Tôi là con dâu trưởng. 12 năm về nhà chồng là 12 năm tất bật vào những ngày lễ Tết. Dù công việc rất bận ở thành phố nhưng những dịp gia đình chồng có cỗ bàn, tôi chưa dám bỏ bất cứ một đám nào.

Nếu như các em dâu, em gái chồng chỉ việc về phụ trong bếp thì trước đó mấy hôm, tôi đã phải tất tả đi chợ, mua sắm. Ăn uống xong, mọi người đứng dậy ra về, tôi lại hì hụi dọn rửa trong bếp.

Bất cứ chuyện lớn nhỏ trong gia đình, bố mẹ chồng cũng mặc định gọi cho tôi. Ấy vậy mà tôi vẫn là đứa con dâu ‘chưa làm tròn nhiệm vụ’ trong mắt mẹ chồng đơn giản vì tôi không sinh được con trai.

3 lần sinh nở là 3 nàng công chúa, tôi nhận được tiếng thở dài đến chạnh lòng của mẹ chồng. Bà nói, nhà bà tuy nghèo khổ nhưng bao năm nay vẫn ngẩng mặt lên được với thiên hạ, họ hàng vì có đến 4 người con trai.

Vợ chồng tôi có nhà cao, cửa rộng hay chức ông này bà nọ mà không có nổi ‘chút cháu trai nối dõi’ thì cũng như vứt đi.

Chồng tôi là người hiền lành, nghe mẹ nói anh bực mình, gạt đi nhưng rồi cũng chỉ an ủi tôi: ‘Bà đang buồn, em cứ kệ bà’. Nhưng là phụ nữ, trải qua bao lần ‘chửa đẻ cửa mả’ nghe câu đó, sao tôi không chạnh lòng?

Tôi cố bỏ qua để nuôi con, chăm lo cho gia đình nhưng những hành động của bà vẫn như vết dao cứa vào lòng tôi.

Mỗi lần gia đình có dịp họp mặt, bà lại đem chuyện vợ chồng tôi chưa làm tròn nhiệm vụ ra nói. Sau đó, ông bà lại khuyến khích: ‘Nói gì thì nói, đứa thứ 4 phải là cháu trai’.

Lần ông ốm nặng nằm viện, có người đến thăm. Người ta chúc ông dưỡng sức, nhanh khỏe mạnh, bố chồng tôi cố nói to cho tôi nghe: ‘Không phải chúc nhiều. Thằng T. (chồng tôi) chưa đẻ cho tôi đứa cháu trai, tôi chưa chết được’.

Ông bà luôn ôm ấp những đứa cháu trai - con của các em chồng tôi. Trong khi 3 đứa con gái tôi, ngoan ngoãn, xinh xắn nhưng ông bà chỉ lắc đầu: ‘Hàng ngoại đẹp đến mấy cũng không phải của nhà mình’.

Đỉnh điểm là chuyện xảy ra vào mùng 1 Tết năm ngoái. Lúc này, các con tập trung ở nhà ông bà để chúc Tết. 9 người cháu được ông bà gọi ra để mừng tuổi.

Ông bà rút ra những tờ 500 nghìn mới tinh để tặng cho các bé trai. Đến lượt các con gái của chúng tôi, ông bà rút ra những tờ 10 nghìn đồng. Khi con gái lớn của tôi (11 tuổi) thắc mắc, ông bà cười: ‘Chị thì phải nhường các em’.

Tôi nhìn cảnh đó mà đau lòng. Chồng tôi và các em chồng biết tính ông bà trọng nam khinh nữ nên đều xuề xòa cho qua, chỉ có tôi là thấy chua chát.

Đầu xuân năm mới, tôi đã chạy vội vào bếp để không ai nhìn thấy mình rơi nước mắt…

Tết ngậm ngùi của người phụ nữ lấy chồng xa

Tết ngậm ngùi của người phụ nữ lấy chồng xa

Quê tôi ở Quảng Nam, cách Hà Nội 900 cây số, lấy chồng đã 8 năm cũng là từng ấy năm tôi không được về quê đón Tết cùng bố mẹ.

Độc giả Thu Hường