Mưa bão, lụt lội và sạt lở những năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Quảng Trị.

Để tăng thu nhập, hàng trăm hộ dân dưới chân dãy Trường Sơn đã đẩy mạnh nhiều mô hình, chuyển dịch nghề nghiệp. Nhờ đó, đời sống của người dân các xã vùng cao đã có nhiều chuyển biến.

Trong đó có nghề Krơng Aho - chế tác đồ dùng từ mây, tre.

{keywords}
Nhóm làm mây tre đan tại huyện Hướng Hoá đang làm việc.

Hình thành cách đây khoảng 5, 6 năm, hiện trên địa bàn huyện Hướng Hoá đang có 6 nhóm sản xuất đồ dùng bằng mây, tre. Bao gồm 4 nhóm tại xã Hướng Phùng, 1 nhóm tại xã Hướng Sơn và 1 nhóm tại xã Hướng Việt.

{keywords}
Tre sẽ được cưa thành từng khúc để tiến hành các công đoạn tiếp theo.

Cơ sở sản xuất mây tre Krơng Aho trên địa bàn xã Hướng Việt có hàng chục thành viên, trong đó có 6 thành viên thường trực đều là những bạn trẻ người dân tộc Vân Kiều.

Dưới kinh nghiệm và bàn tay điêu luyện, trong những năm qua, hàng trăm sản phẩm từ mây, tre như đũa, muỗng, hộp đựng bút, cốc uống nước… đã được các thành viên chế tác và xuất ra thị trường, đến tay người tiêu dùng.

{keywords}
Sau khi cưa, tre được mang đi nấu trong 10 tiếng.

Anh Hồ Văn Giỏi (28 tuổi, trú tại thôn Trăng Tà Puồng, Hướng Việt, tổ trưởng tổ mây tre Trăng Tà Puồng) cho biết, sản phẩm mang đậm văn hoá vùng miền này được tạo ra với mong muốn cho mọi người thấy được tiềm năng phát triển kinh tế ở địa bàn.

Theo anh Giỏi, tre và mây là những vật liệu thiên nhiên gần gũi, gắn với đời sống truyền thống của người Việt.

“Tre được lấy về vào những đêm không có trăng vì khi có trăng, mọt sẽ đục khoét tre dẫn đến không đạt chất lượng. Sau đó, người ta chặt tre ra từng khúc rồi nấu 10 tiếng đồng hồ cho tre dẻo dai hơn. Tiếp đó, tre sẽ được phơi nắng từ 15 - 20 ngày rồi đưa đi chế tác”, anh Giỏi chia sẻ.

{keywords}
Những người thợ đang tiến hành chế tạo Krơng Aho.

Sau khi hoàn thành giai đoạn chế tạo, các sản phẩm sẽ được gửi về TP. Đông Hà (Quảng Trị) để khắc lazer hình ảnh danh lam thắng cảnh Quảng Trị, chân dung người phụ nữ Vân Kiều hay các hình ảnh mang tính văn hóa, truyền thống khác.

“Một ngày, mỗi thành viên có thể làm ra nhiều sản phẩm. Tùy loại vật dụng, mỗi sản phẩm bán ra thị trường từ 3.000 - 100.000 đồng nhưng đó là một nguồn thu nhập ổn định cho người dân chúng tôi”, anh Giỏi cho biết.

{keywords}
Những sản phẩm khắc hình Đoàn thanh niên.

Ông Hồ Văn Sinh - chủ tịch xã Hướng Việt cho biết, các sản phẩm làm từ vật liệu tre, mây của địa phương không chỉ cung cấp cho người dân trong tỉnh mà đã đi vào thị trường các thành phố du lịch như Hội An, Đà Nẵng…, thậm chí còn được đưa ra nước ngoài để làm quà tặng.

“Mây, tre là những vật liệu tự nhiên có sẵn, mang tính gần gũi và truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, người Việt nói chung.

Việc chế tác các sản phẩm làm từ mây, tre trên địa bàn đã giúp cho người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Thời gian tới, chính quyền sẽ tiếp tục động viên và tạo điều kiện cho thêm nhiều hộ dân khác được đi học, tập huấn để mở rộng thêm nhiều cơ sở sản xuất mây tre trên địa bàn”, chủ tịch xã Hướng Việt tâm sự.

Quang Thành - Bảo Lâm

Khu vườn sân thượng 'siêu to khổng lồ' rộng 500m2 của gia đình Bắc Giang

Khu vườn sân thượng 'siêu to khổng lồ' rộng 500m2 của gia đình Bắc Giang

Gia đình chị Thủy Nguyễn (sinh năm 1986, Bắc Giang) có một khu vườn sân thượng "siêu to khổng lồ" với diện tích lên tới 500m2.