{keywords}
Yuko Takeuchi - nữ diễn viên nổi tiếng người Nhật tự tử hồi tháng 9/2020.

Nhìn từ ngoài, Yuko Takeuchi dường như có một cuộc sống hoàn hảo. Cô giành giải thưởng điện ảnh hàng đầu của Nhật Bản 3 lần, vừa sinh đứa con thứ 2. Với nhan sắc hiếm có, mới năm ngoái, cô xuất hiện trong một bộ phim chiếu rạp. Cô cũng là đại diện thương hiệu cho một nhãn hiệu mỳ ramen hàng đầu Nhật Bản.

Nhưng hồi tháng 9 vừa qua, ở tuổi 40, cô qua đời, trong đó nhiều nghi vấn là do tự tử. Không ai biết chính xác cô đã phải trải qua những gì ẩn giấu đằng sau những hào quang xung quanh cô.

Nhật Bản là một xã hội rất coi trọng “gaman” - tức là sự tự chịu đựng. Chính vì thế, nhiều người đang cảm thấy vô cùng áp lực khi phải giấu đi những cuộc tranh đấu nội tâm của mình. Áp lực này càng lớn hơn với những người nổi tiếng, những người mà thành công trong sự nghiệp của họ phụ thuộc vào việc xây dựng một hình mẫu hoàn hảo.

Cái chết của Takeuchi là vụ việc mới nhất trong một loạt những vụ tự tử của các ngôi sao truyền hình và điện ảnh ở Nhật Bản trong năm nay.

Trước đó gần 2 tuần, một nữ diễn viên khác tên là Sei Ashina, 36 tuổi cũng tự tử. Trước đó nữa 2 tháng, Haruma Miura, 30 tuổi, một nam diễn viên truyền hình cũng được phát hiện đã chết ở nhà riêng, để lại bức thư tuyệt mệnh.

Đầu năm nay, Hana Kimura, một đô vật chuyên nghiệp, ngôi sao của chương trình truyền hình thực tế Terrace House cũng tự kết liễu đời mình sau khi bị bắt nạt trên mạng xã hội. Điều đặc biệt là ngoài Kimura, không ai trong số những người trên thể hiện bất cứ dấu hiệu nào của sự bất ổn tâm lý.

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, số vụ tự tử ở Nhật Bản tăng lên đáng báo động sau rất nhiều nỗ lực mới có thể giảm xuống trong thập kỷ qua từ mức cao nhất thế giới. Các nhà chức trách cho biết, con số này đã tăng gần 16% vào tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nếu tính ở độ tuổi trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ từ 20-30 tuổi thì mức tăng là 74%.

“Ở Nhật Bản, chúng tôi cảm thấy như chúng tôi không thể bộc lộ ra những điểm yếu của mình. Chúng tôi phải cất giữ lại tất cả những cảm xúc đó” – ông Yasuyuki Shimizu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến các biện pháp đối phó với tình trạng tự sát ở Nhật Bản cho hay.

“Họ không chỉ cảm thấy không thể tới gặp các chuyên gia tâm lý hay nhà trị liệu, mà thậm chí nhiều người còn cảm thấy không thể bộc lộ điểm yếu của mình cho những người thân quen”.

Nguyên nhân của những vụ tự tử rất phức tạp. Nhiều người cảm nhận được sự đòi hỏi tàn nhẫn của mạng xã hội, nơi mà người ta cảm thấy cần phải nuôi dưỡng một câu chuyện về sự thành công và hạnh phúc vĩnh cửu.

“Điều này hoàn toàn có thể là nguyên nhân khiến bạn rơi vào vòng xoáy trầm cảm” nếu thực tế cuộc sống của bạn không khớp với bức chân dung được giám sát bởi người khác ấy, ông Shimizu nhận định.

Ngay cả khi không phải trên mạng xã hội, người Nhật cũng có xu hướng thể hiện một hình ảnh tích cực trước người khác. Có một sự khác nhau khắc nghiệt giữa khái niệm “uchi” (bên trong) và “soto” (bên ngoài), và cảm xúc cá nhân được coi là một phạm trù riêng tư, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực.

{keywords}
Haruma Miura - nam diễn viên truyền hình được yêu thích - tự tử hồi tháng 7 năm nay.

Người Nhật cũng tự thấy mình phải tuân thủ các quy tắc và không nên nổi bật theo cách có thể trở thành gánh nặng cho người khác.

Trong giai đoạn đại dịch, khuynh hướng xã hội này đã thực sự giúp Nhật Bản tránh được sự gia tăng số ca lây nhiễm và tử vong. Bởi vì người dân tuân theo các quy định về việc đeo khẩu trang, tránh nơi đông người, thực hành vệ sinh tốt…

“Vì thế, trong trường hợp này, khuynh hướng xã hội của người Nhật là một lợi thế” – ông Toshihiko Matsumoto, Giám đốc Trung tâm Cai nghiện ma tuý thuộc Trung tâm Thần kinh và tâm thần thuộc Viện Sức khoẻ tâm thần cho hay. “Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc khi gặp các vấn đề về sức khoẻ tâm thần, người Nhật không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ và thường tránh xa đám đông”.

Tuy vậy, sự giúp đỡ chính xác là thứ mà nhiều người cần trong đại dịch. Một số người mất việc làm hoặc phải trải qua những thay đổi lớn trong công việc. Nhiều người khác thì không thể gặp gỡ bạn bè hay người thân.

Đặc biệt, phụ nữ là đối tượng phải đối mặt với những tình huống căng thẳng. Trong suốt thời gian trường học đóng cửa và nhiều người phải làm việc tại nhà, các gia đình phải chen chúc nhau trong những ngôi nhà nhỏ.

Cũng có những người đàn ông đột nhiên có nhiều thời gian hơn cho gia đình, nhưng cũng còn nhiều người khác vẫn phó mặc việc nhà cho vợ. “Việc chồng họ làm việc tại nhà đôi khi trở thành sự ngột ngạt với người vợ” – Tiến sĩ Matsumoto cho hay.

Ông Junko Kitanaka, nhà nhân chủng học ở ĐH Keio cho rằng căng thẳng có thể dẫn đến nhiều vụ tự tử ở phụ nữ hơn đàn ông.

Đối với người nổi tiếng thì các áp lực xã hội có thể được nhân lên nhiều lần bởi sự kỳ vọng của người hâm mộ.

Và không giống như ở Mỹ, nơi mà người nổi tiếng có thể chia sẻ cởi mở về việc họ cần giúp đỡ về tâm lý, thì hành vi này hầu như là điều cấm kị ở Nhật Bản.

“Nếu bạn là người nổi tiếng và khi truyền thông phát hiện ra bạn đang được hỗ trợ về sức khoẻ tâm thần, điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến bạn và sự nghiệp của bạn” – bà Tamaki Tsuda, một nhà sản xuất truyền hình cho hay.

Đại dịch gây ra nhiều khó khăn với những người trong ngành giải trí, vì việc sản xuất phim và các chương trình truyền hình bị đình trệ lại để đảm bảo an toàn phòng dịch.

“Những người làm việc trong ngành giải trí mất hợp đồng biểu diễn ngay khi virus này tấn công” – bà Tsuda cho hay. “Nhiều người hoàn toàn trống lịch trong suốt vài tháng qua”.

Thậm chí, việc phải đình trệ công việc tạm thời cũng gây ra sự bất an khi họ thua kém một nhóm nghệ sĩ mới nổi.

Hiromichi Shizume, một nhà sản xuất truyền hình khác, nói: “Thật không may, với tâm lý của người Nhật, chúng tôi có xu hướng tự trách mình”. Các nghệ sĩ nghĩ rằng “có thể mình chưa được thuê bởi vì mình làm chưa đủ tốt”.

Công chúng Nhật Bản cũng có khả năng đồng cảm hạn chế. Các nghệ sĩ nhanh chóng bị chỉ trích vì bất cứ hành vi nào mà người hâm mộ cho là không biết ơn về việc được yêu mến. Thậm chí khi đã chết, Takeuchi, một diễn viên từng đạt nhiều giải thưởng, vẫn bị lên án, trong đó có nhiều người ám chỉ tới sự giàu có và cuộc sống sung túc của bà.

“Yuko Takeuchi, tôi không thể tin rằng cô lại vô trách nhiệm đến mức vừa sinh một đứa con đã tìm tới cái chết chỉ sau đó vài tháng” – một người viết trên Twitter.

“Giá thuê căn hộ của Yuko là 1,85 triệu yên”, hay một người khác bình luận: “Điều đó có nghĩa là tiền không thể làm chúng ta hạnh phúc?”.

Tại một cuộc họp báo sau cái chết của cô, ông Katsunobu Kato, Chánh Văn phòng nội các của Thủ tướng Yoshihide Suga cho rằng, ông lo ngại rằng các thông tin xung quanh việc người nổi tiếng tự tử có thể khiến những người khác cũng kết liễu cuộc đời mình.

“Để mọi người không cảm thấy bị cô lập với những lo lắng của riêng mình, chúng ta phải cùng nhau xây dựng một xã hội, nơi mà chúng ta có thể giúp đỡ và giám sát lẫn nhau một cách ấm áp”.

Trong khi đó, các chuyên gia về vấn đề tự tử cho rằng họ e ngại trước những lời hứa mơ hồ của Chính phủ.

“Họ nói rằng, chúng ta nên xây dựng một xã hội mà không ai cảm thấy cô đơn” - Michilo Ueda, Giáo sư khoa học chính trị ở ĐH Waseda, Tokyo nói. 

“Chúng ta không thể thay đổi xã hội trong một ngày” - bà khẳng định.

Nghề dạy khóc ở Nhật Bản

Nghề dạy khóc ở Nhật Bản

Hidefumi Yoshida tự gọi mình là thầy dạy khóc - người khuyến khích mọi người thỉnh thoảng nên rơi nước mắt như một cách giảm căng thẳng và hướng tới một cuộc sống hạnh phúc hơn.  

Nguyễn Thảo (Theo The New York Times)