Có một nơi, mỗi đôi giày, dép sản xuất ra đều khác nhau về kích thước, hình dáng. Đó là xưởng giày, dép dành cho những bệnh nhân phong tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hoà (Bình Định).

Xưởng giày, dép hơn 20 năm tuổi này được mệnh danh là nơi sản xuất giày, dép cho bệnh nhân phong lớn nhất Việt Nam với bình quân hơn 2.000 đôi được sản xuất ra mỗi năm.

{keywords}
Người thợ đo vẽ để tạo ra những mẫu giày dép đặc biệt.

Giày, dép không số, đủ hình thù

Hơn 20 năm qua, trong căn phòng chừng 100 m2, 7 người đàn ông trung niên vẫn lặng lẽ, miệt mài tạo ra những món quà đặc biệt. Đó là những đôi giày, đôi dép mà với các bệnh nhân phong, nó vừa là vật dụng, vừa là phần bù lại chỗ thịt xương đã bị bệnh tật bào mòn theo thời gian.

Mỗi đôi giày, dép ở đây có kiểu mẫu khá 'kì dị': Có chiếc giày mòn vẹt một bên vì chân người bệnh bị lật; có chiếc đế tròn, nhỏ bằng một nắm tay để nâng đỡ cho bên chân chỉ còn lại mỗi gót chân bé tẹo…

{keywords}
Người thợ tạo đế quai cho đôi dép.

Chúng tôi hỏi anh Lê Viết Đức (51 tuổi, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), một người thợ ở xưởng về cách làm nên những đôi giày, đôi dép 'có một không hai' này. Anh Đức cười hiền đáp: 'Thông thường, mỗi thợ đảm nhận từ khâu đo đạc, thiết kế, gia công đến hoàn thiện. Bệnh nhân bị nhẹ, người thợ mất 1 ngày để hoàn thành 1 đôi. Bệnh nhân bị biến dạng nặng thì phải thực hiện các kỹ thuật cao, có khi mất khoảng 2 ngày mới làm ra 1 đôi giày hoặc 1 đôi dép'.

{keywords}
Giày, dép sau khi làm xong đều được kiểm tra theo mẫu bàn chân từ người bệnh đã xác định trước đó.

Tiếp lời anh Đức, anh Phan Đại Nghĩa, một người thợ khác cho biết: 'Chất liệu chính để làm những đôi giày, dép đặc biệt này là da hoặc giả da, phần đế trên sử dụng xốp, đế dưới dùng cao su, còn hình dáng giày thì 'muôn hình muôn vẻ''.

{keywords}
Người thợ tiến hành cắt da, tạo đế quai cho đôi dép.

Bệnh nhân tìm đến xưởng giày, dép rất đa dạng, người cụt hẳn hai bàn chân, người mất một bàn chân, lại có những bàn chân đã bị mất hẳn những ngón chân, có bàn chân bị mất gót… Thế nên những chiếc giày, dép làm ra không chiếc nào giống chiếc nào. Người thợ phải phụ thuộc vào hình dạng chân của bệnh nhân, rồi mới đo, vẽ tỉ mỉ để làm được những chiếc giày, dép phù hợp với từng người.

Cho yêu thương sẽ nhận về hạnh phúc

Nếu nhìn mẫu mã thì việc làm nên những đôi giày, đôi dép đặc biệt này không khó, nhưng không phải ai cũng đủ can đảm để đối diện với những biến chứng của người bệnh. 

Do vậy, những năm qua, xưởng sản xuất giày, dép cho bệnh nhân phong nơi đây chỉ có duy nhất 7 người thợ gắn bó.

Họ chính là thế hệ thứ 2, lớn lên từ làng phong Quy Hòa nhưng may mắn đều sinh trưởng khỏe mạnh. Họ đến với nghề, yêu nghề và đồng cảm với những khó khăn của người bệnh nên quyết tâm giữ lấy nghề, coi đây như việc nghĩa, trả ơn cho đời khi họ may mắn được lành lặn, khỏe mạnh.

{keywords}
Một đôi dép hoàn thiện cho bệnh nhân phong.

Nâng đôi chân cho mảnh đời chắp vá, nối ghép

Một năm, 7 người thợ ở xưởng giày nơi đây thực hiện hai chuyến đi đến các làng phong khác nhau để đo và phát giày, dép cho bệnh nhân. 100% những đôi giày, dép được làm ra đều cấp phát miễn phí cho bệnh nhân phong tại 11 tỉnh, thành ở Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Như vậy, mỗi năm một bệnh nhân ở khu vực này sẽ được phát miễn phí 2 đôi giày hoặc 2 đôi dép tùy vào mức độ tổn thương của từng người.

{keywords}
Nhiều mẫu bàn chân được thợ đóng giày, dép làm sẵn sau các chuyến đi cơ sở. 

Hôm chúng tôi đến là lúc anh Nguyễn Văn Quế, 50 tuổi - người có hơn 20 năm gắn bó với nghề vừa hoàn thành chuyến đi tặng và đo giày, dép ở tỉnh Gia Lai trở về.

Nở nụ cười mãn nguyện, anh Quế khoe: 'Tôi vừa trao đến tay các bệnh nhân bị bệnh phong ở Gia Lai về, mệt nhưng vui lắm'.

{keywords}
Một bệnh nhân phong thử đôi dép vừa nhận được từ những người thợ.

Anh Quế cho biết, trước kia khi đường sá đi lại còn khó khăn, nhiều người mắc bệnh phong vẫn còn  tự ti, mặc cảm nên thường ở những nơi xa, hẻo lánh, việc đến khám bệnh, rồi cấp giày là cả một vấn đề.

Ngày nay, việc đi lại đơn giản hơn nhưng mỗi khi nhìn thấy những đôi chân khuyết tật được mang giày, dép do chính mình làm mà người bệnh cảm thấy dễ chịu, anh vẫn cảm thấy rất nhẹ lòng.

{keywords}
 Ông Nguyễn Văn Lan, một bệnh nhân mắc bệnh phong giờ cảm thấy thuận tiện trong việc đi lại nhờ những đôi dép được thợ đóng cho mình.

Bị bệnh phong từ lúc 15 tuổi, ông Nguyễn Văn Lan (66 tuổi, quê ở tỉnh Bình Định, hiện điều trị ở Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa) đã phải sống những ngày cực khổ khi liên tục bị mọi người xung quanh chỉ trò, bàn tán vì đôi chân kỳ lạ của mình.

Bây giờ, nhờ có những đôi giày, dép được làm bởi những người thợ, ông tự tin hơn  nhiều: 'Giày này mang rất thỏa mái, nếu mang giày, dép bình thường thì khoảng 2 tiếng đồng hồ là phải 'gác chân lên trời' vì chân bị sưng, các khớp đau nhức. Còn giày này có lớp xốp nên mềm, không gây đau, lại có lớp đế là su cứng tránh những vật nhọn giúp bảo vệ mình'.

{keywords}
Những mẫu bàn chân được đúc sẵn thể hiện những di chứng, biến dạng của người mắc bệnh phong ở cấp độ nhẹ.

Hiện còn nhiều phận người như ông Lan ở Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Sau bao sóng gió, tai ương về nghịch cảnh bệnh tật, họ về đây như 'ga cuối của cuộc đời'. Họ bước đi trên đôi chân được bao bọc bởi những đôi giày, đôi dép làm bằng tình thương và sự đồng cảm.

Với riêng 7 người thợ đóng giày, dép tại xưởng, trong tâm họ luôn cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện khi thấy bệnh phong có thể làm việc, kiếm sống và đi lại thuận tiện trên những đôi giày, dép do chính họ làm ra.

Tình yêu của anh chồng Long An với người ngồi xe lăn, hơn 5 tuổi

Tình yêu của anh chồng Long An với người ngồi xe lăn, hơn 5 tuổi

Bị cả gia đình phản đối, anh Trí vẫn muốn được ở bên chăm sóc, che chở cho người vợ tật nguyền, hơn mình 5 tuổi.  

Vân Hà