Nghĩ tới ngày cưới, cổ, tai và tay đeo đầy những vàng, con chỉ sợ có ai vui tính lại chụp hình con rồi tung lên mạng, thành ý của mẹ sẽ bị hiểu lầm.

Còn tận gần hai tháng nữa đám cưới của bọn con mới được tổ chức, nhưng mấy ngày này mẹ cứ chạy đôn chạy đáo khắp nơi, dặn dò cắt cử công việc cho từng người trong họ. Mọi việc thực ra đã đâu vào đấy hết cả rồi, nhưng mẹ bảo mẹ vẫn cứ lo lo. Anh là con trưởng nên mẹ muốn đám cưới phải thật to, thật hoành tráng, còn mấy chú sau này đám cưới xuề xòa thế nào cũng được, chẳng ai dám chê trách điều gì.

Một mình mẹ đứng ra quyết hết mọi chuyện, vì “bố chúng mày quanh năm suốt tháng đi làm xa, chả biết gì”. Mẹ đặt cỗ trước cả ba tháng, tận 50 mâm (mỗi mâm 6 người, vị chi là… 300 người); lễ ăn hỏi phải 10 tráp mà tráp nào tráp nấy cũng phải đầy đặn, bưng muốn gãy cả tay, rồi ngày cưới con phải diện đủ 5 bộ váy mẹ đã duyệt trước, thay đủ 3 đôi giày mẹ đã đi đặt làm riêng cho vừa vặn chân con… 

Mới nghe mẹ liệt kê sơ sơ mà hai vợ chồng con đã muốn ngất xỉu. Nhưng bọn con còn chưa kịp ngất xỉu thì mẹ lại thông báo với con một tin “sét đánh ngang tai”: “Mẹ đã dặn dò mọi người rồi, cưới chúng mày, tiền mừng cưới phải quy hết ra vàng, đeo lên người cho nó hoành tráng. Ai có nhiều mừng nhiều, ai có ít mừng ít, ai khó khăn thì gom lại mua chung. Chúng mày khỏi phải bóc phong bì làm gì cho mệt”.

{keywords}

Nghĩ tới ngày cưới, cổ, tai và tay đeo đầy những vàng, con chỉ sợ có ai vui tính lại chụp hình con rồi tung lên mạng, thành ý của mẹ sẽ bị hiểu lầm. (ảnh minh họa)

Nghĩ tới ngày cưới, cổ, tai và tay đeo đầy những vàng, con chỉ sợ có ai vui tính lại chụp hình con rồi tung lên mạng, thành ý của mẹ sẽ bị hiểu lầm. Nhưng khi con từ tốn giải thích như thế thì mẹ lại gạt đi: “Hiểu lầm càng tốt. Vàng ai chả mê. Con dâu trưởng của tôi trông phải thật hoành tráng chứ! Cả đời người mới có một lần đấy con ạ”. Thế là con đành im lặng, chỉ riêng chồng con là ôm bụng cười đến rung cả người. Nhưng chồng con còn cười chưa dứt cơn thì mẹ đã lại tằng hắng: “Cười cợt gì? Mày cũng phải đeo phụ vợ nữa đấy. Một mình nó đeo chắc gì đã hết”. Mặt chồng con tái đi.

Không khí im lặng bao trùm. Mẹ đứng dậy đi thẳng vào phòng ngủ rồi đem ra một cái tráp bằng gỗ sồi cũ. Mẹ cẩn trọng mở nắp tráp. Trong đó là cơ man kiềng, nhẫn, bông tay, lắc tay… bằng vàng. Mẹ bảo lúc nào dư dả tiền một chút là mẹ lại gom góp đi mua một món, mẹ bắt đầu mua chỗ vàng này từ lúc chồng con mới là sinh viên năm nhất Đại học. 

Mẹ chẳng có đất đai, ruộng vườn, nhà cao cửa rộng. Đây là chút quà mẹ để dành cho con dâu tương lai. Mẹ đợi ngày này từ lâu lắm rồi. Rồi mẹ bảo với con: “Vàng mẹ mua là vàng bốn số 9. Chúng mày xem, mẹ để qua bao nhiêu năm mà nó vẫn cứ sáng choang thế này. Tới ngày cưới, mẹ sẽ đem chỗ bông tai, lắc vàng này đi gắn thêm đá cho sang. Vàng trơn nhìn cứ đơn giản thế nào ấy”.

Mẹ vừa dứt lời, chồng con lại ôm bụng cười ngặt nghẽo. Mẹ nguýt anh: “Đá mẹ gắn cũng phải là đá xịn chứ không phải đá cuội đá sỏi đâu mà mày cười. Mày đừng có coi thường con mắt thẩm mĩ của mẹ”. Con nào dám cười, con chỉ thấy thương mẹ. Mẹ sợ chúng con thiệt thòi, mẹ sợ làng xóm chê trách, rồi mẹ ôm hết lo lắng vào người. 

Việc gì mẹ cũng phải đích thân đứng ra quán xuyến mẹ mới thấy yên tâm. Bác Hai còn kể với con, mẹ ra tận nơi đặt cỗ bàn, gặp ông quản lý để “dằn mặt”: “Đám cưới con trai lớn của tôi mà có bất cứ sai sót nào thì đừng trách tôi ác!”. Mẹ bảo tới ngày cưới, con cứ cười cho thật tươi, mọi việc đã có mẹ mời tận 300 khách (mà mẹ còn nói 300 khách là ít, mẹ đang tính mời thêm). Chúng con sợ không đủ sức đi hết 50 bàn để uống rượu mừng.

Rồi mẹ đã nháy trước với cả họ là phải mừng cưới bằng hiện kim. Con thực lòng không muốn mình trở thành một cây vàng di động trong ngày cưới. Tính con trước giờ đơn giản, thậm chí hơi xuề xòa. Đám cưới đúng là dịp cả đời chỉ có một lần, nhưng con vẫn luôn mong đó sẽ làm một đám cưới giản dị, ấm cúng và vui vẻ. 

Con cũng không để tâm khách khứa tới tham dự sẽ cân đo đong đếm số vàng con đeo lên người mà quy đổi ra hạnh phúc ra sao. Con chỉ mong, đám cưới sẽ là một ngày vui, không phải một ngày mà cả nhà mình ai cũng căng như sợi dây đàn vì lo lắng. Chẳng có đám cưới nào có thể làm vừa lòng hết tất cả các khách mời, nên nếu có một ai đó lên tiếng chê bai, con cũng mong mẹ sẽ bỏ qua nếu đó là chuyện nhỏ.

Còn tới tận gần hai tháng nữa mới tới ngày cưới, chúng con chỉ muốn mẹ có thời gian để nghỉ ngơi và bình tâm suy nghĩ lại. Giá như nhà mình có thể bớt khách mời lại, tiền mừng cưới hoàn toàn là tùy tâm, con chỉ cần mặc 1-2 bộ váy cưới và đeo trên người một bộ trang sức duy nhất mà mẹ tặng thì hạnh phúc quá. 

Hôm qua, lúc đi xem đồ trang trí cho ngày cưới, mẹ bị tụt huyết áp, xém tí thì ngất xỉu mà mẹ vẫn giấu con. Mẹ ơi, mẹ có thể buông bớt việc, để mọi người có thể xắn tay vào phụ giúp. Chúng con không cần một đám cưới hoành tráng để mỗi lần nhắc tới ai cũng phải xuýt xoa. Chúng con cần một đám cưới “vừa sức” và mọi người ai cũng có thể cười nói thoải mái, vui vẻ. Được không mẹ?

(Theo Trí Thức Trẻ)