Đơn vị đóng quân cách nhà chỉ 900 mét nhưng đã 2 tháng nay, anh Bùi Quang Hiệp, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Pháo binh 58 (xã Hoà Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội) chưa được về thăm nhà. Theo quy định, vợ con anh cũng không được phép ra thăm.

Anh bảo, không chỉ riêng anh mà tất cả 150 anh em đang làm nhiệm vụ tại doanh trại đều phải tuân thủ quy định đó.

Từ cuối tháng 2 đến cách đây vài ngày, Trung đoàn 58 của anh Hiệp phải thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt. Đó là đón các đoàn cách ly từ nước ngoài về vì dịch bệnh Covid-19.

Đến nay, đơn vị anh đã đón 2 đoàn - một từ Hàn Quốc với 355 người; một từ châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc gồm 298 người. Hai đoàn đi và đến cách nhau đúng 3 ngày. Sau đó, các chiến sĩ làm nhiệm vụ lại phải tự cách ly 14 ngày nữa nên anh chưa thể về thăm nhà mặc dù các đoàn cách ly hiện đã ra về.

{keywords}
Kiểm tra sức khoẻ 2 lần/ngày trong khu cách ly. Ảnh: NVCC

Kể về hơn 1 tháng chăm sóc cho bà con cách ly, anh nói: ‘Thực sự là lịch sinh hoạt của các chiến sĩ bị đảo lộn 100%, nhưng vì nhiệm vụ nên chúng tôi không quản ngại gì cả’.

Vị trung đoàn trưởng cho biết, 150 người ở lại doanh trại làm nhiệm vụ được chia thành nhiều bộ phận với nhiệm vụ cụ thể: nấu ăn, chăm sóc y tế, quản lý các dãy, gác cửa, thu gom rác, khử khuẩn… Riêng đội y tế gồm 16 người, trong đó có 10 nhân viên y tế được điều động thêm và 6 chiến sĩ của đơn vị.

‘Nếu như bình thường các chiến sĩ phải dậy từ 5 giờ 30 phút sáng thì trong những ngày thực hiện cách ly, đội nhà bếp phải dậy từ 3 giờ sáng’.

‘Bữa sáng bình thường của các chiến sĩ là cơm, rau, thịt, trứng. Nhưng bà con không ăn được như thế, nên chúng tôi phải nấu 4 món cho bữa sáng, gồm: xôi xéo, cháo, bánh mỳ kẹp và mỳ tôm. Từ tối hôm trước, sẽ có chiến sĩ đi từng phòng ghi lại suất ăn sáng mà mỗi người đăng ký. Bữa trưa và bữa tối, bà con ăn theo suất ăn bộ đội, tiêu chuẩn 57 nghìn đồng/ngày/người'.

‘Chúng tôi cũng bố trí thêm 5 vọng gác, thường xuyên đi kiểm tra các dãy để nắm bắt tình hình, động viên bà con. Thậm chí, đang đêm anh em vẫn phải xuống nhà vệ sinh kiểm tra xem bà con có ai bị gió máy gì ở đó không’.

{keywords}
Hơn 30 chiến sĩ được phân công làm nhiệm vụ nấu ăn mỗi ngày. Ảnh: NVCC

Trong suốt hơn 1 tháng chăm lo cho gần 700 con người ở các độ tuổi, hoàn cảnh khác nhau, đồng chí trung đội trưởng cùng các anh em trong đơn vị đã có rất nhiều trải nghiệm và cảm xúc, thậm chí là cả những câu chuyện khó quên.

‘Hầu hết bà con đều hiểu và thông cảm, nhưng chúng tôi cũng trải qua đủ cả những cảm xúc, từ bị mắng, được cảm ơn cho tới làm quan toà cho những lần mâu thuẫn của một vài bà con’ - anh Hiệp kể.

Câu chuyện anh nhớ nhất có lẽ là lần bị mắng ‘vô trách nhiệm’ khi bà con quá sốt ruột về tình hình người thân ở nhà.

‘Đó là đợt cách ly đầu tiên, chúng tôi nhận 355 người trở về từ Hàn Quốc. Trong số đó có cặp vợ chồng -  vợ người Việt, chồng người Hàn Quốc bị cách ly ở 2 khu khác nhau. Những ngày đầu, việc làm thủ tục hơi lâu có lẽ đã khiến họ bực bội.

Họ có con nhỏ đang giao cho người giúp việc ở nhà. Bé lại đang bị ốm sốt. Họ cũng không làm cách nào gửi tiền về cho người thân được. Lúc đầu, chị vợ đã rất bực bội mắng chúng tôi là ‘vô trách nhiệm’’.

‘Để bà con yên tâm cách ly, bên cạnh việc giải thích, đơn vị đã cử một bác sĩ về tận nhà anh chị, một là để giúp họ đưa tiền cho người thân, hai là để khám cho bé. Rất may là em bé chỉ ốm sốt thông thường, không có gì nguy hiểm. Hôm sau, chị ấy cũng xin lỗi anh em. Đến hôm hết cách ly, chị còn viết thư cảm ơn đơn vị’.

Một trường hợp khác cũng khiến anh Hiệp nhớ mãi. Đó là trường hợp một phụ nữ về nước để gặp mẹ lần cuối do căn bệnh ung thư phổi.

‘Gia đình chỉ đợi chị ấy về gặp mẹ để rút ống thở. Những hôm đầu vào cách ly, chị ấy lên gặp chỉ huy đơn vị, khóc lóc xin về. Chúng tôi không thể làm gì ngoài việc động viên chị. Phải mất mấy ngày sau, chị mới yên tâm ở lại. Khi hết 14 ngày cách ly, đơn vị đã điều riêng một xe chở chị đến thẳng Bệnh viện Lão khoa Trung ương nơi mẹ chị đang nằm’.

{keywords}
Trung đoàn trưởng Bùi Quang Hiệp tặng hoa cho các chị em trong khu cách ly ngày 8/3. Ảnh: NVCC

Không chỉ gặp những trường hợp đòi về vì việc gia đình, anh Hiệp và các đồng đội còn phải giải quyết trăm thứ chuyện ‘không thuộc chuyên môn của bộ đội’ như lời anh nói.

Để thuận tiện cho sinh hoạt của bà con, đơn vị có cung cấp số điện thoại góp ý cho tất cả mọi người. ‘Hầu như đêm nào cũng có cuộc gọi. Hôm thì người gọi tố phòng bên bật nhạc to, hôm thì gọi xin về vì người nhà nguy cấp’.

‘Thậm chí, chúng tôi còn phải hoà giải những vụ mâu thuẫn, đánh lộn nhau khi sinh hoạt chung’.

Anh kể, hầu hết bà con vào đây đều có ý thức và hợp tác với các chiến sĩ. Chỉ có khoảng 20% là không hợp tác những ngày đầu tiên. ‘Những lúc ấy, chúng tôi lại phải giải thích. Chúng tôi nói với bà con rằng, các bạn có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Chúng tôi là người lính, lấy việc phục vụ nhân dân làm trách nhiệm của mình. Bạn vào đây đồng nghĩa với việc bạn dương tính thì chúng tôi là F1. Chúng ta cùng ngồi trên một con thuyền trong 14 ngày cách ly, rất mong mọi người hợp tác’.

‘Chúng tôi chỉ nói như vậy thôi là tất cả mọi người đều hiểu’.

Vị trung đoàn trưởng cũng cho biết, ngoài khó khăn ban đầu, bản thân anh và các chiến sĩ đều rất vui mừng khi được bà con ghi nhận những nỗ lực, sự chân thành của mình.

‘Có những trường hợp ốm sốt 4-5 ngày không đỡ, chúng tôi chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để kiểm tra. Sau khi nhận kết quả âm tính, bà con nằng nặc xin quay về Trung đoàn 58 để cách ly tiếp. Bệnh viện lại phải làm công văn để đơn vị ra đón bà con về. Nhiều bà con hết cách ly cũng viết thư cảm ơn chúng tôi. Chúng tôi thực sự trân trọng những tình cảm đó’.

{keywords}
Bức thư cảm ơn của một cụ bà có cháu gái được chăm sóc trong khu cách ly. Ảnh: NVCC
{keywords}
Bà muốn gửi tặng các chiến sĩ vài chục trứng gà bà tự tay nuôi. Ảnh: NVCC

Chiến sĩ đội nắng giúp người dân rời khỏi khu cách ly kí túc xá TP.HCM

Chiến sĩ đội nắng giúp người dân rời khỏi khu cách ly kí túc xá TP.HCM

Trưa 8/4, dưới cái nắng gay gắt, hàng chục chiến sĩ bộ đội, dân quân tự vệ phụ giúp hơn 1.000 người rời khỏi khu cách ly kí túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM.

Nguyễn Thảo