Kiến ba khoang thường xuất hiện sau những đợt mưa, chúng theo những con côn trùng bay vào nơi có nhiều ánh sáng. 

Gần đây, có rất nhiều người bị kiến ba khoang đốt. Vì vậy, bạn hãy chuẩn bị những kiến thức cơ bản để giúp bản thân mình tránh khỏi những tai nạn đáng tiếc do kiến ba khoang gây ra nhé.

Nhận diện vết đốt của kiến ba khoang

Kiến ba khoang là một loại bọ cánh cứng có tên khoa học là Paederus fuscipes (tên tiếng Anh là rove beetles). Ngoài ra còn có một số tên gọi khác như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong...

Thân mình thon, dài như hạt thóc: ngang 1-1,2cm; dài 2-3cm, thường có màu đen và vàng. Có 3 đôi chân, bụng có đốt, trong đó có một đốt màu đỏ. Bay và chạy rất nhanh. Cơ thể đôi khi màu cam tối màu, hay sậm màu và nhọn ở vùng bụng, vùng bụng trên và đầu màu đen.

{keywords}

Độc chất từ kiến ba khoang gây viêm da nhẹ hoặc nặng tùy theo mức độ xâm nhập qua da.

Nhiều người thường nhầm lẫn vết thương do kiến ba khoang đốt với bệnh zona thần kinh. Nhưng trên thực tế, vết thương do kiến ba khoang đốt bao gồm các dấu hiệu sau:

 - Xuất hiện ở các vùng da hở trên cơ thể như mặt, hai tay.

- Vết thương thành vệt dài hoặc thành đám.

- Ban đầu là những nốt ban đỏ rồi sưng lên thành mụn mủ có điểm lỏm màu trắng vàng ở giữa.

- Nếu không giữ gìn cẩn thận có thể bị loét, làm rỉ dịch.

Bạn sẽ có cảm giác đau rát, ngứa ngáy khó chịu, một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch.

{keywords}
Vết thương do kiến ba khoang cắn

Xử lý tại nhà khi bị kiến ba khoang đốt

Khi bị tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang, vùng da tiếp xúc có thể xuất hiện ban đỏ, ngứa. Ngay lập tức hãy dùng nước muối sinh lý rửa nhẹ nhàng để làm sạch chất độc bám trên da.

Sau đó dùng hồ nước bôi lên vùng da tổn thương nhằm mục đích làm mát da, tránh phồng rộp.

Khi da đã bị nổi mụn, phòng rộp như vết bỏng, tiếp tục dùng hồ nước bôi để làm sạch, dịu da.

Nếu vùng tổn thương xuất hiện mủ, dùng dung dịch xanh methylen bôi lên vết thương để sát khuẩn, tránh bị nhiễm trùng.

Khi vết thương đã khô, không còn chảy dịch, hãy sử dụng các loại thuốc dạng mỡ có tính kháng sinh, diệt khuẩn kèm corticoid loại nhẹ và vừa (ví dụ fucidin-H, fucicort) để bôi, giúp vết thương mau lành.

Nếu bị tổn thương nặng, cần phải có bác sĩ kê đơn thuốc uống kèm với bôi bên ngoài để ngăn ngừa nguy cơ dị ứng toàn thân hoặc bội nhiễm nặng.

Phòng chống kiến ba khoang

Để phòng chống kiến ba khoang vào nhà, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, nếu có sự hiện diện của kiến ba khoang trong khu vực, nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang. 

Ngăn cản kiến ba khoang vào nhà bằng cách: Sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào. Nên ngủ trong màn. Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà vì đây là nơi trú ẩn tốt cho loài này.

Mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài nhà, nhất là ở những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình đang xây dựng. Khi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa thu hoạch, mùa mưa bão, cần chú ý sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động như: mặc quần áo dài tay, đội mũ, nón, khẩu trang, đi ủng để tránh tiếp xúc với côn trùng.

Minh Giang (tổng hợp)