Bà Phạm Thị Chức (78 tuổi) và ông Nguyễn Văn Tiến (80 tuổi) ở Hà Nội bên nhau đã 54 năm. Họ có một mối tình tuyệt đẹp bắt đầu từ tiếng vĩ cầm.

Thời trẻ, bà là học sinh dàn nhạc giao hưởng, ông là nhạc công của Đoàn Ca múa Trung ương. 

Tiếng vĩ cầm se duyên

Năm 21 tuổi bà Chức là cô gái đẹp có tiếng trong làng, nhiều người theo đuổi nhưng tâm ý của cô thôn nữ chỉ dành cho chàng nhạc công Nguyễn Văn Tiến.

{keywords}
Bà Phạm Thị Chức ngày trẻ

Những lần gặp gỡ ở Đoàn Ca múa, chàng nhạc công thầm thương trộm nhớ cô gái xinh xắn nhưng không dám ngỏ lời. Chỉ đến khi người bạn chính thức giới thiệu hai người với nhau, ông mới mạnh dạn bước đến hỏi han bà.

Lần đầu tiên hai người trò chuyện, ông mặc bộ quần áo bạc phếch. Đáp lại, bà chỉ hờ hững, đầy kiêu kì. Tuy vậy, bà đã để lại trong lòng ông ấn tượng sâu sắc.

Qua thời gian, bà dần cảm mến ông lúc nào không hay. Bà Chức tiết lộ,  điều khiến bà đem lòng thương nhớ ông Tiến chính là tiếng tiếng vĩ cầm du dương, say đắm lòng người của ông. "Tôi cảm nhận, ông ấy cũng là người chân thành, hiền lành nên quý mến", bà nói.

Tuy vậy, bà vẫn chưa dám mở lòng, chỉ coi ông Tiến là anh em, bạn bè. Hai người thân quen một thời gian, bà mới biết, ông là con trai gia đình giàu có, nức tiếng một thời ở khu phố cổ.

{keywords}
Ông Tiến từng công tác tại Đoàn ca múa Trung ương

Bố ông Tiến là nhà tư sản Nguyễn Như Mậu - thương gia buôn vải trên khu vực Hàng Ngang, Hàng Đào vào đầu thế kỷ 20.

Dẫu vậy, sau 3 năm quen biết, họ chỉ thực sự đến với nhau khi bố bà Chức “bật đèn xanh”.

“Bố vợ khi ấy là cán bộ nhà nước, có quyền chức. Cụ biết tiếng gia đình tôi từ trước, biết cụ Mậu  tham gia ủng hộ vàng cho Cách Mạng, mua gạo thóc ủng hộ người nghèo nên khi con gái mang tâm tư giãi bày, cụ ra sức ủng hộ, vun vén chúng tôi đến với nhau”, ông Tiến tiếp lời vợ.

Ông Tiến chia sẻ thêm, bà Chức ngày trẻ được nhiều người quan tâm, đặc biệt trong môi trường nghệ thuật, chuyện tình yêu nam nữ rất dễ nảy sinh. Thế nhưng, bà chỉ một lòng hướng về ông.

Về phần mình, ông Tiến thấy hòa hợp với bạn gái ở niềm say mê nghệ thuật, yêu tiếng đàn. Sinh nhật, ông tặng bà chiếc khăn quàng cổ, hi vọng được chăm sóc bà cho đến mai sau.

Tròn 3 năm quen biết, hai người báo cáo gia đình, cơ quan, lên phường đăng ký kết hôn và chuẩn bị cho một chặng đường mới đầy hạnh phúc của cuộc đời.

Cuộc hôn nhân vàng 

Năm 1965, đám cưới giản dị của ông Tiến, bà Chức diễn ra trong sự chúc phúc của mọi người. Mẹ ông Tiến đứng ra tổ chức, lo toàn bộ tiệc cưới.

“Gọi là tiệc cưới cho sang, thực ra hôn lễ của chúng tôi lúc ấy làm theo nếp sống mới, chỉ có đồ ngọt là bánh kẹo, hoa quả và trà.

Tôi mặc bộ áo dài nhung gấm màu hồng phấn mẹ chồng may tặng, tay ôm bó hoa lay ơn, đoàn rước dâu có cả xe hơi. So với mặt bằng cuộc sống lúc đó, nhà nào có ô tô đón dâu được xét vào diện khá giả”, bà Chức nhớ lại.

{keywords}
Cuộc hôn nhân vàng của ông bà bền vững suốt 54 năm qua

Bà Chức thừa nhận, khi chuẩn bị về nhà chồng, bà cũng ngập tràn nỗi lo nhưng sự đối đãi ân cần của mẹ chồng đã khiến bà vơi bớt áp lực.

Sau đám cưới, vợ chồng ông Tiến tham gia vào đoàn văn công, lên công tác ở Việt Bắc. Thời điểm này, bà Chức mang thai và sinh con gái đầu lòng.

Nhắc lại giai đoạn gian khổ đó, bà Chức rưng rưng đầy xúc động. Bà kể, vợ chồng trẻ, đi công tác cùng nhau nên tình cảm cũng mặn nồng. Mỗi lần biểu diễn xong, được bà con dân tộc nấu cháo gà, cháo cá cho ăn. Ông lúc nào cũng quan tâm, lấy cho vợ ăn trước rồi mới đến phần mình.

Bên cạnh những giây phút hạnh phúc, bà Chức thừa nhận, cuộc hôn nhân của bà không phải lúc nào cũng phẳng lặng, cũng có va chạm nhưng sau đó, ông bà càng trân trọng, yêu thương nhau hơn.

“Ngày trẻ tôi nóng tính, hay giận dỗi, cộng với việc mang bầu nên tâm lý hay tủi thân. Một lần, cả đoàn đi qua con suối lớn. Tôi nhớ sóng nước rất to, tôi nôn không ngừng. Ông ấy đi nhanh, quên bẵng vợ đang tuột lại phía sau.

Đến điểm tập kết, ông ấy mới nháo nhào đi tìm vợ. Tôi lớn tiếng nói, ông ấy biết sai chỉ im lặng, tìm cách làm hòa. Con gái đầu lòng tôi sinh ở Tuyên Quang, đặt tên là Thùy Dương”, bà Chức nói.

Bà Chức cho hay, những năm trên miền núi, cuộc sống khó khăn, bà có lương nhưng không đủ chi phí sinh hoạt. Lúc thiếu thốn, bà đành bán của hồi môn là hoa tai, vòng vàng mẹ đẻ tặng ngày cưới, mua gạo và thức ăn.

Năm 1972 bà đưa con về Hà Nội, cùng năm đó, bà sinh con gái thứ 2. Trái ngọt cuộc hôn nhân của ông bà là 4 người con, 3 gái, 1 trai. Tất cả đều học ngoại ngữ và thành đạt.

Lúc các con nhỏ, ông thường chơi bản Ru con Nam Bộ, đưa các con vào giấc ngủ. Đó cũng là cách ông truyền đến các con một tâm hồn yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp.

{keywords}
Vợ chồng ông Tiến - bà Chức hiện tại

Hiện tại, ông bà đã ở bên kia dốc cuộc đời nhưng tình cảm vẫn đong đầy như 54 năm trước. 

Về hưu, ông Tiến cùng đồng nghiệp cũ lập một đội nhạc, biểu diễn trên phố cổ, vừa giữ cho tinh thần minh mẫn, lại được giao tiếp với mọi người.

Cách đây 10 năm, bà Tiến tham gia công phụ nữ tại địa phương, hoạt động từ thiện sôi nổi. Nay, sức khỏe yếu, bà ở nhà vui vầy tuổi già với cháu chắt.

Bà Tiến cho rằng, thời nay, vợ chồng mâu thuẫn dễ chia tay, kể cả có con cái ràng buộc nhưng thời của bà, hôn nhân bền chặt hơn vì dựa trên nền tảng tôn trọng, thấu hiểu và gìn giữ, hỏng đến đâu thì sửa đến đấy.

“Vợ chồng tôi cũng có lúc nóng giận, mắng mỏ nhau nhưng xong thì thôi, rồi lại nhớ về những kỉ niệm đẹp đã có để yêu thương, hòa thuận. Vì lẽ đó, chúng tôi mới giữ được cuộc hôn nhân bền chặt cho đến hôm nay”, bà bộc bạch.

Người phụ nữ 62 tuổi kết hôn với chàng trai 26

Người phụ nữ 62 tuổi kết hôn với chàng trai 26

Người phụ nữ 62 tuổi, đã có 10 đứa cháu vừa kết hôn với một chàng trai kém mình tới 36 tuổi sau một thời gian quen nhau trên Facebook.  

Diệu Bình