Sáng sớm một ngày cuối năm, trời Hà Nội nhiều sương và rét nhưng dưới ao, nhóm của chị Nguyễn Thị Phương (38 tuổi, người làng Đại La, xã Duyên Hà, Thanh Trì) vẫn đang cặm cụi vớt những cây bèo tây (cây lục bình).

{keywords}
Nguyễn Thị Phương 38 tuổi, người làng Đại La, xã Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội.

Quần áo chị Phương lấm lem và ngấm nước nhưng đôi tay của chị nhanh thoăn thoắt. Chị kéo từng cụm bèo, túm lấy một nắm, cắt bỏ lá rồi rửa sạch thân cây. Sau đó, chị sắp gọn để bó thành bó lớn.

8h sáng, chị Phương đã lấy được 3 bó bèo. ‘Số bèo này, đủ để làm 1 chục chiếc đế vòng hoa rồi’, chị Phương cười nói.

Mỗi chiếc đế, chị Phương bán buôn cho các cửa hàng với giá 17, 18 nghìn đồng. Nhưng trừ tiền mua tre, lạt để tạo hình đế và các khoản chi phí khác, những người làm việc như chị Phương chỉ được cầm về khoảng 8-9 nghìn đồng/chiếc đế.

{keywords}
Một chiếc đế vòng hoa làm từ cây bèo.

Chị Phương cho biết, nhược điểm của vòng hoa làm từ bèo là người bán chỉ để được 4-5 ngày, nếu che chắn kỹ. Vì vậy, người sản xuất phải làm liên tục để đáp ứng nhu cầu thị trường.

‘Công việc vất vả vì chỉ cần có đơn hàng, chúng tôi phải đi lấy bèo về làm bất kể mưa nắng gió bão. Thế nhưng, nó cũng mang lại thu nhập khá. Mỗi tháng, nếu làm liên tục, tôi cũng kiếm được trên 4 triệu. Số tiền này cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp’, chị Phương chia sẻ.

Chị cho biết, gia đình chị vốn làm nông nhưng từ khi biết đến công việc này, chị Phương coi đây là nghề chính và đã gắn bó với nghề được hơn 10 năm.

Làm lâu năm, nhóm của chị Phương có mối quen là các cửa hàng phục vụ tang lễ trên địa bàn Hà Nội. Thế nên, quanh năm, chị Phương không lo thất nghiệp. Điều chị Phương lo là việc tìm kiếm các ao bèo.

‘Chúng tôi phải đi khắp nơi để tìm bèo - loại bèo có thân dài. Nếu quanh Hà Nội không còn thì phải đi xa hơn.

Tìm được chỗ có bèo rồi thì sáng sớm, chị em tôi rủ nhau đến lấy. Mỗi người đứng ở một góc ao’, người phụ nữ 38 tuổi bộc bạch.

{keywords}
Nhóm của chị Phương thường đi lấy bèo vào buổi sáng, còn buổi chiều ở nhà làm đế vòng hoa.

Theo lời chị, mỗi ngày, việc xuống ao lấy bèo sẽ kéo dài từ sáng sớm cho đến 11h trưa. Sau đó, họ đặt tất cả số bèo kiếm được lên xe máy, chở về nhà. Buổi chiều, nhóm của chị tập chung ở một nhà để tết bèo, tạo thành đế vòng hoa.

‘Tết từ trưa đến 7h tối, tôi cũng hoàn thành được 20 - 25 chiếc đế’, chị khoe. Đến khi dồn đủ hàng, để tiết kiệm chi phí, chị Phương sẽ nhờ chồng chở vào nội thành, giao cho các đầu mối.

Các con của chị Phương đã học đến cấp 2, có thể hỗ trợ mẹ công việc này vào những lúc rảnh rỗi, nhưng chị không muốn các con vất vả. Thay vào đó, chị muốn các con tập trung vào việc học. Sau này lớn, các con không phải làm nông, cũng không phải theo nghề của mẹ.

Chị cũng cho biết, những ngày cuối năm, trời Hà Nội lạnh, có hôm có mưa nặng hạt nhưng vì một cái Tết đủ đầy, cả gia đình được nghỉ ngơi, quây quần bên nhau trọn vẹn, chị phải làm việc nhiều thời gian hơn.

‘Tôi phải làm gấp đôi ngày thường để đủ hàng giao cho người ta. Làm sao đến khoảng 28 Tết, chúng tôi xong việc. Mùng 5, hoặc 6, tôi mới làm việc trở lại’, chị Phương nói.

{keywords}
Người phụ nữ vớt bèo mưu sinh chiều cuối năm.

Công việc vất vả, quần áo luôn lem luốc, nhưng vì mưu sinh và tương lai của các con, chị Phương không quản ngại.

‘Tôi chỉ mong có sức khỏe, đơn hàng đến đều đều, tôi có việc làm, kiếm tiền mua rau, nuôi con học hành. Thế là những mệt nhọc cũng không còn nữa’, chị cười nói.

Những phận người nặng gánh mưu sinh ngày cận Tết

Những phận người nặng gánh mưu sinh ngày cận Tết

'Chẳng biết Tết này có gì cho cả nhà ăn Tết hay không?', bà Hương cố gượng cười nói với chúng tôi. 

Thanh Tâm - Huy Hùng