Ngày 10/6/2021, là ngày sinh nhật bố lần thứ 100. 

Bố là con trai út của cụ Trần Lê Nhân, đồng tác giả cuốn Cổ Học Tinh Hoa huyền thoại, được tái bản không biết bao lần.

Thời niên thiếu, do ông nội làm nghề dạy học nên bố luôn đi theo ông, lúc thì ở Hà Nội, lúc thì ở Sơn Tây, khi thì Vĩnh Yên... Ông làm nghề dạy học nên cuộc sống cũng không khá giả. Bà nội mình buôn bán hàng xáo góp thêm vào nuôi các con. Khi lớn, bố học trường Bưởi (trường Chu Văn An bây giờ), ngôi trường dành cho con cái nhà trung bình. Trong khi mẹ mình học Albert Sarraut là trường dành cho con cái nhà giàu, nên xưa thỉnh thoảng mẹ cũng trêu bố là nói tiếng Pháp bồi, còn mẹ thì giọng parisien chính hiệu.

{keywords}
 Bố mẹ khi đi chơi TP.HCM năm 1986.

Ở trường Bưởi, bố được gọi là Ganepho (một thần tượng thời đó) vì bố đẹp trai, chơi thể thao nhiều nên cơ thể cường tráng. Bố cũng được nhiều cô để ý. Điều này là do các chị con nhà bác kể lại vì xưa các chị chuyên đi đưa thư hộ các cô, được các cô thưởng kẹo cho.

Chuyện bố lấy mẹ mới thật là lạ. Một hôm, khi ấy mẹ đã 20 tuổi (mẹ sinh năm 1925, tuổi con trâu, còn bố sinh năm 1921, tuổi con gà), ông ngoại mình về nhà bảo: Thầy định gả con cho con trai ông đốc Trần thì con thấy thế nào? Mẹ mình e lệ trả lời, thầy đã định như vậy thì con xin vâng. Hai người không hề biết nhau, không phải lạc hậu, Tây học hẳn hoi mà lấy nhau như thế.

Đám cưới nhanh chóng được tổ chức và mẹ mình trở thành vợ cậu ấm. Đám cưới bố mẹ mình, hội 'fan' của bố kéo đến xem cô dâu, họ đều bảo "ôi dào, tưởng gì", ý là nhan sắc mẹ mình kém các cô.

Họ nghĩ nhà nội mình tham tiền vì mẹ mình con nhà giàu mà. Thực ra không phải vậy, ông nội mình biết xem tử vi và tướng số nên khi xem số của con trai út, đã biết sức khoẻ không được tốt, lại gặp nhiều tai ương nên quyết tâm tìm một con dâu có tướng số vượng phu, ích tử, được con cái nhà giàu thì càng tốt chứ không nhất thiết.

Việc xem tướng số này, chồng mình có thể làm chứng: Hồi còn là bạn trai mình, khi đến chơi chào ông nội bạn gái, ông xem tướng số, bắt đi đi lại lại, thè lưỡi ra. Xong ông phán: Được.

Về sau ông giải thích rằng anh có mày cao giả quý, lưỡi không nhọn nên sẽ không nói dối.

Khi mẹ về nhà chồng, ông ngoại mình cho một cô hầu gái đi theo. Được vài hôm thì bà nội mình khó chịu (chắc là xót tiền cơm gạo nuôi) nên trả về nơi sản xuất. Từ bấy giờ, từ một cô chiêu lá ngọc cành vàng, không phải làm gì, đi học có lái xe đưa đón, nay phải làm mọi việc trong nhà của một cô dâu nhà bình dân, nên chắc mẹ cũng phải cố gắng nhiều.

Phải nói thêm là bà nội mình thuộc tuýp mẹ chồng cổ điển lại còn cổ điển của cổ điển nên khắc nghiệt lắm. 

Nghe mọi người kể lại, khi lấy nhau, bố mình đã 24, mẹ thì 20 tuổi mà ngố cực kì. Vì chưa muốn có con nên hai cụ ấy khi đi ngủ nằm lộn đầu đuôi! Thế nên 4 năm sau, 1949 mới có con trai đầu lòng.

Hồi cải cách ruộng đất, nghe kể lại bố mình cũng phụ trách một nhóm nhỏ đấu tố. Ăn uống kham khổ, rồi hàng ngày chứng kiến các vụ đấu tố... bố mình đã phát điên.

{keywords}
Gia đình tác giả, T12/1957.

Trong đầu óc non nớt của mình còn lưu giữ hình ảnh đi thăm bố mình ở Bệnh viện Bạch Mai. Mình lúc ấy chỉ khoảng gần 3 tuổi, lũn cũn đi theo mẹ, một tay mẹ bế cậu Minh là em trai mình, kém mình đúng 2 tuổi, một tay xách cái làn, chắc là đồ ăn.

Vào đến nơi, mình hoảng hốt hét lên khi thấy bố không mặc gì, người đầy mảnh thuỷ ngân lấp lánh -  thứ mà bố đập vỡ một cái phích nước rồi bôi lên người.

Chứng điên đi theo bố gần như suốt cả cuộc đời, nếu không có mẹ mình, chắc bố chẳng sống được lâu như thế. Điều đó chứng tỏ ông nội đã chọn đúng vợ cho con trai.

Chứng điên làm cho bố phải vào bệnh viện 1 năm hai lần. Mỗi khi phát bệnh, mẹ mình biết ngay, người ngoài không biết đâu vì ông nói khôn, lại toàn nói tiếng Pháp.

Khi ốm, bố không ăn không ngủ, mắt long lên, nhưng không đập phá, la hét. Ông chỉ đi chơi, mang tiền mua sách vở cho trẻ con, cho tiền cháu nào có thành tích học tập cao nên có lần mẹ mình vào viện, bố đi lĩnh lương của cả hai người và phát hết luôn.

Mẹ mình giận nói vài câu, bố bảo tôi cũng phải có quyền tiêu tiền của tôi chứ. Và đòi ly hôn!

Nếu không bệnh, bố là người tuyệt vời, yêu thương vợ và các con, chăm chỉ việc nhà, không nề hà việc gì, kể cả những việc rất bẩn như dọn hố xí hai ngăn.

Bố cũng rất tài xếp đồ, lần đi sơ tán năm 1964, tất cả tài sản, gồm cả giường tủ được bố buộc trên chiếc xe đạp terraut rồi dắt đến nơi sơ tán. Mà ngày ấy nơi sơ tán chỉ cách có độ 10km thôi.

Trong giáo dục các con, bố mẹ mình có quan điểm khác nhau. Mẹ: do không thể biết trước biến cố của cuộc đời nên dạy cho các con làm được mọi việc, để nếu bị ném vào bụi tre khô cũng không chết.

Bằng chứng là các con, cả trai và gái đều làm thành thạo việc nhà nông, từ chăn bò cắt cỏ đến cấy lúa trồng khoai, bắt tôm, cua cá và đi bán nếu không dùng hết.

Bố: do là con trai út của thầy đồ, ảnh hưởng tư tưởng Khổng giáo nên luôn dạy nhẫn nhịn, bao dung. Ví dụ nếu họ tát mình một cái thì không tát lại mà cho người ta 1 đồng đi ăn phở rồi lựa lúc mà khuyên bảo. Bố rất coi trọng tình cảm nên thường nói:

Tiền bạc ư, rồi sẽ hết.

Sắc đẹp ư, rồi sẽ tàn phai.
Chỉ có tình người sống mãi với thời gian.

Đối với bố, sống an nhiên là sung sướng nhất. Vào những dịp đặc biệt, bố không bao giờ chúc ai phát tài hay nhiều lộc mà luôn là: "mạnh khoẻ, vui vẻ, sung sướng nhé". Đây cũng là câu chúc "thương hiệu" của họ Trần Lê.

Cậu em của mình, khi gặp một biến cố đã nhận thấy cách dạy này của bố có gì đó sai sai, nên có nói là do cách sống này mà cậu có nhiều thiệt thòi trong công việc. Phải là: ở với bụt mặc áo cà sa, ở với ma mặc áo giấy.

Hậu quả của quan niệm trên lại làm bố bệnh nặng thêm mấy chục năm do thần kinh quá yếu để đối lại với biến cố của cuộc đời. 

Nói chuyện với mẹ, mình bảo, con phục mẹ thật đấy, là con, con bỏ từ lâu rồi. Mẹ nói "con à không bỏ được đâu, biết bao chìm nổi gắn bó. Bố bị 'trời hành' cũng đáng thương lắm đó". 

Bố ốm, chỉ mẹ cho bố uống thuốc được, có khi bố uống cả một vốc thuốc ngủ mà không ngủ. Người thường chỉ 1 viên là ngủ tít mù, uống cả vốc như bố thì chỉ có đi Tây Trúc, thế mà bố không ngủ.

Vì ốm nên bố về hưu từ rất sớm, khi mới 50 tuổi. Bố rất yêu mẹ và hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ.

{keywords}
Bố mẹ cùng làm sữa chua năm 1991.

Mẹ ốm trong viện 3 ngày, bố đòi vào thăm không ai cho, chỉ nói qua tình hình nên khi đưa mẹ về nhà bố lập cập đi từ trên gác xuống, nắm tay mẹ, lúc ấy mẹ đuối lắm rồi, bố thì thầm:

Kiếp sau, nếu được làm người,
Lại xin được sống trọn đời bên nhau

Đây là hai câu thơ mà ông nội đã đọc khi nắm tay giã từ bà nội. Lúc ấy nước mắt mẹ tứa ra hai bên. Mẹ đã (chắc là hài lòng) ra đi trong tay bố như thế.

Khi mẹ mất, bố hoàn toàn mất thăng bằng và quá bối rối trước cuộc đời. Bố hoàn toàn không có khả năng lo cho bản thân. Năm ngay sau đó, bố đi viện liền mấy tháng, tưởng bố không thể qua khỏi. Thế nhưng, nhờ có vợ chồng ông anh trưởng giả (anh ấy là thứ hai, nhưng vì anh cả là liệt sĩ nên anh ấy thành trưởng) đã hết lòng chăm sóc và cũng có kiến thức chăm sóc nên bố còn sống thêm được 7 năm sau mới về với mẹ, thọ 96 tuổi.

Trần Thị Hòa Bình

Mời độc giả tham gia gửi bài viết chủ đề "Cha mẹ trong tim tôi" về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng trên VietNamNet. Trân trọng!

Mẹ là tiểu thư con quan, lấy chồng nhà nghèo, một đời lo toan gánh vác

Kỳ 2: Mẹ là tiểu thư con quan, lấy chồng nhà nghèo, một đời lo toan gánh vác

Hôm nay là sinh nhật mẹ lần thứ 96. Nếu có một hình mẫu về người có thể hoàn toàn thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh thì đó chính là mẹ. Mình không chỉ yêu thương, kính trọng mẹ mà còn vô cùng nể phục.