Một tháng qua, ở TP.HCM, cuộc sống khác nhiều so với cuộc sống bình thường quen thuộc. Đã đến lúc chúng ta nên học cách làm quen với một cuộc sống bình thường mới sau đại dịch Covid-19.

Cuộc sống bình thường mới

Thế nào là cuộc sống bình thường mới? Theo tôi, đó là khi cuộc sống hiện tại đã thay thế hoàn toàn cuộc sống trong quá khứ. Nhưng thay vì sợ hãi thốt lên: “Hãy trả lại cuộc sống bình thường như trước đây!”, chúng ta chỉ gật đầu: “À, giờ mọi thứ là như thế…”.

Chẳng hạn, chúng ta làm việc tại nhà thay vì tất bật đến công sở vào mỗi sáng. Ta cũng sẽ thấy mỗi người dân tại TP.HCM dần có ý thức về việc đeo khẩu trang, về việc giữ khoảng cách nơi đông người.

{keywords}
 

Những người lớn sẽ có thêm trải nghiệm làm việc tại nhà, trẻ nhỏ lại biết thế nào là học online. Ảnh hưởng của Covid-19 đến mọi phương diện như kinh tế, dịch vụ, văn hóa xã hội… vẫn còn dư âm mạnh mẽ. Có cảm giác mọi người có thể quen dần với “sự bình thường mới” nhưng kỳ thực, đất nước thời kỳ hậu Covid-19 đã biến chuyển nhiều so với trước kia.

Chúng ta mạnh mẽ hơn bản thân nghĩ

Nhìn vào khía cạnh tích cực, cuộc sống bình thường mới thể hiện một khả năng kỳ diệu của con người đó là thích nghi nhanh với hoàn cảnh.

Vài tháng trước, nếu ai đó nói với bạn rằng công việc của bạn sẽ bị đảo lộn, bạn thậm chí có thể mất việc, con cái phải đồng loạt ở nhà, các kế hoạch du ngoạn, tổ chức tiệc tùng bị hủy bỏ, kinh doanh sa sút… Bạn có nghĩ mình vượt qua được không? Vậy mà khi đại dịch diễn ra, mọi thứ trong cuộc sống dường như bị đảo lộn nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Con người ai rồi cũng phải tìm ra những giải pháp riêng cho mình.

Khi mất việc, chúng ta có thể tìm việc khác, không gặp mặt trực tiếp được, chúng ta gặp gỡ qua online, kinh doanh mặt hàng cũ sa sút thì kiếm mặt hàng mới… Nhìn chung, chúng ta có khả năng thích ứng nhanh và nội lực mạnh mẽ hơn những gì ta tưởng tượng.

Những thay đổi tích cực

Về công việc, tôi cảm thấy may mắn khi mình còn giữ được công việc tốt. Tôi vẫn tham gia giảng dạy tại nhà cho các sinh viên. Quá trình cùng làm việc tại nhà, cũng khiến ban lãnh đạo nhà trường và cán bộ công nhân viên nhận ra nhiều điều thú vị.

Chẳng hạn trước đây ở trường có quá nhiều cuộc họp thừa thãi, tốn kém, không cần thiết trong khi nội dung thảo luận có thể tóm lược trong vài email hay một cuộc điện thoại. Chắc chắn sau thời kì hậu Covid-19, việc đi làm thông thường của nhiều người sẽ được cải tiến, mang đến nhiều thay đổi tích cực cho cuộc sống.

Về bản thân, tôi cảm nhận được sự trưởng thành, độc lập và kiên định hơn trong một tháng ngắn ngủi vừa qua. Tôi thấu hiểu bản thân mình, làm việc sáng tạo hơn và biết trân trọng hơn những gì mình đang có.

Tôi sực nhớ một sự kiện truyền thông đặc biệt của thế giới, khi tháng 4/2020, giữa thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại Anh, Nữ hoàng Elizabeth đã có buổi phát biểu trên sóng truyền bình.

Trong đó có đoạn bà nói (lược dịch): “Tôi hy vọng một vài năm tới, tất cả chúng ta có thể nhìn lại và cảm thấy tự hào vì những gì mình đã làm để đối mặt với thử thách Covid-19 này”. Tôi rất thích phát ngôn truyền cảm hứng này của nữ hoàng, cũng bởi nó gợi ra cho người nghe một góc nhìn tích cực hơn.

Chúng ta có quyền tin tưởng rằng trong vài năm sắp đến, khi Covid-19 chỉ còn trong sách vở, bản thân có thể nhìn lại quãng thời gian lịch sử này và tự hào rằng mình đã làm được những điều tử tế nhất cho chính mình, gia đình và cộng đồng. Tôi mong bạn cũng có được niềm tự hào như thế.

Độc giả Trần Huỳnh Tuyết Như

Mời độc giả gửi bài viết về email: bandoisong@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn có thể không trùng với quan điểm của VietNamNet. Xin chân thành cảm ơn

Hẹn nhau khi hết dịch: Ta sẽ làm gì đầu tiên?

Hẹn nhau khi hết dịch: Ta sẽ làm gì đầu tiên?

Sài Gòn đang đau lòng quá... Cả ngàn ca nhiễm mỗi ngày, còn tôi đang ngồi im trong nhà, làm việc online hơn 60 ngày rồi. Bao giờ hết dịch để được hẹn hò nhau? Và hết dịch rồi, ta sẽ làm gì?