Chúng tôi đang ăn sáng ở một quán ăn trên đường Nguyễn Kim (P.7, Q.10, TP.HCM). Quán đông, người ra vào tấp nập. Một người phụ nữ đứng tuổi từ ngoài bước vào. Tay cầm cây gậy, tay kia cầm xấp vé số, chị len lỏi đến từng bàn. 

Chiều cao của chị có lẽ không vượt quá 1m. Nét thời gian đọng đầy trên gương mặt chị.

Chị tên Lê Thị Lợi, 60 tuổi quê ở Quảng Xương (Thanh Hóa). Thuở nhỏ, khi sinh ra chị cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Gần 2 tháng tuổi, chị bị sốt bại liệt nên cơ thể không phát triển. Cả tuổi thơ và lúc trưởng thành, mọi sinh hoạt của chị đều nhờ vào sự trợ giúp của người thân. 

{keywords}
Niềm vui chung cùng với chị Lệ chủ nhà.

Năm 2015, cha mẹ và anh trai mất, chị gái lấy chồng ở xa, chị Lợi trở thành người bơ vơ không nơi nương tựa. May mắn, nhiều người quen biết đã đưa chị vào Sài Gòn trở thành người bán vé số dạo.

Đã 4 năm trôi qua, mỗi ngày chị bắt đầu công việc từ lúc 3h sáng cho đến 15h mới trở về nghỉ ngơi. 18h chị lại tiếp tục công việc cho đến khuya. Tâm sự với chúng tôi, chị cho biết, chỉ có đất Sài Gòn này mới giúp chị sống được những ngày còn lại bởi ngoài bán vé số ra, chị không thể làm việc gì để có tiền sinh sống.

{keywords}
Cuộc sống khó khăn nhưng chị vẫn luôn nở nụ cười.

Hàng ngày, chị rảo bước trên những con đường của Quận 5, Quận 6. 'Cực lắm chứ', chị nói.

'Nhiều người đề nghị mua xe lăn đẩy tôi đi bán, tiền lãi chia đôi. Tôi không chịu và cứ một mình lầm lũi.

2 năm trước đây, trong một lần lên cầu thang, tôi bị vấp ngã. Chân phải bị gãy phải vào bệnh viện băng bó. Nghĩ đến việc không đi được làm sao có tiền để sống, tôi đành phải nhờ xe lăn. Nhưng hơn một tháng ngồi xe lăn, cuối ngày chia tiền lãi với người đẩy, tôi chỉ còn được vài chục, không đủ cho một ngày.

Sau vụ ngã đó, tôi không còn đi xa được nên chỉ quanh quẩn khu vực Nguyễn Kim đến chợ Nguyễn Tri Phương rồi về. Gần đây, mùa dịch ập tới, lượng khách ăn uống giảm nhiều khiến tôi cũng bị ảnh hưởng nên phải cố gắng đi xa hơn, lâu hơn mới đủ chi phí cho cuộc sống'. 

Nói đến đây, chị nở nụ cười thật tươi: 'Phải cố gắng vươn lên để sống chứ anh. Dù thế nào cũng phải lạc quan yêu đời. Có vậy mới qua được những giây phút đắng lòng nhất'. 'Nhưng đi bán được 4 năm, không năm nào không gặp nạn', chị kể tiếp.

{keywords}
Chị Lợi len lỏi khắp nơi để bán hàng. 

Chị nhớ lại: 'Đi bán được vài tháng, có dư được chút ít, tôi cho vào túi mang theo bên người. Một người phụ nữ lớn tuổi đến bên tôi nói gì tôi không nhớ, chỉ biết rằng lúc ấy người tôi nhũn ra và nghe theo lời người đàn bà đó. Tôi tháo túi, lấy hết vé số đang bán bỏ vào rồi trao cho bà ta. Một lát sau tôi bừng tỉnh thì đã mất sạch'.

Chị bị 2 lần như thế. Ngoài ra, chuyện bị giật đồ hay đánh tráo vé số xảy ra thường xuyên với chị. 'Nhưng cũng may anh ạ', chị bày tỏ. 'Người Sài Gòn thật tốt. Ai thấy tôi cũng thương, cũng ủng hộ vé số. Nhờ vậy, 4 năm ở đây tôi có được cuộc sống tự lập đầy đủ và thoải mái'.

'Gần đây, chị Lệ - một người làm đại lý vé số cho tôi về nhà ở chung và ăn chung. Chị chỉ lấy tượng trưng 20.000đ/ngày tiền ăn, ở và giặt giũ cho tôi khỏi áy náy', chị tâm sự.

'Tôi chỉ mong luôn được khỏe mạnh, luôn được mọi người thương yêu để tôi bán được vé số kiếm đồng tiền sinh sống. Tôi lo nhất là những lúc đau bệnh không biết rồi sẽ ra sao. Tứ cố vô thân nơi đất khách, chỉ còn biết trông cậy vào tấm lòng của bà con nơi đây', chị nói, giọng đầy xúc động.

Cụ ông Sài Gòn bán vé số giúp người nghèo: 'Người ta bảo tôi điên'

Cụ ông Sài Gòn bán vé số giúp người nghèo: 'Người ta bảo tôi điên'

Mỗi ngày, ông Thái lấy gần 500 tờ vé số rồi rong ruổi khắp ngả đường bán. Số tiền lời, ông mang đi giúp những người khó khăn.  

Trần Chánh Nghĩa