“11 quả trứng của tôi vẫn ở ngân hàng lưu trữ và có thể không còn sử dụng, khiến tôi khó khăn khi phải quyết định làm gì với chúng”, Sara nói.

Hiện, câu chuyện của Sara đã khá phổ biến ở Anh. Mong muốn được làm mẹ, nhưng thiếu người đàn ông để bắt đầu một gia đình, bà là một trong hàng trăm phụ nữ độc thân đã quyết định đông lạnh trứng khi công nghệ này được phổ biến rộng rãi vào những năm 2010.

{keywords}
Sara Murray quyết định đông lạnh trứng vào năm 2015.

Tuy nhiên, giống như Sara, nhiều phụ nữ trong số đó vẫn độc thân khi họ bước vào thời kỳ mãn kinh và đang phải đối mặt với tình thế khó xử, đau khổ - liệu họ có nên tiếp tục trả vài trăm bảng Anh mỗi năm để cất giữ trứng? Hay họ nên ký vào giấy tờ để tiêu hủy chúng và mãi mãi mất đi cơ hội có con?

Human Fertilisation and Embryology Authority (Cơ quan thụ tinh và phôi thai người) ghi nhận, năm 2013, có 569 trường hợp đông lạnh trứng và tăng lên 2.000 vào năm 2018. Không có giới hạn tuổi, vì vậy một người phụ nữ có thể đông lạnh trứng của mình ở bất kỳ giai đoạn nào, miễn là họ chưa đến thời kỳ mãn kinh và vẫn đang sản xuất trứng.

Đến nay, Sara đã chi gần 10 nghìn bảng (320 triệu đồng) cho việc này. Tuy nhiên, trong những năm qua, thái độ của bà đối với vấn đề này đã thay đổi đáng kể.

{keywords}
Bà đã chi gần 10 nghìn bảng (320 triệu đồng) cho việc này.

“Việc đông lạnh trứng giúp ngăn chặn sự suy giảm chất lượng do tuổi tác gây ra. Mặc dù người phụ nữ già đi, nhưng nếu họ sử dụng trứng của mình muộn hơn - thậm chí là 10 năm sau - thì cơ hội thành công của họ sẽ là ở thời điểm đông lạnh trứng”.

Nhưng đối với những phụ nữ như Sara, suy nghĩ làm mẹ ở tuổi 50 mới là vấn đề thực sự.

“Khi tôi đông lạnh trứng, tôi hy vọng mình có thể sử dụng chúng trong vòng vài năm tới. Lúc đó, tôi độc thân nhưng không muốn trở thành một bà mẹ đơn thân. Mục tiêu của tôi là gặp ai đó, sau đó dùng trứng của mình để cố gắng bắt đầu một gia đình cùng nhau”, bà chia sẻ.

Là giám đốc điều hành của một kênh truyền hình có trụ sở ở London, Sara ưu tiên sự nghiệp của mình và hẹn hò ở độ tuổi 30. Bà bắt đầu tìm hiểu phương pháp đông lạnh trứng khi sắp bước sang tuổi 40.

“Tôi không chắc chắn mình muốn có con, nhưng tôi ý thức được rằng thời gian để làm mẹ không còn nhiều”, Sara nói.

Bà đã tìm kiếm những người hiến tặng tinh trùng nhưng cảm thấy quá sức khi nuôi con một mình.

“Càng nói chuyện với bạn bè, tiếp xúc với trẻ em, tôi càng cảm thấy làm mẹ đơn thân sẽ vô cùng khó khăn. Cha mẹ tôi ủng hộ, nhưng họ đã ngoài 80 tuổi và sống ở Scotland. Nếu có điều gì xảy ra vào nửa đêm, tôi sẽ không có ai ở đó để giúp đỡ”, bà nói.

Cuối cùng, Sara chọn cách đông lạnh trứng của mình tại Trung tâm Sức khỏe Di truyền & Sinh sản (CRGH) ở London. Khi đó, Sara 43 tuổi và đã lấy được 11 quả trứng chỉ sau một chu kỳ điều trị bằng hormone chuyên sâu.

Hàng năm, phòng khám sẽ gửi lời nhắc về khoản phí lưu trữ 300 bảng Anh (9,6 triệu đồng), để kiểm tra xem khách hàng có còn muốn giữ trứng đông lạnh hay không.

Bức thư “dội xuống như một quả bom”, nhắc nhở Sara rằng 1 năm nữa đã trôi qua và dù đang hẹn hò, bà vẫn chưa tìm được người đàn ông phù hợp.

Sara nói: “Năm đầu tiên, nó đã có một tác động lớn. Tôi nhận ra thời gian đã trôi qua nhanh như thế nào và cảm thấy một chút thất bại, buồn bã. Tôi biết mong muốn làm mẹ của mình không nhiều bằng việc có một gia đình với một người bạn đời”.

Trong năm thứ hai, bà nhờ một người bạn đồng tính xem xét việc có con với bà bằng cách sử dụng trứng. Nhưng sau khi cân nhắc, anh ta nói lời từ chối.

“Đến năm thứ năm, tôi không còn tưởng tượng đến việc dùng những quả trứng nữa”, bà nói.

{keywords}
Carla Poole, 49 tuổi, cũng đông lạnh trứng khi 37 tuổi nhưng luật pháp Anh quy định chỉ có thể đông lạnh trong tối đa 10 năm. Carla đã chuyển chúng đến một phòng khám ở Tây Ban Nha, nơi không áp dụng thời hạn này.

Luật của Anh cho phép đông lạnh trứng tối đa trong 10 năm. Nhiều người đang kêu gọi thay đổi quy định có từ năm 1984 này, nhằm kéo dài thời gian lưu trữ. Mặc dù điều đó có lợi với phụ nữ đông lạnh trứng tuổi 20, nhưng với tuổi của Sara, mở rộng giới hạn trứng có thể khiến họ kéo dài tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Giáo sư Adam Balen, cựu chủ tịch của Hiệp hội Sinh sản Anh, nói: “Chọn tiêu hủy trứng là gánh nặng tinh thần lớn đối với phụ nữ. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là các phòng khám phải đảm bảo phụ nữ được tư vấn thích hợp trước khi họ quyết định đông lạnh trứng”.

Carla Poole, 49 tuổi, cũng đã chi 10 nghìn bảng để đông lạnh trứng khi 37 tuổi, vì vậy đã vượt qua giới hạn 10 năm của Anh.

Thay vì để trứng bị tiêu hủy, Carla đã trả vài trăm bảng Anh để chuyển chúng đến một phòng khám ở Tây Ban Nha, nơi không áp dụng giới hạn thời gian.

Trên thực tế, Carla đã là làm mẹ, bà gặp người bạn đời hiện tại ở tuổi 40. Ngay lập tức, họ bắt đầu cố gắng có con và dù đã 4 lần sảy thai, bà vẫn thụ thai tự nhiên và không sử dụng trứng đông lạnh. Con gái của họ hiện đã lên 6.

Bà nói: “Trong khi tôi trải qua tất cả những lần sảy thai đó, việc biết mình có trứng đông lạnh là một cứu cánh tuyệt đối về mặt tinh thần”.

Hiện, bà chắc chắn sẽ không dùng trứng đông lạnh. Bà muốn hiến trứng nhưng đây không phải là một lựa chọn khả thi. Bởi vì có những quy định nghiêm ngặt về các xét nghiệm mà người hiến trứng phải trải qua và hầu hết các phòng khám sẽ không sử dụng trứng hiến từ phụ nữ trên 35 tuổi.

Cũng giống Sara, Carla có suy nghĩ rất phức tạp với trứng của mình. "Mặc dù chưa bao giờ sử dụng chúng nhưng tôi sẽ không bao giờ hối hận khi quyết định đông lạnh".

6 năm trôi qua mà không gặp được ai hợp ý, Sara Murray đã gặp một người mới vào tháng 12 năm ngoái. Đây là người đầu tiên bà kể về việc đông lạnh trứng và thái độ chân thành lắng nghe của người đàn ông này khiến bà xúc động.

"Nếu là 3 năm trước, có lẽ tôi sẽ mang thai luôn, nhưng ở tuổi này, tôi không thể chỉ dùng trứng để cố gắng bắt đầu gia đình với người mới qua lại 4 tháng. Tôi phải đợi để cho mối quan hệ này vững chắc, nhưng khi đó tôi sẽ ít nhất 49 hoặc 50 tuổi, khá già để sinh con", bà chia sẻ.

Tuy nhiên, người đàn ông này đã có con riêng và điều đó khiến bà tự hỏi: “Liệu có thể xây dựng gia đình mà không cần con chung?”.

“Tôi có thể sẽ trả tiền cho việc lưu trữ trứng cho đến giới hạn 10 năm, để không phải 'giết 'chúng. Mặc dù tôi thực sự không thể sử dụng chúng, nhưng một phần nhỏ trong tôi vẫn chưa buông bỏ”, bà nói.

Ngọc Trang (Theo Daily Mail)

Bà mẹ lần đầu sinh con ở tuổi 73

Bà mẹ lần đầu sinh con ở tuổi 73

Bà mẹ Ấn Độ phá vỡ kỷ lục thế giới khi lần đầu sinh con ở tuổi 73 bất chấp tuổi tác và sự đánh giá của xã hội.