Xem video:

42 năm sống giữa lòng nghĩa trang

Thấy bầy chó sủa ầm ĩ, bà Trần Thị Nghĩa (62 tuổi) ngó ra từ căn nhà quàn cũ nát trong nghĩa trang lớn nhất TP.HCM. Bà đuổi đàn chó của mình lẩn vào những mộ phần vừa được quét vôi xanh sạch sẽ rồi ra tiếp khách.

Năm nay là năm thứ 42 bà sống lay lắt giữa lòng nghĩa trang Bình Hưng Hòa (phường Bình Hưng Hoà A, Quận Bình Tân, TP.HCM). Đó cũng là số năm bà tình nguyện bảo quản, chăm sóc các mộ phần xung quanh khu vực mình sinh sống.

Căn nhà quàn cũ nát trong nghĩa trang, nơi bà đặt ban Tam Bảo và cũng là chỗ sống tạm của bà đã chật kín đồ đạc. Không còn chỗ chen chân, bà đành mời khách ngồi tạm bên ngôi mộ lớn vừa được quét vôi xanh chuyện trò.

{keywords}
Bà Nghĩa đã sống trong nghĩa trang lớn nhất TP.HCM suốt 42 năm qua.

Thời xuân sắc, bà Nghĩa có nhà ở Quận 6, TP.HCM. Công việc kinh doanh củi đốt giúp gia đình bà có cuộc sống dễ thở. Thế nhưng sau nhiều biến cố, bà không còn tài sản. Bà trôi dạt nhiều nơi rồi tìm đến nghĩa trang lớn nhất thành phố này sống tạm.

Không còn mảnh đất cắm dùi, bà Nghĩa ở tạm trong căn nhà quàn bị bỏ hoang giữa lòng nghĩa trang. Hằng ngày, bà nhận làm thuê các công việc nặng nhọc để nuôi thân. Ít năm sau, người thân của bà làm ăn phát đạt, mua cho bà miếng đất, cất nhà.

Bà Nghĩa và mẹ chuyển vào nhà mới với hi vọng cuộc đời sẽ khá khẩm hơn. Nào ngờ, vào nhà mới chưa được bao lâu, mẹ bà lâm bạo bệnh. Thu nhập từ công việc thuê mướn không đủ tiền thuốc thang cho mẹ, bà đành cắn răng bán căn nhà vừa ở chưa ấm chân.

{keywords}
Không có nhà cửa, bà sống tạm trong căn nhà quàn cũ nát bị bỏ hoang trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa.

Bán nhà, bà lại quay về ở trong ngôi nhà quàn giữa nghĩa trang rồi gắn bó với những ngôi mộ lặng câm từ đó đến bây giờ. Bà kể: “Đó là năm 1980. Tôi đến ở với người đã khuất vì chẳng còn nơi nào để đi”.

“Tại đây, tôi van vái, có lời nguyện với cõi vô hình rằng, nếu cho tôi ở đây khỏe mạnh, gia đình không đau bệnh, tôi sẽ chăm sóc, bảo quản các mộ phần đến hết đời. Từ đó, tôi tình nguyện chăm sóc những ngôi mộ, không phân biệt là mộ vô chủ hay có người thân. Thấm thoát đã 42 năm rồi”, bà nói thêm.

Những năm ở trong nghĩa trang, bà Nghĩa chỉ thu vén cuộc sống của mình trong căn nhà quàn mục nát. Hằng ngày, bà đi làm thuê, làm mướn nuôi thân.

Những ngày không có việc làm, bà lại lúi húi giẫy cỏ, phát quang bụi rậm, lau chùi các ngôi mộ. Đặc biệt, dịp cận Tết, dù đói kém, bà luôn để dành một số tiền đủ để mua vật liệu trang hoàng lại cho các mộ phần.

{keywords}
Suốt 42 năm qua, bà tình nguyện chăm sóc, bảo quản các mộ phần xung quanh khu vực mình sinh sống.

Bà chia sẻ: “Tôi tình nguyện chăm sóc, bảo quản các mộ phần như nhau không phân biệt mộ có thân nhân hay mộ vô chủ. Sau này, thân nhân người đã khuất đến nghĩa trang, thấy mộ phần ông bà mình sạch sẽ, thoáng mát có gửi tiền công cho tôi”.

“Tôi nhận rồi để dành đó. Cuối năm, tôi lấy ra mua vật liệu sửa sang lại các ngôi mộ chưa được xây dựng khang trang, bị sụt lún, hư hỏng. Cứ thế, tôi thực hiện công việc này từ năm 1980 đến bây giờ”, bà chia sẻ thêm.

Nhận người đã khuất làm cha mẹ, con nuôi

Hơn nửa đời sống giữa nơi an nghỉ của người đã khuất, bà Nghĩa có những niềm tin tâm linh cho riêng mình.

Suốt thời gian sinh sống tại đây, bà tin rằng, người còn sống luôn muốn cửa nhà sạch sẽ thì người đã mất cũng mong mộ phần tinh tươm, sáng sủa.

{keywords}
Tính đến nay, bà đã thực hiện công việc này được 42 năm. 

Thế nên mỗi khi có thời gian hoặc phát hiện mộ phần nào bị sụt lún, hư hỏng, bà đều tự mua vật liệu để bồi đắp lại. Đối với các mộ phần được đắp bằng đất, bà Nghĩa tình nguyện giẫy cỏ. Mộ sụt, lún, phẳng, bà trộn đất, đắp lên.

Bây giờ, bà mua cát, xi măng về trộn hồ, đắp các mộ này lên cho cáo ráo, chắc chắn. Sau đó, bà quét vôi màu xanh lên cho các mộ phần sáng sủa, tươi mới.

Những ngôi mộ được xây dựng khang trang bằng gạch, ốp đá hoa cương, bà ít tốn công sức hơn. Bà chỉ quét lá khô, dọn chân nhang, hoa tàn rồi lau chùi cho sạch sẽ.

{keywords}
Những ngôi mộ còn sót lại, chưa được cải táng, hư hỏng tại nghĩa trang đều được bà tu sửa, đắp xi măng, quét vôi xanh cho sạch sẽ, cao ráo.

“Tôi làm như thế để các ngôi mộ, đặc biệt là mộ vô chủ không bị mất dấu tích. Sau này, nếu có một ngày, người thân của họ đến bốc cốt thì vẫn tìm thấy mộ”, bà Nghĩa chia sẻ.

Sau nhiều năm chăm sóc mộ, bà Nghĩa có những tình cảm đặc biệt với công việc không mấy ai thích làm này. Thậm chí, bà còn tự nguyện nhận người đã khuất nằm trong các mộ phần vô chủ làm cha, mẹ, ông bà, con nuôi của mình để chăm sóc thật tốt.

Bà giải thích: “Đối với các ngôi mộ vô chủ, không có ai đến chăm sóc, tôi tình nguyện xin với người đã khuất được làm người thân của họ. Nếu người đã khuất lớn tuổi hơn tôi, tôi xin nhận họ làm cha, mẹ, ông, bà nuôi. Người tuổi nhỏ hơn tôi, đặc biệt là các bé mất sớm, tôi xin nhận làm con nuôi, gọi con xưng má.

{keywords}
Bà Nghĩa mong tất cả các mộ còn lại đều có người thân đến nhận, đưa về nơi an nghỉ mới trước khi nghĩa trang bị giải tỏa.

Tôi nguyện như thế để họ tin tưởng, yên tâm rằng mình cũng có được một người thân luôn bên cạnh chăm sóc, bảo vệ mộ phần như những người khác đang nằm lại nghĩa trang. Như thế, bản thân tôi cũng tự có trách nhiệm hơn trong việc chăm sóc các ngôi mộ”.

Những năm gần đây, khi biết tin nghĩa trang sắp được di dời, các mộ phần có người thân đều đã được người nhà đến cải táng, bốc cốt đem về nơi an nghỉ mới. Tuy vậy, xung quanh khu vực bà Nghĩa sinh sống vẫn còn lại một số ngôi mộ vô chủ.

Hàng ngày, bà vẫn quét dọn, chăm sóc các mộ phần này. Tết vừa qua, bà tiếp tục mua cát, xi măng, vôi về sửa sang, sơn quét lại những ngôi mộ này cho sạch sẽ, khang trang.

Bà chọn quét vôi màu xanh cho các ngôi mộ vì màu xanh là màu tượng trưng cho niềm hi vọng. Bà mong, một ngày nào đó, các ngôi mộ tại đây đều có người thân đến nhận, đem về.

“Khi nghĩa trang giải tỏa, tôi chỉ ao ước tất cả các mộ phần tại đây đều có người thân đến nhận, mang về nơi an nghỉ mới. Như thế, dù không còn được ở đây nữa, tôi cũng yên lòng”, bà tâm sự.

Bài, ảnh, clip:  Hà Nguyễn

Chuyện chưa kể về nghĩa trang đặc biệt chôn cất 3 nghìn thai nhi

Chuyện chưa kể về nghĩa trang đặc biệt chôn cất 3 nghìn thai nhi

Suốt 3 năm nay, anh Đặng Quốc Thịnh (sinh năm 1988) như một người cha đỡ đầu, đem đến cho các thiên thần vô tội với kiếp số ngắn ngủi một nơi yên nghỉ.