Tôi rón rén bước vào bên trong căn phòng. Phòng chật chội, ẩm thấp và thiếu ánh sáng. Mùi hôi tanh nồng nặc xông lên. Chưa định thần, bất ngờ tôi nhìn thấy dưới nền nhà trên tấm chiếu rách một phụ nữ nằm bất động thân thể lỏa lồ . . .

Có nhà nhưng ngủ chợ

Chúng tôi đứng rất lâu trước căn nhà số 1632/29/4 đường Huỳnh Tấn Phát (KP.4 Thị trấn Nhà Bè, H. Nhà Bè TP.HCM). Tấm biển nhà tình thương hiển hiện trên bức vách đã bạc màu và loang lổ. Vài chiếc quần treo lủng lẳng cạnh cửa sổ đóng kín đầy bụi và ẩm mốc. Con hẻm không rộng nhưng cũng đủ thoáng. Chiếc võng được đặt ngay trên hẻm trước mặt nhà kèm theo những vật dụng linh tinh khác.

{keywords}

Phía trước nhà ông Đặng

Bước vào bên trong. Nền nhà quá bẩn. Đồ đạc dụng cụ vứt tứ phía. Trên vách, những tấm ảnh đã ngả màu. Đây là phòng khách của căn nhà. Một cô gái thấy chúng tôi bước vào lặng lẽ bỏ ra ngoài. Thêm một chiếc võng còn mới được đặt ngay ngắn giữa phòng. Dưới võng là quần áo, lon nước giải khát và rác rến. Bên cạnh võng, một nồi cơm điện đậy kín nắp.

{keywords}

Phòng khách

Tiếp tục ra phía sau. Phòng ngủ. Căn phòng nhỏ hẹp, ánh sáng tù mù. Mùi tanh tưởi xông lên mũi khiến chúng tôi rùng mình. Đảo mắt quanh phòng, phòng trống, không có vật dụng.

Có tiếng động. Chúng tôi nhìn về hướng phát ra. Dưới nền nhà, trên sạp gỗ lót tấm chiếu rách, một phụ nữ lõa lồ nằm bất động. Đầu và mình chị nằm trên khô. Riêng đôi chân nhúng hẳn vào vũng nước sình quá bẩn. Đặc biệt, một chân chị bị xích bằng sợi xích sắt ...

"Nó là con gái út của tui đó", ông Mai Văn Đặng (60 tuổi) chủ nhà từ sau nói vọng tới. Ông cho biết thêm, con ông tên Mai Thị Kim Tân, 26 tuổi bị bệnh tâm thần từ nhiều năm nay, gần đây trở nặng nên phải xích lại...

{keywords}

Nhà bếp

Ông Đặng là người dân cư ngụ tại khu vực này từ rất lâu. Gia đình ông vốn là gia đình lao động làm mai ăn chiều. Chợ Phú Xuân gần nhà ông là nơi cả gia đình ông mưu sinh. Hiện nay, mỗi ngày cả ông và bà đều làm công cho những tiểu thương tại chợ. "Cũng may, làm gần nhà thỉnh thoảng còn về thăm chừng con bé", ông bày tỏ.

Nhìn người con gái nằm thiêm thiếp trên nền nhà chúng tôi không sao cầm lòng được.

Nhà ông Đặng có 7 người gồm ông bà, 3 con gái và 2 cháu ngoại nhưng không có chiếc giường nào trong nhà. Có thể họ ngủ dưới đất ? Không thể, vì nền nhà quá bẩn và chật chội. Nghĩ mãi chưa có câu trả lời...

Dường như đoán biết, ông Đặng mỉm cười nhỏ nhẹ : "Nhà như thế làm sao mà ngủ. Nhờ gần chợ, tối nào cha con cũng kéo nhau ra chợ tìm những sạp trống trèo lên đó mà ngủ. Chỉ một người ở nhà nằm trên võng để theo dõi diễn biến. Như thế mà đã nhiều năm trôi qua rồi đấy ...

Bệnh nhân tâm thần vẫn là con người

"Anh biết cái vũng trong nhà vì sao mà có không ?", ông Đặng hỏi và không đợi chúng tôi trả lời. Ông nói tiếp, con bé Tân đó. Bị bệnh tâm thần từ nhỏ thỉnh thoảng nó vẫn lên cơn. Một ngày vào năm 2013 nó bỏ nhà đi từ 2g sáng đến chiều mới về. Cứ thế, ngày nào cũng đi. Thức ăn ai cho cũng không ăn vứt đi rồi tìm bới ở những nơi bẩn thỉu để có cái ăn.

Được một thời gian nó thuyên giảm phần nào bớt đi và "hiền" hơn. Đến cuối năm 2015 bệnh nó trở nặng. Ngày nào cũng vậy cứ chiều đi đêm về, tinh thần rối loạn ...

{keywords}

Bà Đặng bên con

Nhìn con như thế làm cha làm mẹ ai chịu nổi ? Chúng tôi tìm cách xích cháu lại cho ở hẳn trong phòng. Thế là la hét đập phá. Trong phòng không có cái gì còn nguyên vẹn. Thậm chí nền nhà nó cạy lên một mảng lớn. Gạch thì nó đập vỡ vụn. Còn lại cát trên nền nó hốt tung lên khắp phòng.

Căn nhà này là nhà tình thương được chính quyền địa phương xây cho từ năm 2003 với diện tích 3,5mx9,5m đến nay đã xuống cấp. Một phần do thời gian, nhưng phần chính xuống cấp là do con tôi phá phách quá. Ông đưa chúng tôi đi quanh nhà. Căn nhà rệu rã lắm rồi.

{keywords}

Chân chị Tân bị xích

Gia đình chúng tôi rất nghèo. Thu nhập của cả 2 vợ chồng nhờ làm công ngoài chợ mỗi ngày chưa đến 100.000đ nhưng phải lo cho mấy miệng ăn. Cũng may, bà con chòm xóm và chính quyền địa phương giúp đỡ nhiều nên cũng qua được khó khăn.

Cái lo nhất của tôi bây giờ là cháu Tân. Bệnh tình càng ngày càng nặng. Cháu la hét, phá phách làm kinh động cả xóm...

{keywords}

Nỗi lòng người cha

Chị Lê Phương Khanh, cán bộ xóa đói giảm nghèo UBND thị trấn Nhà Bè thừa nhận những khó khăn mà gia đình ông Đặng chịu đựng bấy lâu nay.

 Chị cho biết, chính quyền rất "để ý" đến gia đình này, đã có những trợ giúp nhất định. Các đoàn thể trong địa phương vẫn thường xuyên đến thăm viếng giúp quét dọn nhà cửa làm vệ sinh chung quanh.

Chị Khanh cho biết thêm, gia đình ông Đặng là gia đình khó khăn nhất của thị trấn nên rất được quan tâm giúp đỡ.

Tiếp xúc với ông Lê Bảo Lộc, phó chủ tịch UBND thị trấn được ông cho biết :"Hiện nay chúng tôi đã hoàn tất thủ tục để đưa chị Tân về Trung Tâm bảo trợ xã hội TP. Hồ sơ đã trình UBND Huyện và chỉ còn chờ quyết định của cấp trên. Sau khi chị Tân được đưa đi chữa bệnh, chúng tôi sẽ có kế hoạch xây lại căn nhà cho ông Đặng để gia đình có nơi chốn trú ngụ."

Bệnh nhân tâm thần cũng là con người. Nhìn cảnh chị Tân trú ngụ ở nhà, chân chìm trong nước bẩn, mình nằm trên chiếu rách xót xa vô cùng. Cũng mong những việc làm đầy ắp tính nhân văn của UBND Thị trấn Nhà Bè sớm thành hiện thực ...

Trần Chánh Nghĩa