{keywords}
Mẹ và cháu gái đầu tiên - Khánh Hương.

Khi mình gặp những việc, những người xấu, những tình huống khó khăn, éo le, mình luôn nghĩ đến mẹ và tự nhủ: đã là gì chứ!

Mẹ là Nguyễn Thị Kim, sinh ngày 10/7/1925, là con thứ tư trong một gia đình công chức cũ có tới 10 con, bảy trai, ba gái. Mẹ có một tuổi thơ sung sướng, có thể nói là tiểu thư sống trong nhung lụa. Gia đình đông con nhưng ông bà ngoại mình cho tất cả các con đều được học hành tử tế, và mẹ mình còn là con gái cưng của ông ngoại.

Tuy ông ngoại không có sự nghiệp văn chương lẫy lừng như ông nội, nhưng là nhà quản lý, ông đã có công cứu cả một làng khỏi chết đói nên được phong thành thần hoàng làng và có miếu thờ. Đó là thôn Phú Mỹ, nay thuộc xã Bình Minh, huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình.

Khi còn nhỏ, mẹ đi học trường Tây, có tài xế lái xe đưa đi đón về. Nhưng từ khi kết hôn với bố thì cuộc đời mẹ đã bước sang hướng khác. Nhất là khi mẹ theo bố lên Việt Bắc dạy học.

Đang ở thành phố sung sướng, có người hầu kẻ hạ, nay lên miền núi, không điện, nước máy, nhà tranh vách đất, ruồi muỗi, ếch nhái kêu râm ran, chim kêu vượn hú... kể ra mẹ cũng dũng cảm thật.

Lên Việt Bắc, bố mẹ cùng dạy học tham gia bình dân học vụ, xoá mù chữ cho nhân dân, nhưng chủ yếu vẫn là dạy học cho trẻ con. Hồi ấy trẻ con đến nhà thầy cô học là ở lại luôn, bố mẹ chúng gửi gạo gửi rau để nuôi. 

{keywords}
Cả nhà đang tăng gia, sản xuất.

Mẹ tuy là con quan, nhưng cũng nhanh chóng hội nhập đời sống dân miền núi, không quan cách nên được dân yêu quý, họ dạy cho làm những công việc nhà nông, trồng rau nuôi lợn nuôi gà, tăng gia sản xuất mà mẹ nhanh trí, khéo tay nên học cũng nhanh.

Mình phục nhất việc mẹ sàng gạo. Mẹ mình sàng gạo rất điệu nghệ, thóc trấu chụm tròn ở giữa chỉ việc bốc bỏ ra.

Mình luyện mãi mà không làm được như mẹ. Sau khi bỏ vỏ trấu, gạo vẫn còn màng nâu, phải bỏ vào cối giã. Giã rồi còn phải dần để bỏ cám đi. Lúc ấy mới có gạo để nấu được cơm. Bây giờ ở quê không ai còn phải làm thế nữa, khắp nơi đã có máy xay xát gạo rồi.

Sau khi hoà bình lập lại, nhà mình về thị xã Bắc Giang, được phân gian đầu hồi dãy nhà tập thể. Gian đầu hồi này được cái lợi là ngoài gian nhà ở chính còn có thêm cái lan can có tường hoa, có thể sử dụng làm bếp. Phía trước còn có mảnh đất mà nhà mình trồng rau, bố có đóng một cái chuồng gà bằng tre, nhà mình nuôi gà, có cả gà đẻ trứng, nghe tiếng gà cục tác là bọn mình tranh nhau đi lấy trứng gà. Cuộc sống thật thanh bình vui vẻ.

Một hôm sáng ra không thấy gà gáy. Hoá ra nhà mình bị mất trộm. Kẻ trộm phá chuồng, bắt hết gà. Xót xa, tiếc của. Suy nghĩ một lát, mẹ lấy xe đạp, phóng lên chợ Kế, hôm ấy là phiên chợ. Thế nào mà mẹ tìm được tên kẻ trộm đang bán gà của mẹ và đòi được gà về. Cả trường phục sát đất. Mọi người nói phải đưa vào đồn công an, nhưng mẹ nói chỉ đòi gà thôi. Người ta cũng nghèo đói mới đi ăn trộm, người ta cũng xin mẹ rồi.

Mảnh đất đầu hồi trồng rau cũng đủ ăn, mẹ mình còn trồng hoa nữa.

{keywords}
Bố mẹ ở Washington DC, dịp đi thăm các con ở Mỹ năm 2000.

Cuộc sống đang nghèo êm đềm như thế thì bố mình bị điên mà nguyên nhân mình đã kể ở bài về bố. Thế là bây giờ, ngoài việc chăm lo cho gia đình, mẹ còn phải chăm sóc sức khoẻ chữa bệnh cho bố.

Năm 1964, Mỹ đánh phá miền Bắc nên gia đình phải đi sơ tán. Mẹ về làm hiệu trưởng trường cấp 2 Nghĩa Trung bên Cầu Lai. Cả nhà lúc này về ở một gian tập thể. Khó khăn vô cùng, đến nỗi mấy anh em phải lên núi cắt cỏ giàng giàng về đun.

Trường ở cạnh một con sông nên bọn trẻ có cơ hội tắm táp, câu cá và nhất là những hôm trở trời, tôm nổi đầy bọn mình lại đi hớt về cải thiện. Cũng ở đây bọn mình được bố dạy bơi. Con sông hồi ấy mình thấy rất to, gần đây về lại, thấy nó bé tẹo, nước xưa trong xanh, giờ đen sì, nổi bọt.

Ở trường cũng bất tiện, nhất là khi nhà có nhiều trẻ con và một người thỉnh thoảng lại điên, nên không rõ bằng cách nào đó mẹ mình kiếm được một mảnh đất đầu xóm Đống mối bên đê, cách trường có khi cũng mấy km. Bây giờ mình không thể nói chính xác bao xa. Trang trại khoảng 5 sào, đã trồng tre bao quanh.

Thế là công cuộc xây dựng bắt đầu. Hồi ấy nhà toàn làm bằng khung tre rồi trát vách đất hoặc xây bằng cay, tức là đất nhào với nước, đóng khuôn phơi khô rồi xây, nên cứ có nước ngập vào là nhà lại đổ. Năm nào cũng phải làm nhà. Đỉnh điểm là năm 1971 nhà mình đã phải căng lều trên đê để ở vì cả trang trại chìm trong nước lụt.

Chính tại nơi đây, bản lĩnh của mẹ mới thực sự toả sáng.

Xây nhà, cải tạo trang trại, đào ao thả cá mẹ đều làm được. Hồi ấy nhà mình đã có VAC (vườn, ao, chuồng) rồi. Hợp tác xã cho nhiều đất lắm, nhà mình cấy lúa, thóc thu được cũng đủ cho lũ con đang lớn, ăn như tằm ăn rỗi. Nhà mình trồng đủ hoa màu, mùa nào thức ấy, từ khoai sọ, khoai lang, lạc, đỗ xanh, đỗ đen, cà chua, su hào... vừa ăn vừa bán.

Trong vườn trồng mía, cuối năm nhà mình thuê trâu kéo rồi nấu thành mật ăn quanh năm. Mẹ còn mua bò cái cho bọn mình chăn để lấy phân và bán bê. Nhà còn nuôi lợn, gà và nhiều vịt vào mùa nước lụt. Do nhà nuôi nhiều vịt, nước lụt phải bơi để đuổi nên cậu em kế Minh bơi rất giỏi và vì vậy đã đầu quân vào Đại học Hàng hải.

Mẹ là hiệu trưởng, ngoài việc quản lí, dạy học (ngày xưa hiệu trưởng cũng dạy chứ không chỉ quản lí), về nhà là lăn vào làm, làm cả đêm.

Đêm mẹ mình đi tát nước, mặc áo trắng nên mọi người bảo nhau là cánh đồng có ma về tát nước. Đi dạy học, mẹ luôn đi xe đạp có 2 cái sọt, mang cà chua hay thứ khác đi bán rồi mua rau khoai về cho lợn.

Ở chợ ai cũng biết mẹ là hiệu trưởng nhưng mẹ không ngại gì cả. Mẹ nói phải làm như thế thì các con mới được ăn đủ chất, được ăn đủ thì mới học hành được.

Mẹ thường nói: học là khó nhất, học được là cái gì cũng làm được. Mẹ dạy toán nên mẹ yêu cầu các con rất cao: đang ngủ mẹ hỏi hằng đẳng thức đáng nhớ cũng phải nói được ngay, mà mẹ cũng thường kiểm tra như thế. Có khi bị kiểm tra, trả lời trong giấc ngủ, mai mẹ hỏi còn chả nhớ đã bị kiểm tra. Vì vậy, con mẹ đứa nào cũng học giỏi cả.

Mẹ là người phụ nữ hết lòng vì chồng con. Nếu bố là cậu út, trung tâm của cả nhà thì mẹ lại là chị của 6 em nên quan tâm đến mọi người, quán xuyến công việc đã trở thành thói quen của mẹ.

Trong suốt bao nhiêu năm bố ốm đau bệnh tật, chỉ mẹ là người cho bố uống thuốc được. Mà bệnh của bố là phải uống thuốc đúng giờ, không được quên. Quên là không có tác dụng mà người điên thì có bao giờ nhận mình là bệnh nhân để tự động uống thuốc đâu chứ. Bận bao thứ việc nhưng việc quan trọng nhất là cho bố uống thuốc đúng giờ. Đến giờ uống, mẹ cứ tay cốc nước, tay vốc thuốc, bao giờ ép ông uống xong, thuốc xuống dạ dày mới đi làm việc khác, bởi nếu chỉ cho vào miệng mà chưa nuốt, quay đi, có khi ông lại nhổ ra.

Lúc bệnh bố rất uất ức với sự áp đặt của mẹ. Nhưng nhờ có sự áp đặt đó mới giữ và chữa bệnh cho ông được.

{keywords}
Năm 1995, Kỉ niệm 50 năm ngày cưới. Bên cạnh bố là chị gái Trần Thị Quế của bố, và bên cạnh mẹ là bà thông gia, mẹ chồng mình, bà Nguyễn Thị Duyên. Nay tất cả đều đang hội tụ nơi niết bàn cực lạc.

Cũng chính vì thế mà lúc tỉnh táo bố cũng bày tỏ tình yêu, sự nể trọng và cả lòng biết ơn nữa. Bố viết:

Mình vừa là chị, là em
Là người vợ với trái tim mẹ hiền.

Khi về hưu, mẹ còn dạy học thêm nhiều năm nữa. Lớp học của mẹ rất đông và phải đăng kí từ rất sớm. Mẹ còn dạy học đến những năm 2000. Đứa cháu ngoại sinh năm 79 cũng từng là học trò của bà. Không chỉ dạy kiến thức, bố mẹ còn dạy trẻ học làm người với những câu chuyện từ trong cuốn Cổ học tinh hoa của ông nội.

Đặc biệt, có một cậu có mẹ kế. Mẹ kế rất tốt, nhưng miệng lưỡi thiên hạ cứ nói: mấy đời bánh đúc có xương... nên cậu rất ác cảm mẹ kế, rồi một lần mẹ kế có mắng gì đó nên cậu tức tối bỏ nhà đi. Bố mẹ mình tìm về, giảng giải cho cậu về mọi chuyện, cậu hiểu ra, rồi bố mẹ đưa cậu về, cũng nói chuyện thêm với mẹ kế của cậu ấy nên sau này mối quan hệ của họ cũng rất tốt. Cậu này tham gia quân đội, nay cũng mang hàm đại tá rồi đấy.

Vừa dạy học mẹ còn làm sữa chua để bán. Công nghệ này là do mình truyền cho. Mình làm để ăn chơi nhưng mẹ đã phát triển thành thương hiệu: Sữa chua Bà Kim cũng nổi tiếng một thời.

Mẹ cũng có đầu óc kinh tế, nhìn xa trông rộng và cũng rất tiết kiệm (vì đã từng trải qua những thời kì khó khăn nên từng nói không thể biết trước ngày mai sẽ ra sao), nhưng cũng rất chịu chi. Từ những năm 90, khi có con cháu về chơi, mẹ thường đặt cơm bên ngoài chứ không nấu vì nói các con các cháu đến chơi có một lúc mà lại lăn vào đi chợ với nấu cơm thì có lúc nào nói chuyện nữa. Mình đi nước ngoài mang được ít đồ về, mẹ bán đi, chuyển thành vàng cho mình, sau này có con, lại có để bán đi nuôi con đấy.

Không chỉ quan tâm đến gia đình và học trò, mẹ còn tham gia hội đồng nhân dân địa phương nhiều khoá để có đóng góp ý kiến cho địa phương về nhiều phương diện. Trước khi đi viện để rồi từ đó ra đi mẹ còn nhắc anh Chí chuyển tiền vào quỹ hỗ trợ mổ tim cho trẻ em.

Ngày 23 tháng chạp năm Mậu Tý, tức 18/1/2009, mẹ đã rời cõi tạm về với tổ tiên, hưởng thọ 85 tuổi. Nhiều người nói họ yêu quý và kính trọng cả bố và mẹ mình, nhưng mẹ mình mới đích thực là anh hùng!

Trần Thị Hoà Bình

Mời độc giả gửi bài viết chủ đề "Cha mẹ trong tim tôi" về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng trên VietNamNet. Trân trọng!

Đời chìm nổi của mẹ và tình yêu của người cha bị 'trời hành'

Kỳ 1: Đời chìm nổi của mẹ và tình yêu của người cha bị 'trời hành'

Nghe mọi người kể lại, khi lấy nhau, bố mình đã 24, mẹ thì 20 tuổi mà ngố cực kì. Vì chưa muốn có con nên hai cụ ấy khi đi ngủ nằm lộn đầu đuôi!


 

Một mình chịu đựng biến cố cuối đời, mẹ không cho tôi về quê chăm sóc

Một mình chịu đựng biến cố cuối đời, mẹ không cho tôi về quê chăm sóc

Nếu bạn hỏi, đối với tôi, ai là người vĩ đại nhất, câu trả lời chắc chắn là Mẹ. Nếu bạn hỏi, điều may mắn nhất đối với tôi là gì, thì câu trả lời là tôi được làm con của Mẹ!