyết ngón của bố. Ngồi bên cạnh chồng, tay thoăn thoắt đan sọt tre thuê cho cơ sở thủ công, mỹ nghệ, vợ ông Thiểu lúc này mới cất tiếng:

‘Con trai tôi từ bé học giỏi, sớm bộc lộ năng khiếu vẽ. Ở trường các cô giáo hay nhờ vẽ hộ. Cháu đang học năm thứ nhất Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Tuần nào cháu cũng tự đi xe máy từ Hà Nội về quê thăm bố mẹ. Ngoài giờ học cháu đi vẽ thuê, chép tranh kiếm tiền đóng học phí. Một thầy giáo thương hoàn cảnh, nhận dạy thêm cho cháu không mất tiền.

Tay chân cháu như thế, hi vọng sau này kiếm được công việc ổn định, nuôi sống bản thân là vợ chồng tôi mãn nguyện’.

{keywords}
Con trai ông Thiểu và vợ sau.

Bà tâm sự, tình cảm giữa bà với các con chồng khá tốt đẹp, hòa thuận. Một cô con gái ông Thiểu bị ung thư, đã mất. Thời điểm đó bà cũng hỗ trợ chăm sóc chị tận tình.

Các cô khác đều thành đạt. Cô con gái mắc dị tật giống bố cũng có công việc ở trường dạy nghề cho người khuyết tật trên Hà Nội.

Mỗi năm vào ngày giỗ vợ cả, ông Thiểu, bà cùng các con chồng sum vầy làm mâm cơm cúng.

{keywords}
Ông Thiểu bên gia đình trong ngày mừng thọ tuổi 75.

Chuyện ở gia đình Hà Nam có 1 phó giáo sư, 8 tiến sĩ

Chuyện ở gia đình Hà Nam có 1 phó giáo sư, 8 tiến sĩ

Hơn nửa thế kỷ bên nhau, tình cảm của ông dành cho bà vẫn vẹn nguyên như thuở còn son.

Diệu Bình - Ngọc Trang