Đầu năm 2021, chính quyền thành phố Seoul (Hàn Quốc) trở thành tâm điểm chỉ trích sau khi công bố bản hướng dẫn mang tính phân biệt giới tính, kỳ thị phụ nữ mang thai.

Bên cạnh những lưu ý về sức khỏe thai sản, bản hướng dẫn còn khuyến khích phụ nữ tích cực thực hiện trách nhiệm người vợ, người mẹ dù đang mang bầu.

"Bạn nên dọn tủ lạnh từ trước, chuẩn bị 3-4 món ăn kèm mà người thân yêu thích. Nhờ đó, chồng bạn vẫn có cơm nước tươm tất khi bạn nằm viện chờ sinh", Korea Herald trích bản hướng dẫn.

Nhận được phản ứng gay gắt từ dư luận, ban quản lý Trung tâm Thông tin Mang thai và Sinh nở đã nhanh chóng gỡ bỏ nội dung trên khỏi website. Tuy nhiên, qua câu chuyện này, không ít người đặt câu hỏi rằng liệu nhiều người đàn ông đã trưởng thành nhưng bên trong tâm hồn họ phải chăng vẫn là đứa trẻ?

nguoi chong khong chiu lon anh 1

Dư luận Hàn Quốc cho rằng bản hướng dẫn trên mang tính phân biệt giới tính, ràng buộc trách nhiệm làm vợ, làm mẹ nặng nề cho sản phụ. Ảnh: CNN.

Không được sẻ chia

Phóng viên của Sohu đã theo sát cuộc sống của gia đình Trương (35 tuổi, ở Thạch Gia Trang, Hà Bắc, Trung Quốc) trong 21 ngày liên tục.

Theo đó, công việc thường ngày của Trương là sáng dậy sớm, đi chợ, nấu nướng, đưa con đi học, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, dạy con học bài buổi tối. Trong khi đó, công việc của chồng cô đơn giản hơn nhiều.

Hầu hết thời gian, anh ở công ty, cuối tuần mới có mặt tại nhà. Thế nhưng, suốt 2 ngày cuối tuần, người chồng không giúp vợ làm bất kỳ việc gì. Dù bận rộn với công việc bên ngoài, người vợ vẫn phải nấu ăn cho chồng ở nhà.

Trong khi đó, Chu (27 tuổi, Chiết Giang) cho hay cô cảm thấy thất vọng về chồng sau khi sinh con.

Chu kể sau khi sinh được 7 tháng, cô vừa đi làm, vừa phải trông con. Thế nhưng, chồng không hề quan tâm. Anh ta chỉ xoay quanh 2 công việc là ban ngày đi làm, tối về nhà chơi game. Chu đã than phiền nhiều lần mà chồng vẫn không thay đổi.

nguoi chong khong chiu lon anh 2

Nhiều người vợ không nhận được sự giúp đỡ, sẻ chia của chồng trong chuyện chăm con, làm việc nhà. Ảnh: Sim Chi Yin/Magnum Photos.

Trong một lần, con trai ngủ giữa 2 vợ chồng, đến 3h sáng đột nhiên tỉnh dậy, bật khóc. Quá mệt mỏi, Chu hy vọng chồng thức dậy dỗ con nhưng vô vọng. Cuối cùng, cô phải dậy pha sữa, cho con ăn trong khi chồng vẫn ngủ say sưa.

Sau đó, vì đói bụng, Chu lấy gói bánh trong tủ, rồi cắn một miếng. Người chồng bật dậy, nhìn chằm chằm vào vợ hỏi “Em ăn cái gì phải không?".

Cần thấu hiểu vợ

Chuyên gia tâm lý học Miêu Đại (Trung Quốc) cho rằng nếu không được truyền thông đăng tin, sẽ chẳng ai chú ý đến những người phụ nữ bình thường như Trương hay Chu.

Trong mắt nhiều người, những bà vợ sẽ không gặp khó khăn gì với công việc như dọn dẹp, chăm con. Thế nhưng, ai từng trong hoàn cảnh đó mới cảm nhận được nỗi buồn và thất vọng khi không có người cùng san sẻ việc nhà.

Nữ chuyên gia tâm lý chỉ ra rằng Tứ Xuyên và Trùng Khánh là nơi có mức độ hạnh phúc cao nhất ở Trung Quốc. Ở đây, người đàn ông biết nấu ăn, trông con. Trong khi đó, phụ nữ thoải mái chơi mạt chược.

Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý người Trung Quốc cho rằng để gia đình hạnh phúc, người chồng không cần phải đảm đang việc nhà, cũng không cần thành thạo chuyện chăm con. Thế nhưng, chỉ cần họ biết nghĩ và lo cho gia đình đã khiến vợ hạnh phúc.

"Nhiều bạn bè xung quanh ghen tỵ với tôi vì có chồng tốt. Hai ngày nghỉ cuối tuần, anh thường mang con đi chơi cả ngày để tôi được nghỉ ngơi. Ở nhà, anh vẫn thường giặt quần áo, quét và lau nhà giúp vợ. Tôi cả tuần đã phải chăm con, làm việc nhà bất kỳ lúc nào rảnh tay. Nhưng khi có chồng biết chia sẻ, mỗi khi mệt mỏi tôi đều có bờ vai dựa vào, có thể ngả lưng chợp mắt bởi chồng sẵn lòng trợ giúp", nữ chuyên gia tâm lý nói.

Theo lời nữ chuyên gia, do không hiểu được tâm ý của phụ nữ, đàn ông thường trách móc vợ. Trong những trận cãi vã, họ cũng luôn cố giành phần hơn.

Đôi lúc đàn ông có tư tưởng phải cho vợ bài học, nhận ra sai lầm của bản thân để sau này biết cách đối xử với chồng. Hôn nhân càng cãi càng sai, càng cãi càng xé chuyện nhỏ thành to. Vốn dĩ chuyện chỉ bé bằng đầu tăm nhưng khi ai cũng muốn giành phần thắng thì mọi chuyện lại bị đẩy đi xa.

Sau mỗi trận cãi nhau giữa vợ chồng thường là sự im lặng. Kẻ chiến thắng thì hả hê và tự nghĩ đối phương đã hiểu chuyện. Kì thực, người ta im lặng vì bất lực hơn là tâm phục khẩu phục, chấp nhận mình sai.

Theo báo cáo Hiểu biết về Sức khỏe Tâm thần Công cộng năm 2020 do Simple Psychology công bố đã chỉ ra 73,17% cảm xúc tiêu cực của phụ nữ đến từ "Tôi thường cảm thấy không vui vì những hành động của chồng".

Khi bước vào một cuộc hôn nhân, phụ nữ muốn mình trở thành một phần của người đàn ông. Thế nhưng, khi các ông chồng dành phần lớn thời gian ở văn phòng. Hết giờ, họ lại đi giao lưu với đồng nghiệp và đối tác. Về đến nhà, họ lại cắm mặt vào smartphone thì đó là dấu hiệu không coi trọng bạn đời.

"Đừng để người phụ nữ của bạn cảm thấy lạc lõng và cô đơn trong chính gia đình của mình. Nếu đời sống hôn nhân không như bạn kỳ vọng, thì ít nhất hãy cải thiện nó mỗi ngày. Hãy dành thời gian thay vì ca thán. Là trụ cột gia đình, bạn nên coi vợ là ưu tiên hàng đầu".

Xúc động hình ảnh bố khóc nức nở đưa con gái về nhà chồng

Xúc động hình ảnh bố khóc nức nở đưa con gái về nhà chồng

Bức ảnh người cha gục đầu vào vai con rể, khóc nức nở khi đưa con gái về nhà chồng khiến nhiều người ngậm ngùi.  

Theo Zing