Video: Chuyện tình xúc động ở viện dưỡng lão

Viện dưỡng lão ở Thanh Oai (Hà Nội) nằm im lìm trong khu chung cư cao tầng. Xung quanh thưa thớt bóng xe cộ.

Phần lớn thành viên ở đây từ 65 tuổi trở lên. Dù thời trẻ họ đến từ đâu, làm gì, có địa vị ra sao nhưng trong mái nhà chung này, người ta chỉ cần biết đến tên của nhau, an nhiên tự tại, bỏ qua những bộn bề, bon chen của kiếp người.

8 giờ sáng, tôi có mặt tại sảnh chính của tòa nhà. Từng tốp các cụ lớn tuổi đưa nhau đến khu vật lý trị liệu. Cụ nào tai biến nặng, bị liệt… phải di chuyển bằng xe lăn, sẽ có nhân viên đưa xuống.

Tại đây, các cụ được tập cơ, vận động nhẹ bằng các bài tập phù hợp, giúp mạch máu tuần hoàn, cơ thể dẻo dai hơn. Sau giờ tập, các cụ tập trung xem ti vi hoặc ngồi hàn huyên. Trên môi họ, nụ cười luôn rạng rỡ.

Trong số đó, tôi chú ý đến cặp vợ chồng ông Dương Văn Dần (SN 1958) và bà Nguyễn Thị Nhơn (SN 1956) quê Ninh Bình. Một đời bên nhau, ở tuổi gần đất xa trời, ông bà cùng vào viện dưỡng lão sống.

{keywords}
Bà Nhơn chuẩn bị đồ tươm tất lên gặp ông Dần.

Các nhân viên y tế cho biết, vợ chồng ông bà đều bị tai biến cách đây nhiều năm. Ngày mới vào, sức khỏe cả hai không tốt. Bà Nhơn bị tai biến nhiều lần nhưng nhờ tập luyện chăm chỉ, thể trạng nhanh chóng hồi phục, có thể đi lại bình thường, trí nhớ minh mẫn.

Ông Dần yếu hơn, phải ngồi xe lăn, mọi vận động phụ thuộc vào sự hỗ trợ của điều dưỡng. Trí tuệ ông bắt đầu sa sút. Điều duy nhất ông nhớ là tên, tuổi và quê quán của vợ mình.

Để tiện chăm sóc, các nhân viên ở đây bố trí cho bà Nhơn ở tầng 3 - khu dành cho người khỏe mạnh, còn ông Dần ở tầng 4, khu chuyên biệt. Sống cùng tòa nhà nhưng khác tầng, mỗi lần nhắc đến chồng, bà Nhơn lại xúc động, giọng lạc đi.

{keywords}
Giây phút gặp gỡ của cặp vợ chồng già.

Vợ chồng nghĩa nặng tình sâu, bên nhau suốt mấy chục năm, cùng đi qua bão giông tuổi trẻ. Giờ với ông bà, thứ quý giá chính là khoảnh khắc bình yên và cái nắm tay lúc tuổi già.

Đều đặn mỗi ngày bà Nhơn chuẩn bị tươm tất, mái tóc chải gọn gàng, chỉnh lại trang phục, lên thăm ông. Ai cho bánh, kẹo, bà giữ lại, bọc kín, phần chồng.

Đôi vợ chồng nhìn thấy nhau, như thể đã lâu rồi chưa gặp, nước mắt chực trào nơi khóe mắt. Hậu quả của lần tai biến gần nhất khiến ông Dần không nói được nhiều, chỉ vươn cánh tay yếu ớt về phía vợ, bà Nhơn âu yếm, khẽ nắm tay chồng vỗ về.

Lần giở túi nilon đựng bánh, bà giục chồng ăn rồi bắt đầu kể những câu chuyện vụn vặt về bạn bè, con cháu. Bà biết, ông không nhớ được nhưng ít ra, mỗi ký ức xưa cũ vẫn có thể hiển hiện bên ông qua ‘thước phim’ bà tua lại.

Chị Thơm - điều dưỡng trưởng của viện dưỡng lão kể lại, bà Nhơn rất tình cảm với ông. Hôm nào mệt không lên thăm được, bao giờ bà cũng hỏi thăm ông qua nhân viên. Nghe tin ông Dần ăn kém một chút, kiểu gì bà cũng vội vàng lên gặp.

{keywords}
Ai cho bánh, kẹo bà Nhơn đều để phần cho chồng.

Anh Tùng (con trai ông bà Nhơn - Dần) chia sẻ, bố mẹ anh gặp nhau và nên duyên khi ông Dần công tác trong ngành giáo dục, bà Nhơn làm hợp tác xã.

Họ có cuộc sống đầm ấm hạnh phúc, sinh được 4 mặt con nhưng hai người con không may mất sớm, hiện còn anh và chị gái. Lúc khỏe mạnh, hai vợ chồng bà Nhơn năng nổ, tham gia các hoạt động địa phương.

Suốt mấy chục năm hôn nhân, bà Nhơn dành sự quan tâm tận tụy cho chồng. Từng miếng ăn, giấc ngủ, bà chu toàn để ông an tâm công tác.

Ông Dần không thường xuyên nói lời tình cảm mà thể hiện bằng hành động. Ông giúp vợ việc nhà, chăm sóc con cái, chiều chuộng sở thích của bà Nhơn. Gia đình có mâu thuẫn, xung đột, bao giờ ông cũng nhường nhịn vợ.

Họ chưa từng xa nhau một ngày nào. Khi ông ốm, nằm một chỗ, các con thay nhau chăm sóc nhưng lúc nào ông cũng thích vợ bên cạnh.

Đến lúc bà Nhơn ngã bệnh, bà nói các con cho hai vợ chồng vào viện dưỡng lão sống. Bà sợ con cái vất vả mưu sinh, lại phải tất bật lo cho bố mẹ.

Trước đây, anh Tùng chịu khó đưa bố mẹ đi châm cứu, bấm huyệt kết hợp chữa Tây y. Ở nhà, anh thuê giúp việc trông nom hai cụ nhưng sự chăm sóc không được chu đáo. Trăn trở nhiều đêm, anh đành chiều theo ý mẹ.

'Tình cảm ông bà dành cho nhau sâu sắc, đến bây giờ, con cái vẫn phải học theo. Giữa bộn bề của cuộc sống, gặp khó khăn, trắc trở đến đâu, chúng tôi vẫn nhìn vào bố mẹ để vượt qua, xây dựng tổ ấm của mình.

Từ ngày vào trung tâm, tinh thần ông bà phấn chấn lên nhiều. Mẹ tôi hay kể được mọi người tổ chức sinh nhật chung, cắt bánh ga tô, nghe nhạc, hoạt động tập thể khá phong phú. Giặt giũ quần áo, cơm nước có người lo từ a- z', anh Tùng nói.

Người phụ nữ quyết ly hôn vì chồng không đóng góp tiền sinh hoạt

Người phụ nữ quyết ly hôn vì chồng không đóng góp tiền sinh hoạt

 Kết hôn từ năm 21 tuổi nhưng chỉ sau 9 năm chung sống, người phụ nữ sinh năm 1954 ly hôn vì cho rằng chồng thiếu sự quan tâm đến gia đình.

Nhật Linh