Một buổi sáng mùa hè, ông Hoàng Ngọc Báu (SN 1951, Long Biên, Hà Nội) vừa đưa Gấu, tên một con chó, đi ăn sáng về.

‘Gấu được đưa đến nhà tôi khi đang bị bệnh nặng. Tôi đã chữa khỏi cho nó. Sau đó, người chủ bận đi công tác ở TP.HCM nên gửi Gấu ở đây luôn’ vừa xoa đầu con chó giống Chihuahua, ông Báu vừa kể.

Tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ông Báu công tác tại Cục Thú y (Bộ NN-PTNT). Đầu năm 1990, ông được cử sang Đức tham gia khóa học chuyên sâu về dịch tễ, thú y học. Khóa học kết thúc, ông trở về nước, tiếp tục công tác ở Cục Thú y.

{keywords}
Ông Hoàng Ngọc Báu và con chó ông đặt tên là Gấu. Ảnh: Nguyễn Thảo

‘Những năm gần đây, bác sĩ thú y dần được coi trọng hơn nhưng cách đây vài chục năm về trước việc công tác trong ngành thú y không phải là mơ ước của nhiều người’, ông Báu nói.

Ông cho biết, có 2 yếu tố khiến ông chọn theo con đường là một bác sĩ thú y.

‘Kỷ niệm đầu tiên của tôi là vào năm 1957, lúc ấy khu vực nhà tôi là đồng không mông quạnh, không có điện nên ban đêm rất tối.

Một hôm, tôi đi ra ngoài về. Con chó của gia đình tôi sủa ầm ĩ. Bố tôi thấy vậy mang đèn ra xem. Lúc đèn soi sáng, ông nhìn thấy trước mặt con chó là một con rắn độc khá lớn. Ông dùng gậy đánh chết con rắn. Nhưng tiếc thay con rắn trước khi chết đã cắn vào miệng con chó nhà tôi. 2 tiếng sau đó, con chó chết. Tôi hiểu rằng, chó sủa để báo động sự nguy hiểm cho tôi. Tôi có món nợ với con vật ấy’.

Nhiều năm sau đó, câu chuyện vẫn theo ông Báu như một kỷ niệm buồn. Ông bắt đầu có tình cảm sâu nặng với các con vật nuôi và quyết định vào học tại trường ĐH Nông nghiệp.

Khi là sinh viên, ông thường xuyên được theo thầy giáo của trường đi chữa bệnh cho gia súc, gia cầm của các gia đình. ‘Thầy là người có tình yêu đối với động vật. Tình yêu và sự miệt mài với công việc của ông đã truyền sang cho tôi động lực để theo nghề’, ông nói thêm.

Kỷ niệm khiến ông nhớ nhất là lần chữa bò cho một gia đình nông dân nghèo. Con bò của nhà này bị ngất ngay giữa bãi tha ma. Không thể đưa con vật về nhà, ông thức cả đêm ở bãi tha ma để chữa trị. Sáng ra thì con bò đã có thể ăn và đi lại được.

Từ đó đến nay, ông Báu trở thành bác sĩ của những gia đình mỗi khi có con vật ốm đau, sinh nở hay cần chăm sóc định kỳ.

‘Công việc không kể ngày đêm. Có lần tôi đi đỡ đẻ cho con chó của một gia đình đang lúc trận đấu bóng đá của Việt Nam diễn ra. Vừa đỡ đẻ vừa chạy ra chạy vào xem mẹ con con vật đang ‘vượt cạn’ là một kỷ niệm khó quên’, ông nhớ lại.

Là một bác sĩ thú y có khả năng sử dụng tiếng Anh, Trung và Nga nên ông được nhiều người nước ngoài sống ở Hà Nội biết đến. Ông cũng nhớ kỷ niệm lần đến chữa trị, tiêm phòng cho con chó của ngài Đại sứ Mỹ.

{keywords}
Ảnh: Nguyễn Thảo

Năm 2003, nước Mỹ tấn công Iraq, đại sứ quán (ĐSQ) Mỹ tại Việt Nam cũng được thắt chặt an ninh. Đúng lúc ấy, ông Báu nhận được một cuộc điện thoại của vị đại sứ mời đến chữa bệnh cho chú chó. Đi tới ĐSQ nhưng ông Báu không dám vào. Không ngờ ngài đại sứ cử một chiếc xe chống đạn đón ông vào tận nơi.

Ông cũng là người chăm sóc thú cưng cho các ĐSQ Hà Lan, Anh... trong nhiều năm.

Công việc này, cũng giúp gia đình ông Báu có thêm nhiều ‘người bạn’. Cách đây mười mấy năm, một buổi sáng ông Báu mở cánh cửa ra phát hiện trước cổng nhà mình có một hộp quà, được gói rất đẹp. Mở ra, bên trong là 4 con mèo con, ông mang vào nhà lòng rất lo lắng bởi không biết làm sao để nuôi khi những con mèo còn quá nhỏ.

May mắn, trong ngày hôm đấy có một người phụ nữ đưa một con mèo trắng đến triệt sản do sinh nở quá nhiều. Nắn đầu vú con mèo còn sữa, ông mượn người phụ nữ con mèo này để cho đàn mèo con bú sữa. 1,5 tháng sau, bốn con mèo con cứng cáp, ông đem cho những thành viên yêu mèo ở một câu lạc bộ nuôi.

‘Khi tôi chuẩn bị triệt sản cho con mèo của người phụ nữ kia, một phụ nữ người Pháp lại đến với 3 con mèo con khác. Những con mèo này được người phụ nữ kia nhặt từ thùng rác. Như vậy trong thời gian ngắn, con mèo định triệt sản đã cứu sống 2 đàn mèo con’, ông kể.

Khi người chủ cũ đến đón nó về nhưng con mèo này không chịu theo chủ cũ. Vậy là nó ở với gia đình ông đến nay, cũng đã được 16 năm.

{keywords}
Ông Báu (phải) trong một phòng khám cho thú cưng. Ảnh: NVCC

Một con mèo khác ở với gia đình ông nhiều năm là Leng Keng. ‘Tôi đặt cho nó tên ấy bởi con mèo này thích đeo chuông và thích nhảy nhót. Mỗi lần nó chạy nhảy lại phát ra âm thanh leng keng rất vui nhà’, ông kể.

Leng Keng đến với vợ chồng ông Báu cũng rất tình cờ. Vào ngày mùng 1 Tết, nó vừa đói vừa rét nằm phía ngoài cửa gia đình ông. Nhiều người đi chúc Tết thấy con mèo đáng thương nhưng là ngày đầu năm kiêng đón mèo, không ai cưu mang con vật tội nghiệp. Ông Báu đem nó về và chăm sóc từ đó.

‘Trước đó, gia đình tôi cũng cưu mang con chó tên là Rơi. Con vật này nằm sắp chết và mắc bệnh nặng. Tôi đưa nó về nhà cứu chữa nhưng khi nó khỏe thì không biết ai là chủ để trả. Tôi quyết định nuôi nó. Một ngày, có một người phụ nữ mang chó đến nhà tôi chữa trị. Vừa nhìn thấy Rơi cô gái tỏ lòng yêu mến con chó và ngỏ ý muốn nuôi. Ông Báu đã giao Rơi cho chị chăm sóc.

Phải là người yêu thương, biết chăm sóc động vật tôi mới giao con chó cho. Nếu trả số tiền lớn để mua bán tôi lại không bán’, ông kể thêm.

‘Hai con trai tôi lập gia đình và không ở cùng bố mẹ. Căn nhà nay chỉ còn 2 ông bà già. Các con vật như những người bạn, giúp tuổi già chúng tôi bớt cô đơn’, ông Báu nói.

Xúc động chú chó đi bán vé số cùng người 'cha' tật hai chân

Xúc động chú chó đi bán vé số cùng người 'cha' tật hai chân

Giữa chủ và chó xưng là 'cha - con'. Cha ngồi trên xe lăn, còn con đi đưa vé số cho khách, mang tiền về cho cha.  

Ngọc Trang - Nguyễn Thảo